Biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng càng trở nên tồi tệ

Trong tuần qua, nhiều nơi trên thế giới ghi nhận những mức nhiệt cao kỷ lục. Các khu vực vốn ít nóng, nhiệt độ cũng tăng cao kỷ lục. Chuyên gia cho rằng, cường độ và tần suất của các đợt nắng nóng tăng cao là hậu quả từ biến đổi khí hậu.

Những con số kỷ lục

Tại Canada, đợt nắng nóng kỷ lục với nhiệt độ lên tới 50 độ C, đã khiến hàng trăm người dân nước này thiệt mạng. Giới chức Canada đã phải triển khai nhiều biện pháp như mở các trung tâm tránh nóng, tăng cường việc cung cấp điện, nước cho người dân trong khoảng thời gian này.

Hai ngày qua, tình trạng nắng nóng kèm theo hiện tượng sét đánh tăng gấp 10 lần so với năm ngoái cũng đã gây ra hàng trăm đám cháy rừng tại miền Tây Canada.  

Ngày 2/7, giới chức Canada đã phải điều động máy bay quân sự và huy động các nguồn lực cần thiết tới hỗ trợ công tác sơ tán tại những trị trấn bị ảnh hưởng do cháy rừng, cũng như tham gia vào các nỗ lực khống chế các đám cháy.

Riêng tỉnh British Colombia đến nay đã ghi nhận ít nhất 143 đám cháy rừng; trong đó có 1 đám cháy rừng nghiêm trọng thiêu rụi tới 90% ngôi làng cổ Lytton. Dù khoảng 1.000 người dân đã được sơ tán, song vẫn còn nhiều người bị thông báo là mất tích sau vụ việc. Thủ tướng Canada Justin Trudeau đang cố gắng triệu lập nhóm phản ứng để đánh giá về các nhu cầu cấp thiết đối với tỉnh này. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Sajjan tuyên bố sẵn sàng điều trực thăng quân sự và máy bay quân sự hỗ trợ sơ tán người dân ở những vùng thảm họa.


Cháy rừng ở British Columbia, Colombia ngày 29/6/2021. (Ảnh: Reuters)

Tại quốc gia láng giềng Mỹ, đợt nóng cũng đang diễn ra đã khiến nhiều người già tử vong, đường sá lún xuống, dây điện tan chảy. 

Cùng chung cảnh ngộ hạn hán như miền Tây nước Mỹ và Canada hiện nay, tại Mexico, nắng nóng gây ra hạn hán cũng đang ảnh hưởng đến 2/3 dân số quốc gia này. Tuy nhiên, tình hình này bị cảnh báo còn có thể tồi tệ hơn nữa trong những tuần tới. Đối phó với tình trạng này, giới chuyên gia Mexico đang đề nghị chính quyền địa phương đầu tư để tích trữ nước mưa dùng cho mục đích sinh hoạt.

Tại châu Á, hàng chục triệu người dân Ấn Độ đang phải hứng chịu đợt nắng nóng nghiêm trọng với nhiệt độ lên mức cao nhất trong 9 năm qua tại New Delhi; trong khi cơ quan khí tượng dự báo mùa mưa năm nay tại nước này sẽ đến muộn. Nhiệt độ ban ngày tại nhiều nơi trong 4 ngày nay luôn ở mức hơn 40 độ C.

Tình trạng này cũng xảy ra tại hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, trong cái nóng lên tới 50 độ C tại khu vực Trung Đông hiện nay, người dân Iraq đang khốn khổ vì thiếu điện, thiếu nước.

Hậu quả của biến đổi khí hậu

Chia sẻ với CNN, các chuyên gia cho rằng rất khó để xác định chính xác mối liên hệ của những sự kiện thời tiết cực đoan này như thế nào, nhưng không có khả năng là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi các đợt nắng nóng ập đến một số khu vực của bắc bán cầu cùng lúc.

“Các khối áp suất cao mà chúng tôi đang thấy ở Canada và Mỹ đều được điều khiển bởi một thứ gọi là luồng phản lực, một dải gió rất mạnh”, Liz Betley - Giám đốc điều hành tại Hiệp hội Khí tượng hoàng gia Anh chia sẻ.

