Trước thách thức chung của thế giới, các cảng biển tại Việt Nam cần những giải pháp cụ thể để có thể chuyển mình theo hướng xanh và thông minh hơn.
Tham gia tích cực vào "Cam kết giảm phát thải ròng về 0 (Net Zero)" của Chính phủ, đồng thời thực hiện quy hoạch tổng thể cảng biển tới năm 2030 cùng các kế hoạch tiêu chí cảng xanh, ngàng hàng hải Việt Nam đang đứng trước giai đoạn phát triển mới với chiến lược đầy tham vọng và thách thức.
Thách thức chung với cảng biển
Không có chung giải pháp, song các cảng biển trên toàn cầu lại đối mặt cùng một thách thức. Nắm bắt điều này được xem như yếu tố quan trọng, đặc biệt khi Chính phủ Việt Nam dự kiến xác định khung tiêu chuẩn chung là một phần trong chiến lược cảnh xanh.
Cảng biển Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức để chuyển mình theo hướng xanh và thông minh hơn.
Thách thức được nêu ra gồm những khó khăn trong việc tích hợp công nghệ mới vào tự động hóa, tắc nghẽn giao thông, hòa hợp các cộng đồng dân cư xung quanh cảng, định lượng và giảm khí thải CO2 cũng như lập kế hoạch chuyển đổi năng lượng. Bên cạnh đó, sự cần thiết của việc cải thiện khả năng thích ứng cho cơ sở hạ tầng tại cảng trong điều kiện áp lực gia tăng từ nhu cầu thị trường, thiếu hụt nhân lực và giá cả leo thang cũng cần được xem trọng.
Hiểu biết thấu đáo về môi trường, kinh tế và bối cảnh chính trị tại địa phương là nền tảng tạo ra các giải pháp hiệu quả. Royal Haskoning DHV đã có hơn 35 năm hoạt động ở Việt Nam với đội ngũ 200 kỹ sư, chuyên viên làm việc tại Hà Nội và TP.HCM. Đóng góp của 50 kỹ sư, chuyên gia ngành cảng hiện diện tại Việt Nam đã giúp công ty có đủ điều kiện để chuyển đổi kinh nghiệm toàn cầu thành các giải pháp phù hợp ở nước sở tại.
5 điểm chính yếu trong chuyển đổi
Các chuyên gia tư vấn tại Royal Haskoning DHV đã đưa ra 5 điểm khởi đầu cho hành trình chuyển đổi cảng biển Việt Nam theo hướng xanh và thông minh hơn. Trong đó, yếu tố đầu tiên là tích hợp chuỗi cung ứng.
Những cải thiện trong liên kết các phương tiện giao thông hứa hẹn nâng cao hiệu suất và giảm ùn tắc tại khu vực cảng. Việc sắp xếp vị trí theo thời gian cho xe tải, hệ thống lập lịch trình chất hàng lên sà lan và số hóa các quy trình cho phép các nhà vận hành tương tác với chuỗi cung ứng theo thời gian thực.
Trên phạm vi quốc gia, việc chia sẻ dữ liệu với hệ thống cộng đồng cảng, kết hợp cơ chế một cửa về hàng hải được kỳ vọng cải thiện công tác chuyển giao thông tin giữa những chủ hàng, nhà cung cấp dịch vụ vận tải, chủ cảng với các cơ quan quản lý. Việc này có thể giảm gánh nặng hành chính cho khách hàng của cảng, đồng thời cải thiện hiệu quả tình trạng tắc nghẽn, tốc độ thanh toán, tính minh bạch và dòng tiền.
Cải thiện khâu liên kết các phương tiện giao thông giúp cảng biển nâng cao hiệu suất, giảm ùn tắc.
Thứ hai là cơ hội về tự động hóa. Cụ thể, các quy trình có thể áp dụng tự động hóa từ giai đoạn đầu gồm: Kiểm soát ra vào cổng cảng sử dụng nhận dạng quang học (OCR), nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) hoặc cầu cân tự động; các dịch vụ kỹ thuật số trực tuyến giúp tính toán hoặc thanh toán hóa đơn thương mại; các công cụ như bốt chấm công tự động hoặc số hóa bản kê khai hàng hóa để giảm việc nhập liệu thủ công.
Tự động hóa mang đến cơ hội phát triển theo chiều sâu cho các cảng biển Việt Nam.
Thứ ba là ứng dụng các công nghệ phù hợp. Sau khi Chính phủ Việt Nam chú trọng đầu tư cho công nghệ 5G, các cảng sở hữu tiềm năng bật nhảy có thể bỏ qua nhiều giai đoạn phát triển theo lộ trình mà vẫn đảm bảo sở hữu băng thông nhanh và đáng tin cậy.
5G hỗ trợ gia tăng ứng dụng công nghệ khác như cảm biến, bộ theo dõi, nguồn cấp dữ liệu video và thiết bị điều khiển từ xa. Áp dụng nhanh các công nghệ này cũng đồng nghĩa sớm đóng góp vào khối lượng dữ liệu đã thu thập được. Những cải tiến liên quan cũng có thể được thực hiện với trí tuệ nhân tạo và máy học, từ đó hỗ trợ ra quyết định, tối ưu hóa các chức năng bảo trì, quản lý an toàn, sử dụng thiết bị.
Thứ tư là chuyển đổi sử dụng nguồn năng lượng. Bước đầu trong việc chuyển đổi sử dụng nguồn năng lượng cần thiết cho các cảng ở Việt Nam là thực hiện đánh giá lượng khí thải liên quan đến hoạt động của cảng. Từ đây, một chiến lược sẽ được phát triển, cho phép chuyển đổi từng bước đến mức phát thải bằng 0 nhưng vẫn phù hợp các chương trình đã thiết lập.
Cấp điện bờ là một trong những giải pháp giảm thiểu phát thải khí, đồng thời tăng nguồn thu cho cảng biển.
Chiến lược trên có thể bao gồm sự kết hợp của các giải pháp từ điện khí hóa thiết bị chuyển đổi sang nhiên liệu thay thế, tối ưu hóa năng lượng sử dụng và đầu tư vào sản xuất năng lượng tái tạo. Ngoài ra, chuyển đổi năng lượng còn có thể tạo doanh thu mới. Các cảng có thể tận dụng việc nhập khẩu năng lượng thay thế và hướng đến trở thành cơ sở hỗ trợ cho việc phát triển điện gió ngoài khơi.
Thứ năm là thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhằm giảm những rủi ro từ thiên tai, các nhà vận hành tại Việt Nam cần đánh giá rủi ro từ khí hậu và khả năng chống chịu của cảng. Việc này giúp đưa ra quyết định liên quan đến biện pháp thích ứng trước các nguy cơ thiên tai. Những cảng nắm bắt thời cơ này, thay đổi, tích hợp công nghệ kỹ thuật số và thông minh hứa hẹn sở hữu lợi thế dẫn đầu khi ngành cảng biển và hàng hải bước vào giai đoạn phát triển nhanh chóng.
https://zingnews.vn/cang-bien-viet-nam-chuyen-minh-theo-huong-xanh-va-thong-minh-hon-post1300281.html