Trong cuộc hội thảo về chủ đề chuyển dịch năng lượng diễn ra tại TPHCM ngày 12-7, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery dẫn chứng các số liệu cho thấy Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển năng động, dẫn đến mức tăng ổn định từ 8-10% nhu cầu điện mỗi năm. Ông bày tỏ hy vọng mối quan hệ đối tác giữa hai nền kinh tế trong mục tiêu chuyển dịch năng lượng sẽ được củng cố trong tương lai.
Phát biểu của ông Nicolas Warnery, Đại sứ Pháp, trong buổi hội thảo. Ảnh: Ngọc Trân
Đại sứ Nicolas Warnery ca ngợi cam kết mạnh mẽ của Việt Nam thể hiện trong các mục tiêu năng lượng, đồng thời nói rằng Pháp và các công ty năng lượng của nước này sẵn sàng làm việc với phía Việt Nam để học hỏi và cùng nhau vượt qua thách thức lớn này.
Trên thực tế, một số công ty Pháp trong lĩnh vực năng lượng đã có mặt tại Việt Nam, chẳng hạn như EDF, Artelia và Tacquet Industries. Trong buổi hội thảo, Đại sứ Pháp bày tỏ hy vọng mối quan hệ đối tác năng lượng mới có thể được củng cố trong tương lai giữa hai nước.
Ngày 15-4-2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Trước đó, vào tháng 3-2021, Bộ Công Thương đã báo cáo Hội đồng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Quy hoạch điện VIII. Tuy nhiên, bản dự thảo Quy hoạch vẫn còn một số tồn tại, bất cập cần tiếp tục được rà soát, hoàn thiện.
Ngày 29-4-2022, Bộ Công Thương đã có Tờ trình số 2279/TTr-BCT và sau đó, ngày 20-5-2022, bổ sung Công văn 2715/BCT-ĐL liên quan đến Dự thảo Quy hoạch điện VIII với 2 kịch bản.
Theo kịch bản cao được Bộ Công Thương lựa chọn, tổng công suất lắp đặt đến năm 2030 (không tính điện mặt trời mái nhà, nguồn đồng phát tự cung tự cấp) là 145.930 MW.
Trong đó, điện than là 37.467 MW; thủy điện là 28.946 MW; LNG nhập khẩu là 23.900 MW; điện khí khai thác trong nước là 14.930 MW; điện gió trên bờ là 16.121 MW; điện gió ngoài khơi là 7.000 MW; các nguồn khác gồm sinh khối, thủy điện tích năng, pin lưu trữ, hydrogen là 3.830 MW và nhập khẩu điện là 5.000 MW.
Đại diện các công ty năng lượng của Pháp và Việt Nam tham gia hội thảo. Ảnh: Ngọc Trân
Theo đánh giá của Chính phủ, cơ cấu này hướng tới giảm mạnh điện than, tăng mạnh điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi; không phát triển điện mặt trời và có phát triển điện LNG để thay thế nguồn điện than ô nhiễm và nguồn thủy điện đã tới hạn.
Cũng theo phương án này, phát thải CO2 đạt đỉnh 250 triệu tấn vào năm 2035, giảm xuống 175 triệu tấn vào năm 2045 và ước đạt 42 triệu tấn vào năm 2050. Những con số này cơ bản đáp ứng được cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26.
Trong Hội nghị COP26, diễn ra vào tháng 11-2021 tại Glasgow, Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đặt biến đổi khí hậu và quản lý môi trường là trọng tâm của phát triển kinh tế. Ông đã ký một cam kết do Anh đề xướng về việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và loại bỏ dần than đá.
Cam kết này được xây dựng dựa trên sự bùng nổ gần đây về năng lượng mặt trời và năng lượng gió và nhu cầu đảm bảo khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong một thế giới mà năng lượng carbon thấp và bền vững môi trường là chìa khóa để thu hút đầu tư quốc tế.
https://thesaigontimes.vn/nhieu-ky-vong-ve-moi-quan-he-doi-tac-nang-luong-phap-viet/