heo Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, Quy hoạch điện VIII nên ưu tiên cải cách ngành điện, thúc đẩy năng lượng sạch thay vì phát triển các dự án nhiệt điện than mới.
Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) mới đây kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Quy hoạch điện quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) ưu tiên thực hiện các giải pháp cải cách ngành điện, để giải phóng vốn đầu tư tư nhân vào năng lượng sạch.
Đồng thời, kiến nghị kiên quyết loại bỏ ra khỏi quy hoạch các dự án điện than không được địa phương ủng hộ, tính khả thi thấp và rủi ro cao.
Kiến nghị này được đưa ra dựa trên cơ sở VSEA phân tích bốn điểm nghẽn cần đột phá.
Thứ nhất, hạn chế phát triển điện mặt trời trong 10 năm tới là sự lựa chọn bất hợp lý, hoàn toàn đi ngược với xu thế của thế giới, bỏ lỡ cơ hội thu hút dòng đầu tư mới.
Các dự báo và khuyến nghị mới nhất của Cơ quan Năng lượng quốc tế chỉ ra rằng điện mặt trời sẽ tiếp tục được đầu tư phát triển mạnh trong thập kỷ tới, với mức bổ sung hàng năm là 630GW, gấp bốn lần năm 2020.
Việt Nam có tiềm năng điện mặt trời phân tán và kết hợp rất lớn. VSEA đánh giá đây là loại hình năng lượng huy động được rất tốt nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp tư nhân và người dân. Ngoài ra, loại hình này cũng phù hợp với điều kiện lưới điện hiện tại của nước ta.
Vì vậy, Quy hoạch điện VIII cần đưa ra chính sách để phát triển mạnh loại hình này thay vì kìm hãm chỉ phát triển 2GW trong 10 năm tới.
Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã không dự báo được xu thế phát triển ngoạn mục của điện mặt trời, dẫn tới sự phát triển nóng của điện mặt trời, không đồng bộ giữa thị trường và chính sách, giữa nguồn với lưới điện.
“Nếu chọn kìm hãm điện mặt trời sẽ dẫn tới vừa lãng phí nguồn tài nguyên, vừa lặp lại bài học đắt giá từ Quy hoạch Điện VII điều chỉnh về sự chậm trễ trong chính sách”, VSEA nhấn mạnh trong bản kiến nghị.
Tại buổi tọa đàm “Quy hoạch điện VIII: Những đột phá kỳ vọng” mới đây, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID kiêm Chủ tịch Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, khuyến nghị chính sách phát triển năng lượng của quốc gia cần quan tâm hỗ trợ sự tham gia và hưởng lợi của các doanh nghiệp nội, chứ không phải chỉ riêng các doanh nghiệp FDI – vốn đã có rất nhiều lợi thế.
Quan tâm đến các chính sách cho điện mặt trời phân tán và kết hợp chính là tạo cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam.
Việt Nam có tiềm năng điện mặt trời phân tán và kết hợp rất lớn. Ảnh minh hoạ
Thứ hai, VSEA cho rằng quy hoạch cần ưu tiên tháo gỡ khó khăn về lưới điện và tăng tính linh hoạt của hệ thống, đi kèm với đẩy nhanh thực hiện thị trường điện cạnh tranh.
Về truyền tải, chính phủ nên đưa ra chính sách khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư xây dựng lưới điện để giải tỏa công suất năng lượng tái tạo và giảm gánh nặng đầu tư cho nhà nước. Để đảm bảo an ninh hệ thống, khâu vận hành và quản lý lưới vẫn do Nhà nước đảm trách.
Liên quan đến những khó khăn khiến điện mặt trời bị “ghẻ lạnh” sau giai đoạn bùng nổ trong thời gian qua gần đây, bà Khanh cho rằng cần phải phân tích đánh giá thực trạng để có chính sách thỏa đáng, khắc phục sự thiếu đồng bộ, ngắn hạn.
Giải pháp căn cơ cần phải làm ngay là xem xét cấu trúc quản trị, ưu tiên đầu tư các giải pháp cho lưới điện. Còn về nguồn điện thì những gì mà người dân và doanh nghiệp làm được thì nên ưu tiên, tạo điều kiện, bà đề xuất.
Để tăng tính linh hoạt cho hệ thống điện, quy hoạch cần đưa pin tích trữ vào triển khai ngay trong giai đoạn này vì đây là công nghệ có khả năng điều tần rất nhanh, điều chỉnh công suất tốt, phủ đỉnh, giảm tắc nghẽn hệ thống truyền tải và phân phối, hạn chế cắt giảm công suất năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, chi phí sản xuất điện từ pin tích trữ tương đương với thủy điện tích năng và giá pin tích trữ giảm rất nhanh thời gian qua.
Thứ ba, tiếp tục phát triển các dự án điện than mới đến 2045 được đánh giá là trái với xu thế mới của khu vực và toàn cầu, rất khó khả khi vì nguồn tài chính quốc tế cho điện than ngày càng khó hơn, nhiệt điện than ngày càng đắt đỏ hơn, các địa phương và người dân không ủng hộ.
Trên thực tế, tại nhiều diễn đàn quốc tế của Liên hợp quốc, Tổng thư ký, Chủ tịch Hội nghị COP26 đã kêu gọi ngừng sử dụng điện than và nhận được sự hưởng ứng và cam kết thực hiện thay thế nhiệt điện than bằng các nguồn tái tạo từ nhiều quốc gia.
Cùng với đó, tiếp cận tài chính của các dự án điện than nay càng khó hơn. Hàn Quốc và Nhật Bản, hai trong số ba quốc gia còn lại đầu tư cho nhiệt điện than ở Việt Nam, đã chính thức tuyên bố dừng cấp vốn cho các dự án điện than mới.
Tại Đông Nam Á, Philippines cũng đã ban hành chính sách dừng phát triển điện than mới từ tháng 11/2020 và Indonesia tuyên bố ngưng dự án điện than mới sau năm 2023.
Áp lực cấp vốn sẽ đặt lên vai các ngân hàng trong nước, đe dọa sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính quốc gia khi tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thương mại Việt Nam cấp tín dụng cho một khách hàng vượt 15% vốn tự có hoặc một nhóm khách hàng có liên quan vượt 25% vốn tự có.
Tại buổi tọa đàm, ThS. Phạm Xuân Hòe, Nguyên phó viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, nhận định những dự án nhiệt điện than dang dở chậm tiến độ chủ yếu là do không thu xếp được nguồn vốn.
Việc các ngân hàng thương mại cho vay các dự án nhiệt điện than mang lại nhiều rủi ro cho chính các ngân hàng này, đi ngược xu thế phát triển ngân hàng xanh, ngân hàng bền vững trên toàn thế giới và có thể đe dọa sự phát triển của cả nền kinh tế Việt Nam.
“Tiếp tục phát triển nhiệt điện than là sự vay mượn của các thế hệ tương lai, chuyển rủi ro cho tương lai”, ông nhấn mạnh.
Cuối cùng, VSEA nhận định việc tiếp tục phát triển điện than có thể gây ra hàng loạt hệ lụy với xã hội và nền kinh tế, tăng gánh nặng cho hệ thống y tế và tác động xấu đến sức khỏe của người dân, bất lợi cho hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu sang các thị trường bị đánh thuế các-bon như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.