Tầm quan trọng của rừng ngập mặn đối với môi trường sinh thái đã được các nhà khoa học khẳng định từ lâu. Đặc biệt trong tương lai, rừng ngập mặn còn là cứu cánh của con người trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, khi mực nước biển dâng cao.
Là quốc gia có đường bờ biển dài 3260 km và chạy dọc theo các tỉnh và thành phố, chính vì vậy rừng ngập mặn ở Việt Nam được phân bố dọc khắp đất nước hình chữ S. Với diện tích hơn 200.000 ha rừng, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất trên thế giới.
Ở Việt Nam, rừng ngập mặn có khoảng 37 loại cây ngập mặn khác nhau phân bố chủ yếu tại các vùng đồng bằng Sông Hồng và ĐBSCL. Trong đó, vùng ĐBSCL có chủng loại đa dạng hơn cả. Đồng thời đây cũng là khu vực có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất tại Việt Nam với hơn 90.000 ha. Nổi bật trong số đó là rừng ngập mặn Cần Giờ với tổng diện tích nên tới khoảng 37.000 ha. Nơi đây cũng được mệnh danh là khu dự trữ sinh quyển số 1 tại Việt Nam.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, rừng ngập mặn ở nước ta đa dạng về số lượng và chủng loại, được phân bố từ Bắc đến Nam, theo 4 khu vực và 12 tiểu khu 1... Thực vật ở rừng ngập mặn chủ yếu là các loại cây có bộ rễ nơm, như: đước, sú, vẹt, tràm, mắm, cùng các loài cỏ, cây bụi,… làm “bức tường” chắn sóng, giữ đất, tạo điều kiện cho trầm tích bồi tụ nhanh hơn. Đây cũng là nơi cư trú của các loài chim; vườn ươm cho các loài cá, với hơn 80% các loại hải sản dành một phần đời để trú ngụ, bởi đó là mái nhà bảo vệ chúng trước những hiểm nguy trong lòng đại dương. Đồng thời, rừng ngập mặn còn có tác dụng như “bộ lọc” hấp thu các chất độc hại trong nước, điều hòa khí hậu trong vùng, bảo vệ cuộc sống con người, .v.v.
Tuy nhiên diện tích rừng ngập mặn ở Việt Nam đang có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trong do thu hẹp về diện tác và ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Tình trạng bị thu hẹp này là do việc khai thác chặt phá rừng diễn ra một cách phổ biến; nuôi trồng thủy sản tự phát; quảng canh; khai thác gỗ, củi rừng ngập mặn trái phép. Mặt khác, do ảnh hưởng của thiên tai như: bão lốc, rét hại, lũ lụt, sinh vật hại,… đã phá hủy nhiều diện tích rừng trồng tại các địa phương ( như Thái Bình, Quảng Ninh, Quảng Bình… vốn là các tỉnh có phong trào trồng rừng ngập mặn phát triển).
Bên cạnh đó, triều cường, sạt lở bờ biển, cửa sông làm mất rừng, nhất là vùng ĐBSCL, cụ thể tại các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Sóc Trăng,… đã gây thiệt hại một diện tích rừng ngập mặn ven biển.
Rừng ngập mặn - “Lá chắn” bảo vệ vùng ven biển
Từ nhiều năm trước đây, việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn đã được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Ông Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Phó Chánh Văn phòng Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu cho biết, việc triển khai trồng, phục hồi rừng ngập mặn đã góp phần ứng phó hiệu quả với các tác động của biến đổi, vừa tạo đê mềm chắn sóng, nước dâng, hạn chế xâm nhập mặn, đồng thời nâng cao khả năng hấp thụ khí CO2, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ hệ sinh thái ven biển. Mặt khác, nhờ có rừng ngập mặn nên nhiều loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao sinh trưởng và phát triển một cách tự nhiên.
