Nhật cam kết chấm dứt hỗ trợ cho các dự án điện than ở nước ngoài

Chính phủ Nhật Bản vừa quyết định tạm dừng trên nguyên tắc việc cấp vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện chạy than mới ở nước ngoài.

Chính phủ Nhật Bản sẽ không tiếp nhận yêu cầu hỗ trợ vốn ODA, trong đó có có các khoản vay bằng đồng yen, cho các dự án nhiệt điện chạy than từ các quốc gia khác.

Theo nhật báo Yomiuri của Nhật Bản, động thái này là nhằm đóng góp cho nỗ lực giảm phát thải khí carbon (CO2) của cộng đồng quốc tế thông qua việc chuyển vốn ODA dành cho các dự án nhiệt điện chạy than sang hỗ trợ cho các dự án phát triển năng lượng tái sinh thân thiện với môi trường.


Nhật chấm dứt hỗ trợ cho các dự án điện than ở nước ngoài. 

Yomiuri dẫn lời một quan chức của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho hay vốn ODA cho các dự án nhiệt điện chạy than sẽ được cung cấp trong những trường hợp cực kỳ hãn hữu như các nhà máy sử dụng công nghệ mới nhất để giảm lượng khí thải CO2.

Tuy nhiên, do việc áp dụng công nghệ như vậy lại là rào cản lớn về mặt tài chính đối với các nước đang phát triển và mới nổi nên việc cung cấp vốn ODA cho các dự án nhiệt điện chạy than mới về cơ bản sẽ chấm dứt.

Mới đây, Tập đoàn Mitsubishi cũng đã chính thức tuyên bố rút khỏi dự án nhiệt điện than Vĩnh Tân 3, một trong những dự án nguồn điện ngoài của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận.

Mitsubishi cũng không phải là nhà đầu tư Nhật Bản duy nhất đã và đang có kế hoạch thoái vốn khỏi những dự án điện than. Mitsui&Co vừa qua đã thông báo thoái vốn khỏi Paiton Energy, một nhà sản xuất điện than quy mô lớn tại Indonesia. Tập đoàn tài chính Mizuho cũng tạm dừng tất cả các khoản tài trợ cho điện than vào năm ngoái, đồng thời đặt mục tiêu giảm dư nợ tín dụng cho các dự án này xuống 0 vào năm 2040.

Nhiều doanh nghiệp khác vẫn chưa thoái vốn khỏi các dự án nhưng cũng đưa ra cam kết sẽ không tham gia thêm vào những dự án điện than khác.

Quyết định của các nhà đầu như Nhật Bản dự kiến sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn đối với ngành nhiệt điện than, bởi dòng vốn đến từ Nhật Bản đóng góp rất lớn vào việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than trên thế giới, theo Nikkei Asia Review.

Nhiệt điện than tiềm ẩn rủi ro ô nhiễm môi trường

PGS.TS Lưu Đức Hải - Phó Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng: “Công tác quản lý tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện ở nước ta hiện nay rất yếu. Một trong những nguyên nhân chính là vì không có cơ quan nào đặc trách nhiệm vụ này, nên có thể dẫn đến sự bỏ sót các khâu kiểm soát quan trọng (kiểm soát phóng xạ) và không kích thích việc tận dụng nguồn “tài nguyên” này. Ví dụ, để triển khai ứng dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng cần phải qua các ban ngành của Bộ Xây dựng để đăng ký và đánh giá các chủng loại sản phẩm, qua Bộ Công thương để thành sản phẩm hàng hóa, qua Bộ Tài nguyên và Môi trường để đánh giá tác động môi trường. Tuy vậy, nhưng có khi độ phóng xạ của tro xỉ thì không Bộ nào quan tâm”.

Hàng loạt các vụ việc gây ô nhiễm môi trường liên quan đến các nhà máy nhiệt điện than đã được báo chí phản ánh, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của những hộ dân xung quanh, đã trở thành nỗi lo dai dẳng nhiều năm nay.

Theo Hà Lan KTMT