Tập đoàn dầu khí BP vừa công bố kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất hydro “xanh” lớn nhất Vương quốc Anh H2 Teesside bằng phương pháp chuyển đổi khí tự nhiên (CH4) thành hydro và CO2.
Khí CO2 đầu ra sẽ được thu gom và lưu trữ vĩnh viễn. Dự án có công suất thiết kế đạt 1 GW và có khả năng thu gom và lưu trữ 2 triệu tấn CO2/năm. Nhà máy có vị trí gần các địa điểm lưu trữ CO2 ở Biển Bắc, khả năng kết nối cao với mạng lưới đường ống dẫn khí và phân phối hydro. Dự án sẽ được thực hiện theo hai giai đoạn. Trong giai đoạn một, BP sẽ lắp đặt công suất 500 MW, dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2027. Giai đoạn hai sẽ mở rộng công suất của nhà máy vào năm 2030, khi nhu cầu tiêu thụ hydro tăng lên. Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) của dự án dự kiến được thông qua vào năm 2024.
BP cho biết, H2 Teesside sẽ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hoạt động kinh doanh hydro của BP và góp phần vào mục tiêu đạt công suất 5 GW trong sản xuất hydro của Chính phủ Anh vào năm 2030. Với quy mô lớn và chi phí sản xuất hydro “xanh” thấp, dự án có thể hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của các cơ sở công nghiệp từ sử dụng khí thiên nhiên sang sử dụng hydro trong khu vực Teesside. H2 Teesside sẽ tích hợp với các dự án thu gom và lưu trữ carbon trong khu vực là Net Zero Teesside và Northern Endurance Partnership (cả hai đều do BP làm nhà điều hành).
Trước đó vào tháng 7/2020, tập đoàn dầu khí Equinor (Na Uy) đã công bố kế hoạch xây dựng cơ sở sản xuất hydro “xanh” H2H Saltend quy mô lớn đầu tiên ở đông bắc Vương quốc Anh. Việc một số tập đoàn dầu khí trên thế giới đang thực hiện các dự án sản xuất hydro “xanh” từ khí thiên nhiên là một xu hướng trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Tuy nhiên, xu hướng này đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn nữa để giảm giá thành hydro “xanh” (có ứng dụng công nghệ thu gom và lưu trữ carbon) xuống mức có thể cạnh tranh với hydro “xám” hiện nay.
Theo Viễn Đông Petrotimes