Theo GS.TS Phan Nguyên Hồng,chuyên gia hàng đầu của châu Á về nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn nhận định, rừng ngập mặn là một hệ sinh thái đặc biệt và hiếm có mà Việt Nam là một trong những quốc gia may mắn được thiên nhiên ban tặng. Rừng ngập mặn chỉ có ở các nước nhiệt đới, á nhiệt đới và có nhiều tác dụng trong bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nhờ những đặc trưng riêng như tầng tán dày, hệ thống rễ chằng chịt... rừng ngập mặn được đánh giá là một “bức tường xanh” vững chắc chống gió bão, sóng thần, xói lở, làm sạch môi trường ven biển, hạn chế xâm nhập mặn, bảo vệ nước ngầm, tích lũy carbon, giảm khí CO2...
Bên cạnh đó, những hệ sinh thái giàu có này đang là một phần quan trọng hỗ trợ hành tinh và con người theo những cách độc đáo, từ cung cấp nơi sinh sản cho cá đến dự trữ carbon, chống lũ lụt. Hệ thống rễ chắc chắn của cây rừng ngập mặn giúp hình thành một hàng rào tự nhiên chống lại các cơn bão dữ dội và lũ lụt. Trầm tích sông ngòi và đất bị rễ cây giữ lại, giúp bảo vệ các khu vực bờ biển và làm chậm xói mòn. Quá trình lọc này cũng ngăn chặn trầm tích có hại ảnh hưởng đến các rạn san hô và thảm cỏ biển.
Khu rừng ngập mặn Rú Chá tập trung hàng nghìn cây chá cổ thụ.
Cùng quan điểm với ý kiến trên, TS Nguyễn Hoàng Anh, Viện Môi trường và Tài nguyên TP.HCM nhấn mạnh, rừng ngập mặn có thể được xem như công cụ đắc lực của con người trong việc ứng phó với các tác động khi mực nước biển dâng cao. Rừng ngập mặn có vai trò rất quan trọng đối với việc bảo vệ môi trường, nhất là tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay.
Với vai trò là bức tường xanh, rừng sẽ làm hạn chế thiệt hại trong sản xuất và đời sống người dân do thiên tai, bão lũ gây ra, phòng chống xói lở bờ biển, cố định đất bãi bồi, mở rộng sản xuất, hạn chế tình trạng mặn xâm nhập, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản ổn định và bền vững thông qua việc chặn gió biển, cải tạo làm sạch môi trường. Hơn nữa, rừng còn đảm nhận nhiệm vụ như là lá phổi xanh hấp thụ khí CO2, tác nhân gây hiệu ứng nhà kính làm cho Trái Đất nóng lên. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Hoàng Anh, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để bảo vệ, khôi phục và trồng lại những khu rừng ngập mặn đã bị tàn phá, tiếp tục mở rộng diện tích trồng rừng mới vẫn đang là bài toán khó cho các địa phương.
Ngoài ra, rừng ngập mặn còn là các bể chứa carbon. Các khu rừng ven biển giúp chống lại sự nóng lên toàn cầu bằng cách loại bỏ khí cacbonic khỏi tầng khí quyển, phần lớn được lưu trữ trong sinh khối. Khi rễ, cành và lá của cây rừng ngập mặn rụng xuống, chúng thường được đất bao phủ, sau đó chìm trong nước thủy triều, làm chậm quá trình phân hủy vật chất và tăng cường lưu giữ carbon.
Nghiên cứu cho thấy rừng ngập mặn ven biển vượt trội hơn so với hầu hết các khu rừng khác về khả năng lưu giữ carbon. Một cuộc kiểm tra 25 khu rừng ngập mặn trên toàn khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cho thấy mỗi ha, rừng ngập mặn chứa lượng carbon cao gấp 4 lần so với các khu rừng mưa nhiệt đới khác.
Theo TS Lê Xuân Tuấn, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) cho biết, rừng ngập mặn là một hệ sinh thái hết sức quan trọng, vừa cung cấp các nhu cầu cho cuộc sống của cộng đồng dân nghèo ven biển vừa là bức tường xanh vững chắc chống gió bão, sóng thần, xói lở, làm sạch môi trường ven biển, hạn chế xâm nhập mặn, bảo vệ nước ngầm, tích lũy carbon, giảm khí CO2, duy trì đa dạng sinh học khi có thiên tai.