Bentley giải thích rằng cấu hình của dòng phản lực này đang ngăn chặn khí quyển. “Dòng phản lực đó trở nên gợn sóng và bị mắc kẹt trong cái gọi là khối Omega bởi vì nó có hình dạng của chữ cái Hy Lạp là Omega và chúng không di chuyển đi đâu cả. Vì vậy, áp suất cao bị mắc kẹt trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần liên tục và những Omega này xuất hiện ở các khu vực khác nhau của bắc bán cầu”. Ở Mỹ, điều tương tự cũng xảy ra vào giữa tháng 6.

“Vì vậy, chúng tôi đã thấy những nhiệt độ chưa từng có này, các kỷ lục bị phá vỡ không chỉ một vài độ mà chúng hoàn toàn bị phá vỡ “, Bentley nói.

Một số nhà lãnh đạo quốc gia ngày càng tin rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính thúc đẩy nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là các đợt nóng và bão. “Biến đổi khí hậu đang dẫn đến sự kết hợp nguy hiểm của nắng nóng khắc nghiệt và hạn hán kéo dài. Chúng tôi đang phải chứng kiến những đám cháy có cường độ lớn, di chuyển với tốc độ nhanh và kéo dài hơn cả trong những mùa cháy”, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết hôm 30/6.

Các nhà khoa học đang nghiên cứu các công cụ tinh vi có thể nhanh chóng đánh giá mức độ biến đổi khí hậu có thể đã góp phần vào một sự kiện thời tiết cụ thể. “Chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu để có được một số câu trả lời nhanh về "Vai trò của biến đổi khí hậu là gì?", nhà khí tượng học của Văn phòng Khí tượng vương quốc Anh, Nikos Chritstidis cho biết.

“Chúng tôi nhận thấy rằng nếu không có sự tác động của con người thì hầu như không thể có tháng 6 nóng kỷ lục như vậy”, Christdis cho biết trong quá khứ nếu không có sự thay đổi khí hậu do con người gây ra thì nhiệt độ khắc nghiệt ở Tây Bắc Mỹ hoặc Tây Nam Canada chỉ xảy ra “hàng chục nghìn năm mới có một lần”. Hiện tại, nó có thể xảy ra sau mỗi 15 năm hoặc lâu hơn chút. Nếu tiếp tục hiện tượng phát thải khí nhà kính, theo Chritsdis, mức độ này sẽ càng nghiêm trọng hơn, như mỗi năm hoặc 2 năm lại xảy ra một lần.

Một số quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh và nước Liên minh châu Âu gần đây đã tăng cam kết trong việc chống lại biến đổi khí hậu, nhưng nhiều nhà khoa học và nhà hoạt động xã hội nói rằng vẫn chưa đủ để giữ nhiệt độ Trái Đất từ nay đến năm 2100 chỉ tăng tối đa 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết trong Thỏa thuận Paris năm 2015 việc hướng tới giới hạn này để ngăn chặn những tác động thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu.

Các nhóm nghiên cứu khí hậu cũng đã thúc giục Canada gia tăng cam kết và loại bỏ dầu khí. “Đây thực sự là thời tiết chết chóc nhất được ghi nhận đối với khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và Tây Nam Canada. Những mất mát và tuyệt vọng do nắng nóng khắc nghiệt và hoả hoạn tàn khốc ở Canada là lời nhắc nhở về những gì đã xảy ra khi cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng tăng”, Eddy - Giám đốc phụ trách của Mạng lưới Hành động khí hậu Canada cho biết.

“Canada đang phải trải qua những mất mát và thiệt hại do khí hậu gây ra, đồng thời không có biện pháp gì hữu hiệu để chống lại biến đổi khí hậu. Là nước sản xuất dầu và khí đốt, Canada vẫn đang xem xét việc mở rộng nhiên liệu hóa thạch, và đó là nguyên nhân trực tiếp làm tăng nhiệt độ toàn cầu”.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo các dịch bệnh nguy hiểm đang lan tràn ở nhiều nơi trên thế giới. Hằng năm, có khoảng 150.000 người chết do các bệnh có liên quan đến biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, các thiệt hại về kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra cũng ngày càng tăng theo nhiệt độ Trái Đất. Các cơn bão lớn làm mùa màng thất bát, mất nhà cửa, cần tới chi phí khổng lồ để dọn dẹp và khôi phục cuộc sống người dân sau bão lũ. Khí hậu càng khắc nghiệt càng làm tăng tổn thất về kinh tế; ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống người dân khi phải chịu cảnh giá thực phẩm và nhiên liệu leo thang; các Chính phủ phải đối mặt giảm sút nguồn thu...

Minh Phương KTMT