Cho tới thời điểm này đã có nhiều dự án điện gió đang triển khai tại Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề hợp đồng dự án điện gió với các nhà thầu EPC và nhà cung cấp tua bin, nhà thầu xây lắp BOP vẫn có nhiều điểm còn khá mới với các chủ đầu tư điện gió, cần có thời gian để nghiên cứu, hoàn thiện. Dưới đây là một số yếu tố cần lưu ý trong đàm phán hợp đồng với các bên đối tác.
Về loại hình hợp đồng, chủ đầu tư và các nhà thầu, nhà cung cấp tua bin có thể ký hợp đồng tổng thầu EPC, EPCI, hoặc ký riêng rẽ hợp đồng cung cấp tua bin (TSA), hợp đồng dịch vụ bảo hành bảo trì (FSA) với nhà cung cấp tua bin và hợp đồng xây lắp BOP (Balance of Plant) với nhà thầu xây lắp.
Thậm chí có lựa chọn cho chủ đầu tư là đàm phán hợp đồng mua tua bin TSA, hợp đồng FSA và chuyển toàn bộ điều kiện này vào hợp đồng EPC, bên nhà thầu EPC họ có thể cũng chấp nhận. Khi đó họ thu thêm phí quản lý (khoảng 7% - 8%).
Thông thường sẽ bắt đầu bằng đàm phán các điều khoản cơ bản (Head of terms - HoT) trước khi đi vào hợp đồng chính và các phụ lục hợp đồng (Schedule - có khoảng 40 schedule chi tiết mà nội dung của chúng là chi tiết hóa các điều khoản cơ bản hoặc có thể coi ngược lại: Các điều khoản cơ bản là tóm tắt của các schedules chính).
Có một số yếu tố cần lưu ý trong đàm phán hợp đồng với các bên đối tác, bao gồm:
1/ Về phạm vi trách nhiệm (Scope of work):
Đây là điểm mấu chốt quyết định đến giá hợp đồng. Giá thấp mà phạm vi, khối lượng công việc bị thu hẹp, hoặc bỏ qua thì không có ý nghĩa.
Một hợp đồng EPC tiêu biểu sẽ bao gồm toàn bộ các công việc thiết kế, mua sắm, sản xuất, vận chuyển, lắp đặt và hoàn thiện đấu nối với trạm điện, bao gồm việc đáp ứng các điều kiện thử nghiệm (Test) với EVN.
Dự án điện gió ngoài khơi cần đạt các yêu cầu đối với tua bin gió đặc thù, khác với tua bin trên bờ thông thường. Một số đơn vị bán tua bin có thể sẽ mập mờ yếu tố này, lấy tua bin trên bờ ra lắp cho gần bờ (trong 3 hải lý) như các dự án hiện nay tại Việt Nam.
Làm rõ trách nhiệm làm đường từ quốc lộ tới dự án. Các hệ thống thiết bị giám sát CCTV, hệ thống phát hiện phủ bóng…
Làm rõ ma trận trách nhiệm (Division of work) giữa nhà thầu và chủ đầu tư. Từ vận tải, lắp đặt, khảo sát, rà phá bom mìn, bảo hiểm, bảo trì, thiết kế, xây trạm điện, chủng loại thiết bị, tên nhà cung cấp, dây cáp, hệ thống phòng cháy chữa cháy, SCADA, SVC…
2/ Layout:
Layout tưởng chừng là điều kiện cơ bản nhất nhưng cũng khá phức tạp.
Tổng thầu EPC thường tối ưu hóa layout theo chi phí - nghĩa là layout nào chi phí nhỏ nhất thì họ chọn.
Tuy nhiên, layout đó trong thực tế có thể gây khó khăn nhất định cho các vấn đề pháp lý, liên quan đến thuê đất, thuê mặt biển. Đặc biệt đối với dự án hỗn hợp thường có nhiều cấp phê duyệt, mà thực chất trên cùng 1 địa điểm lại là sự lắp ghép của 2 - 3 dự án khác nhau: Dự án thuộc thẩm quyền tỉnh phê duyệt (< =30 MW) và dự án thuộc phạm vi Bộ Công Thương phê duyệt (> 30 MW).
Từ góc độ chủ đầu tư còn phải tính toán layout cho sản lượng cao nhất.
