Đòn bẩy giảm phát thải
Định giá carbon là một cách tiếp cận nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính (KNK) hiệu quả thông qua việc sử dụng các cơ chế thị trường để chuyển chi phí phát thải cho các nguồn phát thải theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Theo đó các cơ sở phát thải phải chịu trách nhiệm trả chi phí do đã phát thải KNK vào khí quyển.
Đến nay, trên thế giới đã có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ áp dụng hoặc lên kế hoạch áp dụng công cụ định giá carbon, với tổng lượng KNK được kiểm soát là 12 tỉ tấn CO2 tương đương, chiếm 22,3% tổng lượng phát thải KNK toàn cầu.
Ngoài các quốc gia phát triển như Cộng đồng châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản, Canada… áp dụng công cụ định giá carbon thành công, nhiều quốc gia đang phát triển cũng đã thử nghiệm công cụ định giá carbon và tiến tới áp dụng rộng rãi như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Pakistan, Columbia, Chile, Argentina… Đây là hướng đi đầy tiềm năng bởi chỉ tính riêng năm 2019, nguồn thu từ định giá carbon toàn cầu đã là 45 tỉ USD.
Việt Nam từng bước xây dựng lộ trình phát triển thị trường tín chỉ carbon.
(Ảnh: Phapluatmoitruong.vn)
Chia sẻ về kinh nghiệm thế giới về xây dựng thị trường carbon, TS Nguyễn Tú Anh, Viện Khoa học tài nguyên nước, Bộ TN&MT cho biết, tại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu 2015 có 189/197 thành viên (tính đến tháng 12/2020) đã thống nhất về vai trò, trách nhiệm của các quốc gia trong ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt là làm giảm nhẹ phát thải nhà kính do quốc gia tự quyết định. Tại đây, các quốc gia nỗ lực giữ cho nhiệt độ Trái Đất trung bình tăng không quá 2 độ C (hướng đến giữ giới hạn ở mức 1.5 độ C) so với thời kỳ trước công nghiệp thông qua việc đưa ra và tăng cường hành động và đầu tư cần thiết cho một tương lai carbon thấp bền vững.
Trong đó, các công cụ kinh tế giải quyết các chi phí phát thải KNK được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, gồm: Quy định về chủ huy và kiểm soát thuế carbon; hệ thống thương mại hóa carbon (ETS); hệ thống tín chỉ giảm phát thải; tiêu chuẩn năng lượng sạch và xóa bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch. Trong số này, các chương trình định giá carbon (bao gồm thuế carbon và ETS) là một khía cạnh quan trọng của chiến lược toàn diện để đạt được các mục tiêu bền vững….
Việt Nam cũng đang từng bước cụ thể hóa quy định trong Luật
Phát biểu tại Hội thảo trực tuyến về “Nghị định quy định về giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng Ozon và lộ trình phát triển thị trường tín chỉ carbon trong nước” ngày 9/7, PGS Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu cho biết, tháng 9/2020, Việt Nam là một trong 20 nước đầu tiên trên thế giới đã gửi bản NDC cập nhật đến Ban Thư ký Công ước. NDC cập nhật của Việt Nam đã thể hiện nỗ lực cao nhất và xác định đóng góp về giảm nhẹ phát thải KNK, thích ứng với biến đổi khí hậu do nước ta cam kết. Những đóng góp này phù hợp với hiện trạng và dự báo phát triển KT-XH của quốc gia đến năm 2030.
Trong bản cập nhật lần này, Việt Nam cam kết giảm 9% tổng lượng phát thải KNK so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) và tăng đóng góp lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế thông qua Thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương và thực hiện cơ chế mới theo Thỏa thuận Paris.
NDC Việt Nam cũng xác định giai đoạn từ năm 2021 - 2030 sẽ tập trung thực hiện các phương thức giảm nhẹ phát thải nhà kính; các hoạt động rà soát, hoàn thiện hệ thống kiểm kê quốc gia về KNK; thúc đẩy hình thành thị trường carbon trong nước; xây dựng các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ tổ chức tham gia hoạt động giảm nhẹ phát thải nhà kính…
Cùng với đó, trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, lần đầu tiên NDC đã được luật hóa. Để triển khai NDC và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ TN&MT đang xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng Ozon. Đến nay, bản dự thảo đã được hoàn thiện và được đơn vị chủ trì là Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT tổ chức tham vấn rộng rãi đến các Bộ, ngành, khối doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, phi quốc tế…
Việt Nam có thể bán 57 triệu tín chỉ carbon ra thế giới mỗi năm
Đây là khẳng định mới nhất từ phía đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xung quanh câu chuyện phát triển chứng chỉ carbon của rừng trở thành một thứ hàng hóa để có thể bán và chuyển nhượng nhiều hơn trong thời gian tới.
Mỗi năm, Việt Nam có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, thì mỗi năm có thể thu về hàng trăm triệu USD.
Theo các chuyên gia đây được coi là nguồn tài nguyên mới, nếu biết khai thác thì sẽ có nguồn kinh phí lớn để nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ và phát triển rừng tại Việt Nam.
Trữ lượng rừng năm 2020 là khoảng 990 triệu m3 và dự kiến 10 năm tới con số này tăng lên 1.250 triệu m3. Tuy nhiên để tận dụng tiềm năng từ việc mua bán tín chỉ CO2 của rừng Việt Nam, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng chúng ta cần hoàn thiện nhiều quy định chi tiết để hình thành thị trường carbon trong và ngoài nước.
"Vẫn còn thiếu một số quy định chi tiết để phục vụ việc hướng dẫn triển khai thực hiện trên thực tế. Những vấn đề như việc chuyển quyền, giảm phát thải từ rừng hay cơ chế quản lý tài chính khi hoạt động mua bán đó diễn ra cần có quy định rõ hơn về hạn ngạch giảm phát thải, hay hạn ngạch phát thải của nhà sản xuất lớn, hay việc quy định những tỉnh tạo ra được lượng giảm hấp thụ lớn, có đóng góp cho kinh tế xanh thì có thể sẽ được nhận những nguồn tài chính từ tỉnh công nghiệp hóa mạnh và ở đó có phát thải lớn", ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Lâm Nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhận định.
Minh Phương (T/h)
https://kinhtemoitruong.vn/viet-nam-tung-buoc-xay-dung-lo-trinh-phat-trien-thi-truong-tin-chi-carbon-57156.html