Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) là một vùng đất ngập nước nội địa nguyên vẹn còn sót lại ở đồng bằng sông Hồng. Là khu Ramsar thứ 9 của Việt Nam với hệ động, thực vật đa dạng, nhiều loài quý hiếm cùng 2 kỷ lục về thiên nhiên là những tiềm năng để Vân Long phát triển ngành “công nghiệp không khói”.
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long đã được công nhận là khu Ramsar thứ 9 của Việt Nam và là khu Ramsar thứ 2.360 của thế giới. Với diện tích 2.736 ha (trong đó, 3/4 diện tích là núi đá, 1/4 diện tích là đất ngập nước), Vân Long sở hữu kiểu cảnh quan hệ sinh thái đầm lầy ngập nước và thủy văn ngầm hiếm thấy trong khu vực Đông Dương, bao gồm các dòng sông, hồ nước nông và thảm thực vật ngập nước phong phú, mang các đặc tính sinh thái đặc thù tạo nên cảnh quan thiên nhiên độc đáo.
Khu bảo tồn Vân Long sở hữu kiểu cảnh quan hệ sinh thái đầm lầy ngập nước và thủy văn ngầm hiếm thấy trong khu vực Đông Dương (ảnh Ninh Mạnh Thắng)
Khu bảo tồn có những đặc thù về đa dạng sinh học, cảnh quan sinh thái đặc trưng của vùng Đồng bằng Bắc Bộ cùng với sự hiện diện của 22 loài thực vật, trong đó có 8 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Hệ động vật có 39 loài, 19 họ, 8 bộ thú, trong đó, có 12 loài động vật quý hiếm, 9 loài bò sát được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Nơi đây được bao bọc bởi một hệ thống đá vôi rất nổi tiếng với hệ thống hang động đẹp và thảm thực vật đặc trưng cho hệ sinh thái núi đá vôi (karst), là môi trường sống chính của loài voọc mông trắng, một trong những loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức toàn cầu và chỉ còn ở Việt Nam...
Ông Trần Xuân Quang ở xã Gia Vân người có hơn 20 năm gắn bó với công tác bảo tồn tại Vân Long chia sẻ: Bảo vệ cảnh quan môi trường và tính đa dạng sinh học của Vân Long có vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch, phát triển KT – XH, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Xác định được điều đó, những năm qua chính quyền và người dân địa phương rất chú trọng thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, bảo vẻ đẹp hoang sơ của Vân Long. Trải qua hơn 20 năm làm bảo tồn và du lịch đến nay không hề có hộ dân nào chặt phá cây, lấy đá cảnh, săn bắn động vật trái phép.
Môi trường là yếu tố tiên quyết để Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long “cất cánh”
“Người dân tham gia chèo đò chở khách du lịch đã và đang trở thành những tuyên truyền viên tích cực về bảo vệ môi trường, bảo vệ tính đa dạng sinh học của Khu bảo tồn Vân Long”, ông Quang chia sẻ.
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, bà Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết: Những năm tới đây, định hướng mũi nhọn của huyện là phát triển du lịch, trong đó Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long là khu vực trọng điểm của chiến lược phát triển đó.
Theo bà Dược, Khu bảo tồn Vân Long nằm trên địa bàn xã Gia Vân, là xã nông thôn mới kiểu mẫu duy nhất của huyện đến thời điểm hiện tại. Do vậy, việc đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan tự nhiên rất được chú trọng. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân, trong đề án phát triển của huyện có dành một phần kinh phí thực hiện việc thu gom rác thải đối với rác sinh hoạt ở khu vực này để tránh gây ô nhiễm môi trường.
Nếu giải được bài toán về môi trường khi phát triển du lịch với tầm nhìn dài hạn theo hướng bền vững thì Khu Ramsar thứ 9 của Việt Nam sẽ sớm là “địa chỉ đỏ” trong công tác bảo tồn và du lịch
“Các xã phải xây dựng đề án thu gom rác thải, ký cam kết tới từng hộ dân, nhất là tại các khu du lịch. Từ đó, nâng cao ý thức về việc thu gom rác, bảo vệ môi trường. Với những địa điểm du lịch có các bãi rác tồn lưu từ trước đề xuất thu gom hoặc san lấp, trồng cây, cải tạo cảnh quan môi trường”, bà Dược cho hay.
Cũng theo Phó Chủ tịch huyện Gia Viễn thì huyện đang trình đề án quy hoạch Khu đô thị Vân Long gắn với phát triển du lịch theo hai hướng đó là du lịch trải nghiệm và du lịch lịch sử - văn hoá. Với định hướng như vậy, tiêu chí hành động là xây dựng song hành đề án phát triển du lịch và đề án môi trường trong phát triển du lịch để đảm bảo tầm nhìn xa hơn, bền vững hơn.
Nếu giải được bài toán về môi trường khi phát triển du lịch với tầm nhìn dài hạn theo hướng bền vững thì Khu Ramsar thứ 9 của Việt Nam sẽ sớm là “địa chỉ đỏ” trong công tác bảo tồn và du lịch trong mắt du khách trong và ngoài nước, bà Dược nhấn mạnh.
Theo TNMT