Chương trình hành động của Chính phủ phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 189/NQ-CP ngày 16/11/2023 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

Mục tiêu của Chương trình nhằm cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW:

Thứ nhất, thống nhất nhận thức về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới: tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục, quán triệt nội dung của Nghị quyết số 36-NQ/TW, Nghị quyết của Chính phủ tạo sự thống nhất trong nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân. Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học là nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương…

Ảnh minh họa

Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học: rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; tạo môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học; bảo đảm an toàn sinh học để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế, chính sách vượt trội và các mô hình thí điểm áp dụng các cơ chế, chính sách mới/vượt trội để tạo đột phá phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ trong một số lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường.

Thứ ba, tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống; phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng Đề án phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng Đề án phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực công thương…

Thứ tư, xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học: xây dựng Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao; Đề án hỗ trợ đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu làm chủ công nghệ lõi và Đề án ươm tạo doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học quy mô công nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ mới, sở hữu trí tuệ; nghiên cứu sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học quy mô công nghiệp; xây dụng thương hiệu, thương mại hóa sản phẩm. Khai thác, sử dụng hiệu quả các phát minh, sáng chế công nghệ sinh học có giá trị cao của thế giới, ứng dụng hiệu quả trong công nghiệp sinh học…

Thứ năm, hợp tác quốc tế về công nghệ sinh học: xây dựng Đề án hợp tác quốc tế về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học gồm chính sách mua, bán, chuyển giao, trao đổi công nghệ; mô hình phát triển kinh tế sinh học.

An Vinh

Nguồn:https://nangluongsachvietnam.vn/d6/vi-VN/news/Chuong-trinh-hanh-dong-cua-Chinh-phu-phat-trien-va-ung-dung-cong-nghe-sinh-hoc-6-17-22974