WHO đưa ra 10 lời kêu gọi hành động vì khí hậu

Ngày 11/10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra 10 lời kêu gọi hành động vì khí hậu để phục hồi bền vững, nhất là sau đại dịch

Theo đó, WHO nhấn mạnh, các quốc gia phải đặt ra các cam kết đầy tham vọng về khí hậu nếu muốn duy trì phục hồi xanh và lành mạnh sau đại dịch Covid-19.

Trong buổi công bố báo cáo đặc biệt Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) của WHO về biến đổi khí hậu và sức khỏe ngày 11/10, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO cho biết: “Đại dịch Covid-19 đã làm sáng tỏ mối liên hệ mật thiết và tinh tế giữa con người, động vật và môi trường của chúng ta. Chính những lựa chọn không bền vững đang giết chết hành tinh của chúng ta và đe dọa đến sự sống của con người. WHO kêu gọi tất cả các quốc gia cam kết hành động quyết liệt tại COP26 để hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Không chỉ vì đó là điều đúng đắn mà còn vì lợi ích của chúng ta”.

Báo cáo của WHO nêu rõ, việc đốt nhiên liệu hóa thạch đang hủy hoại chúng ta. Biến đổi khí hậu là mối đe dọa sức khỏe lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt. Mặc dù không ai được an toàn trước những tác động sức khỏe do biến đổi khí hậu gây ra nhưng những người dễ bị tổn thương và nghèo khó nhất lại phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Báo cáo chỉ ra rằng, ô nhiễm không khí, chủ yếu là hệ quả của việc đốt nhiên liệu hóa thạch là một trong những nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu, khiến 13 người chết mỗi phút trên toàn thế giới. Do đó, việc bảo vệ sức khỏe người dân đòi hỏi phải có hành động chuyển đổi trong mọi lĩnh vực bao gồm năng lượng, giao thông, thiên nhiên, hệ thống thực phẩm và tài chính.


Các hành động về khí hậu trong ngành năng lượng sẽ giúp bảo vệ sức khỏe con người và phát triển bền vững

Tiến sĩ Maria Neira, Giám đốc Môi trường, Biến đổi khí hậu và Sức khỏe của WHO đánh giá, chưa bao giờ mà tác động của khủng hoảng khí hậu có ảnh hưởng đến sức khỏe con người rõ ràng đến vậy. Lấy ví dụ, giảm ô nhiễm không khí xuống mức cho phép của WHO sẽ làm giảm 80% tổng số ca tử vong trên toàn cầu do các bệnh về đường hô hấp và giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính gây ra biến đổi khí hậu. Một ví dụ khác là việc chuyển sang chế độ ăn nhiều thực vật phù hợp với khuyến nghị của WHO có thể giảm đáng kể lượng khí thải toàn cầu, đảm bảo hệ thống lương thực linh hoạt hơn và tránh tới 5,1 triệu ca tử vong liên quan đến chế độ ăn uống mỗi năm vào năm 2050.

Bên cạnh đó, việc đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris cũng sẽ cứu sống hàng triệu người mỗi năm do cải thiện chất lượng không khí, chế độ ăn uống và hoạt động thể chất, cùng các lợi ích khác.

Với những kết quả đáng kể và lợi ích không thể bỏ qua khi liên kết mối quan hệ giữa khí hậu với sức khỏe con người, WHO đưa ra 10 lời kêu gọi hành động vì khí hậu để đảm bảo phục hồi bền vững:

Cam kết phục hồi sức khỏe: cam kết phục hồi khỏe, xanh và lành mạnh sau dịch Covid-19.

Sức khỏe không thể thương lượng: đặt sức khỏe và công bằng xã hội vào trọng tâm của các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc.

Khai thác các lợi ích sức khỏe từ hành động khí hậu: ưu tiên những can thiệp khí hậu mang lại lợi ích lớn nhất về sức khỏe, xã hội và kinh tế.

Xây dựng khả năng phục hồi sức khỏe trước các rủi ro khí hậu: xây dựng các hệ thống và cơ sở y tế bền vững với khí hậu và bền vững với môi trường, đồng thời hỗ trợ sức khỏe thích ứng và khả năng phục hồi trong các lĩnh vực.

Tạo ra các hệ thống năng lượng bảo vệ và cải thiện khí hậu, sức khỏe: hướng dẫn quá trình chuyển đổi công bằng và toàn diện sang năng lượng tái tạo; chấm dứt việc thiếu năng lượng trong các hộ gia đình và các cơ sở chăm sóc sức khỏe.

Hướng đến môi trường đô thị, giao thông xanh, hiện đại: thúc đẩy hệ thống giao thông và thiết kế đô thị bền vững, lành mạnh, cải thiện việc sử dụng đất, tiếp cận với không gian công cộng xanh, ưu tiên cho đi bộ, xe đạp và giao thông công cộng.

Bảo vệ và phục hồi thiên nhiên là nền tảng của sức khỏe: bảo vệ và phục hồi các hệ thống tự nhiên, coi đây nền tảng cho cuộc sống lành mạnh, hệ thống lương thực và sinh kế bền vững.

Thúc đẩy hệ thống thực phẩm lành mạnh, bền vững và có khả năng phục hồi: thúc đẩy sản xuất lương thực bền vững, có khả năng phục hồi cũng như đẩy mạnh các chế độ ăn uống bổ dưỡng, giá cả phải chăng hơn, phù hợp với môi trường và sức khỏe.

Tài trợ cho một tương lai khỏe mạnh, công bằng và xanh hơn: chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế an sinh.

Lắng nghe các cộng đồng về sức khỏe và các quy định hành động khí hậu khẩn cấp: vận động và hỗ trợ cộng đồng y tế trong các hành động khí hậu.

Mộc Trà (Theo WHO)

https://nangluongsachvietnam.vn/d6/vi-VN/news/WHO-dua-ra-10-loi-keu-goi-hanh-dong-vi-khi-hau-6-1955-13036