Layout được chọn là dung hòa của sản lượng, chi phí, và pháp lý (điều tưởng như là tất yếu nhưng lại dễ ảnh hưởng nếu layout chạm vào phạm vi của cả hai dự án liền sát nhau).
Để cẩn thận, nhiều chủ đầu tư thường tham khảo thêm tính toán sản lượng và layout tối ưu của một số đơn vị tư vấn độc lập so với layout mà nhà cung cấp tua bin và tổng thầu EPC đề nghị.
3/ Các mốc hoàn thiện chính:
Ghi rõ trong hợp đồng và trong lịch dự án, bao gồm các mốc hoàn thiện kỹ thuật như:
- Ký hợp đồng EPC.
- Hoàn thiện rà phá bom mìn.
- Thông báo thực hiện (NTP).
- Khảo sát, thiết kế (hoàn thiện bản vẽ kỹ thuật, phê duyệt thiết kế chi tiết).
- Vận chuyển vật tư xây móng.
- Rải cáp.
- Vận chuyển tua bin.
- Lắp đặt tua bin.
- Hoàn thiện cầu dẫn (nếu có).
- Chạy thử.
- Đấu nối.
- Hoàn thiện SCADA.
- COD.
- Chuyển giao tua bin.
- Bàn giao tài liệu xây dựng và cẩm nang vận hành, bảo trì.
- Chấp thuận cuối cùng.
(Chi tiết theo từng hạng mục, chi tiết mốc tiến độ theo từng tua bin…)
4/ Giá cả:
Làm rõ các chi tiết cấu thành giá. Chi tiết nguồn gốc, chủng loại thiết bị, vật tư sử dụng. Giá được phân thành các hạng mục chi phí chính, bao gồm:
- Khảo sát, thiết kế.
- Trang thiết bị (tua bin, cột, lồng móng, cáp).
- Vận chuyển lắp đặt (chi phí xây móng, cầu dẫn, chi phí vận chuyển, lắp đặt, đường dây truyền tải, chi phí làm đường tiếp cận dự án).
- Chi phí xây dựng công trình tạm, chi phí vận hành hiện trường, giấy phép…
- Làm rõ chi phí có thuế nội địa hay chưa, giá có loại trừ các khoản mục nào hay không.
- Giá có thể phân tách thành các hợp đồng nước ngoài và nội địa (một số cấu phần có thể sản xuất trong nước sẽ tính giá VND).
5/ Tiến độ thanh toán - Điều kiện bảo đảm thanh toán:
Phân kỳ thanh toán, tỷ trọng thanh toán có khớp theo tiến độ thanh toán của nhà cung cấp tua bin hay không. Thường phân kỳ thanh toán dựa trên tiến độ chuyển giao lồng móng (anchor cages), thân, vỏ tua bin, cánh quạt, trụ, hoàn thiện lắp đặt, vận hành thương mại.
Trường hợp nào phải sử dụng Thư tín dụng (L/C). Tốt hơn nếu sử dụng bảo lãnh công ty mẹ (PCG).
Số ngày hoàn thành thanh toán kể từ khi nhận được hóa đơn yêu cầu thanh toán.
6/ Luật giải quyết tranh chấp:
Thường chọn luật Singapore vừa đảm bảo về địa lý và cũng dễ chấp nhận với các hãng quốc tế.
7/ Bảo đảm sản lượng (Performance guarantee):
100% đường cong sản lượng (Power curve guarantee), trừ đi một số bất khả kháng chi tiết.
8/ Rủi ro thời tiết:
Áp dụng P50.
9/ Thử nghiệm sản lượng (Power Curve Test):
Nếu kết quả test cho thấy sản lượng nhỏ hơn sản lượng cam kết, nhà thầu sẽ chi trả % tổn thất trong kỳ hạn 20 năm vòng đời dự án.
10/ Kỳ hạn bảo trì (O&M):
20 năm. Giá cố định theo hợp đồng.
11/ Cam kết sản lượng (Availability Warranty):
Tối thiểu 97%, tốt hơn là 97,5%.
Tính theo thời gian, hoặc sản lượng (Time-based and production-based availability).
Tính theo thời gian = Thời gian hoạt động thực/Tổng thời gian dự án.
Tính theo sản lượng = Sản lượng thực đạt/Sản lượng kỳ vọng./.
NGUYỄN HOÀNG HẢI - NGUYÊN GIÁM ĐỐC DỰ ÁN NHÀ MÁY ĐIỆN GIÓ SÓC TRĂNG