Tại
hội nghị, các chuyên gia thống nhất rằng, nước ngầm rất quan trọng đối
với khả năng phục hồi của con người và sinh kế chống hạn hán và biến đổi
khí hậu. Tuy nhiên, nước ngầm có giới hạn và việc khai thác nước ngầm
quá mức sẽ làm gia tăng tốc độ sụt lún đất; gián tiếp khiến phần lớn
sinh kế và nền kinh tế gặp rủi ro.
Hội nghị tổng kết dự án Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam, pha II, giai đoạn 2018 – 2022
Theo Trung tâm Quy hoạch tài nguyên nước,
đồng bằng sông Cửu Long là khu vực nhạy cảm với những thay đổi nhỏ về
khí hậu và nước biển dâng, đây là nơi thường xuyên hứng chịu lũ lụt trên
diện rộng. Bên cạnh đó, nạn phá rừng, suy thoái rừng ngập mặn cũng gây
ra nhiều tổn thất đối với các đập ngăn lũ tự nhiên. Mặt khác, hoạt
động cấp nước phục vụ tưới tiêu và nuôi trồng thủy sản cũng gây ra
hiện tượng xâm nhập mặn và suy thoái nguồn nước.
Do đó, để bảo đảm khai thác, sử dụng tài
nguyên nước dưới đất hiệu quả, bền vững trong điều kiện biến đổi khí
hậu; phòng tránh suy giảm mực nước, xâm nhập mặn và sụt lún mặt đất do
khai thác nước dưới đất tại các tỉnh ven biển vùng đồng bằng sông Cửu
Long, dự án Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam, pha II đã triển
khai 5 hợp phần gồm: tăng cường năng lực quản lý tài nguyên nước ở địa
phương; cập nhật, bổ sung thông tin dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu về
nước dưới đất trong vùng dự án; sử dụng cơ sở thông tin dữ liệu vào quản
lý và hoạch định chính sách về tài nguyên nước; nâng cao nhận thức
cộng đồng và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, quản
lý và đối tượng sử dụng nước về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất;
tăng cường năng lực điều tra, đánh giá, bảo vệ và quản lý tài nguyên
nước dưới đất cho các cơ quan tham gia dự án.
Đến nay, dự án đã cập nhật, bổ sung thông
tin dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu về nước dưới đất; nghiên cứu toàn
diện về điều kiện địa chất thủy văn tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà
Mau, đồng thời tập huấn chuyển giao kết quả cho Sở Tài nguyên và Môi
trường các địa phương này.
Ông Jens Schmid-Kreye, đại diện Đại sứ
quán Đức tại Việt Nam đánh giá, dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về
nước ngầm, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giám sát, quản lý dữ
liệu, kiểm tra địa điểm và quy định khai thác nước ngầm tại các tỉnh Sóc
Trăng, Cà Mau và Bạc Liêu.
Thời gian tới, phía Đức mong rằng sẽ tiếp
tục được hợp tác với Việt Nam trong các dự án về tài nguyên nước cũng
như các vấn đề về thích ứng biến đổi khí hậu. Hy vọng Luật Tài nguyên
nước (sửa đổi) sẽ cung cấp thêm các quy định và hoạt động ưu tiên xã hội
hóa, chính sách xã hội hóa trong sử dụng bền vững và bảo vệ tài nguyên
nước, hướng tới bảo vệ lợi ích của người nghèo và người dễ bị tổn
thương.
Mộc Trà