Bên cạnh các giá trị về đa dạng sinh học, rừng ngập mặn còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa không khí, hạn chế xâm nhập mặn và bảo vệ nước ngầm. Đây là một trong những lá chắn giúp phòng hộ ven biển và phòng tránh được sự bào mòn của nước biển. Hệ rễ cây chằng chịt trên mặt đất làm giảm cường độ của sóng nên hạn chế dòng chảy vào nội địa khi triều cường. Khi mực nước biển dâng cao, chúng ta phải đối diện với nguy cơ mất đất ở, đất sản xuất, đồng thời nước ngầm cũng sẽ bị nhiễm mặn. Trong khi đó, rừng ngập mặn lại có khả năng giữ và cố định vật chất lơ lửng, phù sa, từ đó sẽ tạo nên một vùng đất mới. Nhờ có hệ rễ dày đặc trên mặt đất, cây rừng ngập mặn còn góp phần vào việc giảm tốc độ dòng chảy của thuỷ triều, giảm sự xói lở do sóng biển gây ra. Hạt nảy mầm khi còn ở trên cây, mầm rơi xuống nước và trôi đến chỗ cạn, nếu gặp điều kiện thuận lợi cho hệ rễ phát triển thì nơi đó bắt đầu cho sự hình thành một hòn đảo mới. Nhờ cây con, quả, hạt có khả năng sống dài ngày trong nước cho nên cây ngập mặn có thể phát tán rộng vào đất liền. Nước biển dâng đến đâu thì cây mọc đến đó. Vì vậy, rừng ngập mặn ven biển được xem như “lá phổi xanh” bảo vệ cư dân và hệ sinh thái đất ngập nước.
Trồng rừng ngập mặn để ứng phó với biến đổi khí hậu
GS Phan Nguyên Hồng, người đã dành cả đời để nghiên cứu về rừng ngập mặn, được trao giải thưởng Cosmos năm 2008 về bảo vệ môi trường cùng với Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và môi trường (Ðại học Quốc gia Hà Nội), đã giúp đỡ nhân dân các vùng ven biển rất nhiều trong việc phục hồi những vùng rừng ngập mặn đã bị tàn phá bởi chiến tranh, do sự thiếu hiểu biết của người dân. Ông luôn trăn trở làm sao phục hồi được những khu rừng ngập mặn đã mất; định lượng những giá trị vô hình của rừng ngập mặn mang lại cho cộng đồng và môi trường, để từ đó mỗi người dân hiểu rõ hơn, có ý thức hơn trong việc bảo vệ, phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn của đất nước.
Thành công khiến GS Phan Nguyên Hồng tự hào nhất là tìm ra tính đa dạng sinh học cao và phục hồi rừng ngập mặn ở Cần Giờ (TP.HCM). Từ vùng đất hoang hóa, hiện nay Cần Giờ trở thành lá phổi xanh của TP.HCM, được UNESCO công nhận là khu sinh quyển rừng thứ hai trên thế giới sau khu Ranong của Thái Lan. Trung tâm của ông đã hỗ trợ kỹ thuật và tìm nguồn kinh phí để các địa phương trồng mới được hơn 20.000 ha rừng ngập mặn.
Cùng với đó, "Chương trình trồng rừng ngập mặn và Phòng ngừa thảm họa" do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiến hành đã góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại về người và vật chất do thảm họa gây ra. Thảm họa thiên nhiên ngày càng gây thiệt hại nặng nề hơn trên toàn cầu trong đó có nước ta. Những năm gần đây, người dân vùng ven biển phải hứng chịu những trận bão lớn, cường độ mạnh, những trận mưa xối xả dài ngày gây lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, nhưng có vùng lại bị hạn hán nghiêm trọng. Chính vì vậy, trồng và bảo vệ rừng ngập mặn ven biển là việc làm rất có hiệu quả của hội nhằm hưởng ứng chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai quốc gia, trong đó lấy phòng ngừa thảm họa là mục tiêu cơ bản, thay đổi trọng tâm từ ứng phó thảm họa sang giảm nhẹ thảm họa. Ðồng thời chủ động góp phần giảm thiểu tác hại biến đổi khí hậu gây ra như đã được cảnh báo.
Lan Anh