Việt Nam - Nhật Bản: Tích cực tìm kiếm các đối tác đầu tư năng lượng tái tạo

Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 như Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đang tích cực tham gia các triển lãm và gặp gỡ các doanh nghiệp đối tác có nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Tích cực tham dự các triển lãm

Trong ngày 16/3 vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã tham dự và tham quan các gian hàng trưng bày tại Triển lãm World Smart Energy Week 2022. Triển lãm WSEW 2022 là triển lãm có quy mô lớn nhất thế giới chuyên về lĩnh vực năng lượng tái tạo, được tổ chức từ ngày 16 - 18/3/2022 tại Trung tâm triển lãm Tokyo Big Sight, Nhật Bản. Kể từ khi được ra mắt năm 2005, Triển lãm WSEW đóng vai trò là địa điểm gặp gỡ, tạo nền tảng hợp tác kinh doanh tốt nhất cho những cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong ngành năng lượng trên toàn cầu.

Triển lãm WSEW được tổ chức 3 lần trong một năm, gồm 2 lần tại Tokyo vào tháng 3 và tháng 9, và 1 lần tại Osaka vào tháng 11. Triển lãm WSEW năm 2021 ghi nhận sự tham gia của hơn 600 gian hàng của các công ty Nhật Bản và một số công ty lớn của nước ngoài, thu hút khoảng hơn 23.400 lượt khách tham quan trong thời gian 3 ngày diễn ra triển lãm.

Triển lãm WSEW 2022 được chia làm 7 khu vực với nhiều nội dung đa dạng. Trong đó có Triển lãm FC Expo (Fuel Cell Expo) là triển lãm lớn nhất thế giới về hydro và pin nhiên liệu, trưng bày các công nghệ, thành phần, vật liệu khác nhau phục vụ cho quá trình nghiên cứu và sản xuất hydro và pin nhiên liệu. Hay như triển lãm Battery Japan là triển lãm quốc tế hàng đầu thế giới về pin sạc, trưng bày các thành phần, vật liệu, thiết bị khác nhau phục vụ việc nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm pin sạc hoàn chỉnh. Bên cạnh đó còn có các triển lãm về ngành công nghiệp pin năng lượng mặt trời, các công nghệ và sản phẩm tiên tiến khác nhau liên quan đến lưới điện thông minh và khu đô thị thông minh, triển lãm điện gió, điện sinh khối, công nghệ sản xuất nhiệt điện.


Đại diện Thương vụ Việt Nam tại triển lãm

Diễn ra cùng thời điểm với Triển lãm WSEW còn có Triển lãm giảm thiểu carbon và Triển lãm kinh tế tuần hoàn, là nơi trưng bày giới thiệu các công nghệ, dịch vụ, giải pháp tiên tiến nhằm mục tiêu giảm thiểu carbon và tái chế/tái sử dụng tài nguyên, hướng tới một xã hội và cuộc sống xanh - sạch - bền vững cho con người trong tương lai.

Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, triển lãm là cơ hội để Thương vụ trao đổi làm việc với một số doanh nghiệp, tìm hiểu về các công nghệ, sản phẩm trưng bày của họ cũng như nguyện vọng hợp tác kinh doanh, chuyển giao công nghệ cho phía Việt Nam.

Đồng thời trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản khẳng định sẽ tiếp tục liên hệ, làm việc với các doanh nghiệp Nhật Bản có mong muốn đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, điều này phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, cũng như góp phần vào tiến trình hiện thực hóa cam kết của Việt Nam về cắt giảm carbon, đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như đã tuyên bố tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu diễn ra vào tháng 11/2021 tại Glasgow, Vương quốc Anh.

Nhiều tiềm năng hợp tác năng lượng Việt Nam - Nhật Bản

Cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 là một cam kết mạnh mẽ, được nhiều quốc gia đón nhận. Đây cũng là một cam kết tham vọng, đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi rất nhiều chính sách, trong đó, bao gồm chính sách năng lượng.

Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, ngành năng lượng Việt Nam cần cơ bản chuyển đổi sang hướng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Điều thuận lợi là Việt Nam có nhiều tiềm năng lớn trong phát triển năng lượng tái tạo, được nhiều chuyên gia trên thế giới kỳ vọng trở thành “trung tâm năng lượng tái tạo của Đông Nam Á”.

Trên thực tế, Việt Nam hiện có công suất điện mặt trời được lắp đặt toàn diện nhất ở Đông Nam Á, với 16.500 MW được sản xuất vào năm 2020. Việt Nam cũng nằm trong 10 nước có công suất lắp đặt năng lượng mặt trời cao nhất trên toàn cầu vào năm 2020.

Mặt khác, khí hậu và địa hình của Việt Nam khiến năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, có triển vọng đầu tư đáng kể. Nguồn tài nguyên gió rộng lớn của Việt Nam là nhờ vào hình dạng địa lý dài và hẹp của đất nước với hơn 3.000 km đường bờ biển, bao gồm cả đồi và núi.

Trong khi đó, Nhật Bản là nước phát triển, nắm giữ nhiều công nghệ quan trọng. Nhật Bản cũng là nước đi đầu trong quá trình chuyển dịch năng lượng ở châu Á với sáng kiến chuyển dịch năng lượng châu Á, cam kết hỗ trợ 10 tỷ USD cho các nước ASEAN để thực hiện mục tiêu trung hòa carbon.

Nhiều doanh nghiệp năng lượng của Nhật Bản đã bày tỏ sự quan tâm và mong muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam. Hiện đang có ít nhất 69 nhà máy điện gió do Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam đã đi vào hoạt động.

Nhật Bản cũng đã cam kết hỗ trợ toàn diện quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam thông qua “Sáng kiến chuyển đổi năng lượng châu Á (AETI)”, bao gồm việc xây dựng lộ trình chuyển đổi.

Thu Thủy

https://congthuong.vn/viet-nam-nhat-ban-tich-cuc-tim-kiem-cac-doi-tac-dau-tu-nang-luong-tai-tao-173499.html