Phát triển bền vững kinh tế biển

Với định hướng đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự chung tay hành động của người dân và sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức quốc tế, thời gian qua, Việt Nam đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp để vừa bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế biển với bảo vệ tài nguyên, thiên nhiên, môi trường biển và chủ quyền biển, hải đảo.

Bãi biển Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) thu hút đông du khách trong kỳ nghỉ hè. (Ảnh MINH HUYỀN)

Trong tiến trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng vai trò của biển. Năm 2007, Hội nghị Trung ương lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020". Sau 10 năm, thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", với quan điểm là: "Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển...".

Sau bốn năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, các cơ quan Trung ương đến các địa phương có biển đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết nêu trên; nhận thức của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia được nâng lên. Chủ quyền an ninh quốc gia trên biển được giữ vững; công tác tìm kiếm cứu nạn, an toàn hàng hải được tăng cường; công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển được chủ động triển khai toàn diện; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nhất là đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện rõ rệt. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng được chú trọng...

Nhằm cụ thể hóa, triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 5/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Kết quả thực hiện đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ như: Du lịch biển, đảo mang lại 70% doanh thu cho ngành du lịch cả nước; vận tải hàng hóa đạt 85,1 triệu tấn; sản lượng khai thác quy đổi ra dầu đạt 18,43 triệu tấn; sản lượng thủy hải sản khai thác đạt hơn 3,9 triệu tấn; nuôi trồng thủy hải sản đạt hơn 4,8 triệu tấn...

Mạng lưới giao thông đã quan tâm đầu tư bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước; các khu công nghiệp, khu đô thị, các vùng biển với các bến cảng được xây dựng dựa trên hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, kết nối chiến lược Bắc-Nam, Đông-Tây giữa các vùng trong nước và với quốc tế; công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, chống thiên tai đã được tăng cường.

Đến nay, cả nước có 12 khu bảo tồn biển đã được thành lập, với tổng diện tích hơn 206 nghìn héc-ta, trong đó có 185 nghìn héc-ta biển; Việt Nam cũng đã tham gia nhiều diễn đàn khu vực và thế giới về kinh tế biển xanh, chống rác thải nhựa biển, bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái... qua đó từng bước khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà: Hiện, quy mô kinh tế biển của nước ta còn khiêm tốn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý; hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học-công nghệ biển, đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển; các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo biển, thiên tai biển, các trung tâm tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn... ở ven biển còn nhỏ, trang bị thô sơ, năng lực còn yếu; môi trường biển biến đổi theo chiều hướng xấu; đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản đang sa sút nghiêm trọng, thiếu bền vững.

Trong khi đó, phương thức quản lý biển mới, tiên tiến như quản trị theo không gian, quản lý tổng hợp vùng bờ còn chậm được áp dụng; tình trạng khai thác, sử dụng biển và hải đảo còn thiếu bền vững, vẫn còn tình trạng khai thác tận diệt; lãng phí tài nguyên biển làm suy giảm đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản, gây ô nhiễm môi trường; đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng biển, đảo còn dàn trải, thiếu chiều sâu, chưa tạo đột phá và vươn ra vùng biển quốc tế.

Thế kỷ 21 được xem là "Thế kỷ của đại dương". Biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội cũng như vấn đề an ninh quốc gia. Do vậy, để Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển, ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý, đổi mới, phát triển mô hình tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh quốc tế của các ngành kinh tế biển, các vùng biển, ven biển; hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất về biển.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quy hoạch liên quan đến biển, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ giữa các ngành, địa phương. Trọng tâm là Quy hoạch không gian biển quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kết nối các vùng kinh tế động lực ven biển; khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu, phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực thực hiện các dự án thí điểm để tiếp cận tất cả các nguồn năng lượng tái tạo biển như: năng lượng gió, sóng, thủy triều, nhiệt và năng lượng mặt trời, nhằm phát huy tối đa năng lượng tái tạo của biển Việt Nam.

Các địa phương có biển cần phát triển các khu bảo tồn biển tại các đảo tiền tiêu, kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học biển và khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển; khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển, phục hồi các hệ sinh thái biển, đặc biệt là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển; xử lý tốt các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển và đại dương từ đất liền, nhất là rác thải nhựa, thông qua việc tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý trên đất liền, khu vực ven biển và các đảo.

Ngoài ra, các địa phương cần thúc đẩy các hoạt động hợp tác, quan hệ đối tác với các đối tác, tổ chức quốc tế nhằm giải quyết những vấn đề về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; phát triển bền vững kinh tế biển, đan xen lợi ích để bảo vệ các quyền và lợi ích của Việt Nam; đồng thời tham gia tích cực và chủ động vào các cơ chế hợp tác quốc tế liên quan biển và đại dương.

THÁI SƠN