Cần cân nhắc kỹ lưỡng về các đề xuất bổ sung nguồn điện

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, đã có khoảng 50 địa phương gửi đề xuất về việc bổ sung đầu tư các dự án điện mới vào Quy hoạch điện VIII với tổng công suất hơn 471.000 MW.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang khẩn trương thu nhập góp ý để hoàn chỉnh Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII). Theo đó, với sự đề xuất của các địa phương về phát triển các nguồn điện lên đến 471.000 MW đã cao gấp 3 lần kế hoạch của dự thảo. Bởi vậy, để bổ sung thêm vào quy hoạch phải cần xem xét, tính toán kỹ lưỡng trên hàng loạt yếu tố liên quan trong ngành điện như tài chính, truyền tải, địa chính trị, cân bằng các nguồn điện theo hướng bền vững, an toàn và sạch.


Nếu không có một chiến lược hoàn chỉnh, các dự án điện gió ngoài khơi có thể bị lâm vào tình trạng đình trệ.

Theo ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện lại Quy hoạch điện VIII và sau khi Văn phòng Chính phủ có công văn gửi các địa phương yêu cầu báo cáo tổng hợp các đề xuất bổ sung nguồn điện và lưới điện chưa được phê duyệt, Bộ Công thương đã nhận được hàng loạt ý kiến đề xuất bổ sung.

Ông Dũng cho biết: “Theo thống kế chưa đầy đủ, hiện đã có khoảng 50 địa phương gửi đề xuất bổ sung nguồn điện gió và khí vào quy hoạch điện. Đặc biệt, tổng công suất nguồn điện mới được các địa phương đề nghị đầu tư trong giai đoạn tới đã lên tới con số hơn 471.000 MW”, - ông Dũng thông tin..

Đơn cử như tỉnh Quảng Ninh đề xuất muốn được đưa vào Quy hoạch điện VIII khoảng 5.000 MW điện gió, trong đó 3.000 MW là điện gió ngoài khơi, 2.000 MW điện gió trên bờ. Tỉnh cũng đề xuất Bộ Công Thương xem xét, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh tiến độ đầu tư nhà máy điện khí LNG 1.500 MW giai đoạn 2 vào vận hành 2026 - 2027, đồng bộ với dự án điện khí giai đoạn 1.

Còn Hải Phòng đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung 3.900 MW điện gió ngoài khơi vào quy hoạch và được chia làm 3 giai đoạn vận hành từ năm 2029 đến năm 2037. Hay như tỉnh Thái Bình cũng đề xuất 3 dự án điện gió trên bờ và ngoài khơi với tổng công suất 8.700 MW, cùng dự án Trung tâm Điện - Khí LNG Thái Bình, tổng công suất khoảng 4.500 MW vào Quy hoạch điện VIII.

Không riêng miền Bắc, tại khu vực miền Nam nhiều tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận – những địa phương có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo cũng có những đề xuất bổ sung. Trong đó, Ninh Thuận đã đề nghị bổ sung tổng công suất 42.595 MW nguồn điện mới. Bình Thuận cũng đề nghị bổ sung gần 30.000 MW nguồn điện mới. Trong số này, có 7 dự án điện gió ngoài khơi đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương với quy mô 17.600 MW.

Việc đề xuất bổ sung của các địa phương đã được Bộ Công Thương ghi nhận và đang được rà soát, hoàn thiện lại theo yêu cầu của Chính phủ theo hướng bảo đảm cao nhất cân bằng cung cầu nội vùng, kết hợp sử dụng hợp lý, kinh tế lưới điện truyền tải liên kết hiện có và đang đầu tư xây dựng, hạn chế tối đa thiệt hại, bảo đảm hiệu quả hệ thống an ninh năng lượng quốc gia.


Dự thảo Quy hoạch điện VIII đang trở nên "bất cập" trước đề xuất bổ sung nguồn điện của các địa phương.

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, dựa trên phương án tăng trưởng GDP trong kịch bản trung bình là 6,8% giai đoạn 2021-2025; 6,4% giai đoạn 2026-2030 và giảm dần về 5,5% giai đoạn 2041-2045 thì nhu cầu tiêu thụ điện cũng được tính toán cho các giai đoạn tiếp theo. Cụ thể, tổng công suất nguồn điện của cả nước hiện là 75.746 MW. Và với dự thảo Quy hoạch Điện VIII được thống nhất tại hội nghị lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch điện VIII trong tháng 11 vừa qua, đã xác định tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 là khoảng 155.000 MW, giảm hơn 28.000 MW so với phương án trình tháng 3/2021.

Như vậy, có thể thấy, con số đề nghị bổ sung nguồn điện được tổng hợp từ khoảng 50 địa phương đã lên tới hơn 471.000 MW, vượt xa so với nhu cầu và cao gấp 3 lần kế hoạch dự kiến. Do đó, theo các chuyên gia, sẽ có rất nhiều đề xuất không thể trở thành hiện thực.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn – chuyên gia năng lượng, nguyên Giám đốc Trung tâm năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay, cần ghi nhận các ý kiến đề xuất của các địa phương, tuy nhiên việc bổ sung như thế nào trong tổng thể bài toán ngành điện không đơn giản. Do đó, cần tính toán, cân nhắc đến các điệu kiện kỹ thuật, xem xét đến các yếu tố ràng buộc như: Về nhu cầu cụ thể từng khu vực là bao nhiêu, nguồn cung đảm bảo an ninh năng lượng như thế nào? Khả năng cân đối vùng miền, phụ tải, lưới điện ra sao? Và sau đó là bài toán giá điện?

“Đi theo hàng loạt các ràng buộc đó, ngành điện sẽ đưa vào bài toán tính toán tổng thể, chi tiết. Do đó, các chuyên gia cần xây dựng lại các kịch bản tương ứng với các ràng buộc hiện có để có những lựa chọn phù hợp với nhu cầu của khu vực và nền kinh tế. Về phía Chính phủ cũng cần đưa ra các chỉ đạo sát sao, kịp thời. Nếu địa phương nào không được bổ sung cũng cần giải trình, và cân nhắc kỹ lưỡng đến yếu tố khả thi của từng dự án” – ông Tuấn nêu quan điểm.

Đặc biệt, hiện nay chưa có một quy hoạch chi tiết khả thi về đầu tư điện gió ngoài khơi. Trong đó phải tính toán đến các yếu tố địa chính trị khi biển Đông đang là điểm nóng về tranh chấp chủ quyền và quyền khai thác kinh tế. Đó là chưa kể đến việc phân chia khu vực đầu tư điện gió cần phải tránh xa các luồng lạch liên quan đến lĩnh vực hàng hải, xây dựng các biện pháp an toàn phòng tránh xảy ra tại nạn, thảm họa trên biển.

Có thể thấy rằng, việc các địa phương thu hút được đầu tư vào lĩnh vực năng lượng là sự thành công lớn của nước ta, tuy nhiên để triển khai thực tế, tránh việc phá vỡ quy hoạch năng lượng quốc gia, tận dụng được hiệu quả nguồn vốn đầu tư và đặc biệt không để ảnh hưởng đến giá trị đầu tư các nguồn điện hiện hữu cần Bộ Công Thương không chỉ xây dựng hoàn thiện Quy hoạch điện VIII mà phải hoàn thiện Chiến lược Năng lượng Quốc gia một cách toàn diện.

Tùng Dương

https://petrotimes.vn/can-can-nhac-ky-luong-ve-cac-de-xuat-bo-sung-nguon-dien-635619.html