Ngày 4/3/2021, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) tổ chức Tọa đàm mở góp ý dự thảo Quy hoạch điện VIII. Dựa trên Dự thảo đang được lấy ý kiến, các chuyên gia cho rằng, cần hạn chế phát triển thêm các dự án nhiệt điện than mới.
Trước đó, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh Phòng chống các Bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) và Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) cũng gửi Thư kiến nghị góp ý cho Quy hoạch điện Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (QHĐ VIII) đến Bộ Công Thương.
Trong đó, kiến nghị không phát triển thêm các dự án điện than mới, đặc biệt là trong giai đoạn 10 năm tới, thay vào đó có các giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh hơn nữa phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời phân tán và điện gió.
Các chuyên gia tại tọa đàm
Chia sẻ tại tọa đàm, TS. Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà Nước cho rằng, cơ cấu nguồn vốn trong bản dự thảo chỉ phân bổ vào danh mục đầu tư, không đề cập đến cơ cấu nguồn vốn huy động từ đâu. Bản dự thảo đang chưa phù hợp, chưa đúng với định hướng và giải pháp quan trọng về tài chính xanh và ngân hàng xanh được đề cập trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, các dự án nhiệt điện than nếu tiếp tục được ưu tiên phát triển sẽ gặp khó khăn trong vấn đề huy động vốn khi các định chế tài chính trên thế giới đang thoái vốn khỏi điện than.
Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm cũng chia sẻ: “Bản dự thảo Quy hoạch điện VIII đã chú ý đến vấn đề môi trường, phát triển bền vững khi lần đầu tiên lượng hóa được các ô nhiễm thành tiền. Tuy nhiên, nên chú trọng phát triển các dạng năng lượng khác hơn là tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới chủ yếu sử dụng than nhập khẩu. Tiềm năng điện gió và điện mặt trời của Việt Nam là rất lớn. Thậm chí, Việt Nam hoàn toàn có thể nghĩ đến xuất khẩu điện chứ không phải nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc như trong bản dự thảo hiện nay”.
Các chuyên gia cho rằng, nên phát triển các dự án năng lượng tái tạo thay thế các dự án nhiệt điện than.
Ông Ngô Đức Lâm cũng nhấn mạnh về vai trò của thị trường điện cạnh tranh, chấm dứt độc quyền trong ngành điện. Nếu chưa có chính sách về thị trường điện năng hoàn chỉnh thì liệu quy hoạch này có đảm bảo thực hiện được không?
Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), bản dự thảo cần có đánh giá về thách thức của biến đổi khí hậu và dịch bệnh, các tác động với sức khỏe cộng đồng với tính khả thi của Quy hoạch điện VIII. Tiếp tục phát triển điện than mới sẽ đặt Việt Nam ở chiều ngược lại với xu thế của thế giới và nỗ lực thực hiện mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Kết thúc buổi tọa đàm, chuyên gia và các nhà nghiên cứu đều đưa ra thông điệp cho Quy hoạch điện VIII là cần phải giảm phụ thuộc vào điện than, đặc biệt trong giai đoạn 10 năm tới. Đồng thời, phát triển ngành điện theo cơ chế trường, đáp ứng được các mối quan tâm về an ninh năng lượng, tính khả thi về huy động vốn để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng theo đúng với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.