Vừa qua, Viện Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp
(CNRS) và Viện Dầu khí Pháp IFP Energies nouvelles (IFPEN) công bố sẽ
hợp tác khởi động một chương trình nghiên cứu lớn nhằm phát triển 'những
quy trình công nghiệp không phát thải carbon mới', giúp ngành công
nghiệp giảm lượng khí thải CO2, chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu.
Về tổng thể, chương trình có tên gọi là SPLEEN (Hỗ trợ đổi mới nằm phát
triển những quy trình khử carbon mới cho phần lớn ngành công nghiệp).
Theo một thông cáo báo chí chung từ CNRS và IFPEN, trong số 70 triệu
euro ngân sách công được phân bổ cho chương trình kéo dài liên tục 6,5
năm này, 35 triệu euro sẽ đi vào 10 dự án có mức ưu tiên cao, nhằm "giảm
hoàn toàn 35% lượng khí thải nhà kính của ngành công nghiệp vào năm
2030 và 80% vào năm 2050, so với mức của năm 2015".
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
Thông cáo báo chí cho biết thêm: “Tiến trình gọi thầu dự án và kêu gọi
sự quan tâm sẽ được triển khai vào cuối năm 2023, với đối tượng hướng
đến là toàn bộ cộng đồng khoa học”.
Hoạt
động nghiên cứu sẽ tập trung chủ yếu vào sản xuất nhiệt, tách CO2 và xử
lý CO2 dư thừa bằng cách chuyển đổi chúng thành nhiên liệu hoặc chôn lấp
dưới lòng đất. Những chương trình cũng tập trung vào sinh thái công
nghiệp và vấn đề xử lý chất thải của các khu công nghiệp.
Tổng cộng sẽ có hơn 120 luận án, tức khoảng 20 luận án/năm, được đưa ra
trong suốt thời gian diễn ra chương trình. Chương trình sẽ tài trợ cho
80 bài nghiên cứu của những nhà nghiên cứu trẻ tuổi đã có học vị tiến
sĩ. Theo chỉ định của CNRS, nghiên cứu phải thuộc các ngành: Khoa học kỹ
thuật; hóa học; kỹ thuật quy trình; khoa học kỹ thuật số; khoa học xã
hội và con người.
IFPEN Energies nouvelles
là đơn vị tham gia nghiên cứu công-tư trong những lĩnh vực năng lượng,
giao thông, môi trường, khí hậu và nền kinh tế tuần hoàn. CNRS - với
33.000 nhà nghiên cứu thành viên, có hơn 200 cơ sở chung với những chủ
thể công nghiệp, tạo ra khoảng 100 công ty khởi nghiệp mỗi năm.
Trong lĩnh vực khoa học và công nghiệp, vào đầu tháng 6, CNRS đã công
bố một chương trình nghiên cứu có quy mô cực lớn khác nhằm tập trung kỹ
thuật tái chế - chủ yếu là nhựa và tái sử dụng vật liệu tái chế, với
ngân sách 40 triệu euro trong 6 năm. Chương trình được tài trợ trong
khuôn khổ kế hoạch năm 2030 của Pháp về đầu tư công vào hoạt động khử
carbon.
Thiên Bảo
Nguồn:https://www.moitruongvadothi.vn/phap-trien-khai-chuong-trinh-nghien-cuu-khu-carbon-trong-cong-nghiep-a135956.html