Trái Đất hiện đang giữ lượng nhiệt cao gấp 2 lần so với 14 năm trước, làm dấy lên lo ngại về khả năng tăng tốc của tình trạng biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters chỉ ra rằng, Trái Đất hiện đang giữ lượng nhiệt cao gấp 2 lần so với 14 năm trước, làm dấy lên lo ngại về khả năng tăng tốc của tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo đó, các nhà khoa học đã xem xét dữ liệu từ Hệ thống năng lượng bức xạ của Trái Đất (CERES), vệ tinh quan sát Trái Đất của NASA và đo lường mức năng lượng mà Trái Đất hấp thụ từ ánh sáng mặt trời và năng lượng phát xạ trở lại không gian dưới dạng bức xạ hồng ngoại.
Ngoài ra, để đo tốc độ nóng lên của những đại dương, các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu bổ sung từ Argo, một mạng lưới cảm biến robot quốc tế được phân phối trên khắp các đại dương trên thế giới. Bởi việc so sánh dữ liệu CERES với Argo đã giúp củng cố kết quả nghiên cứu vì các đại dương trên toàn cầu là nơi hấp thụ tới 90% năng lượng dư thừa (từ sự mất cân bằng năng lượng) mà Trái Đất giữ lại.
Trái Đất đang hấp thụ nhiệt lượng cao gấp 2 lần so với 14 năm trước. (Ảnh: suckhoephapluat.vn)
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, sự mất cân bằng năng lượng của Trái Đất là do sự ô nhiễm bầu khí quyển ngày càng tăng từ các chất khí thải gây hiệu ứng nhà kính như carbon dioxide (CO2), methane (CH4) và ozone (O3).
Những chất ô nhiễm này ngăn cản nhiệt bức xạ của Trái Đất thoát ra ngoài không gian, làm tăng sự hấp thụ ánh sáng Mặt trời và giữ nhiệt trong bầu khí quyển. Nếu tốc độ hấp thụ nhiệt không giảm xuống, các thay đổi lớn hơn về khí hậu dự kiến sẽ xảy ra.
TS Norman Loeb, tác giả chính của nghiên cứu và là nhà điều tra chính của CERES tại NASA nhấn mạnh, “tác động của con người cùng sự biến đổi bên trong Trái Đất là nguyên nhân gây ra hiện tượng ấm lên, dẫn đến sự thay đổi khá lớn về sự mất cân bằng năng lượng của Trái Đất".
Theo ước tính trung bình, Trái Đất nhận khoảng 240W nhiệt lượng từ mặt trời trên mỗi mét vuông. Vào năm 2005, nó tỏa ra khoảng 239,5W, tạo ra sự mất cân bằng dương khoảng 0,5W. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, sự mất cân bằng này đã tăng gần gấp đôi, lên khoảng 1W/m2.
Khi nhiệt độ trung bình của Trái Đất nóng lên sẽ làm cho lượng băng ở Nam Cực và Bắc Cực tan ra, mực nước biển ngày càng dâng cao. Trong khi đó, do nhiệt độ toàn cầu tăng lên, kích thước các tảng băng bị thu hẹp lại, dẫn đến năng lượng truyền đến được phản xạ ra khỏi bề mặt Trái Đất ít hơn.
Các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra rằng, một mô hình lặp lại trong tự nhiên được gọi là Dao động suy giảm Thái Bình Dương (PDO) cũng đang góp phần vào quá trình này. Theo đó, chu kỳ PDO gây ra những biến động thường xuyên về nhiệt độ của Thái Bình Dương với phần phía Tây trở nên lạnh hơn và khu vực phía Đông ấm lên trong 10 năm, theo xu hướng ngược lại một thập kỷ sau đó. Các nhà khoa học cho biết, một giai đoạn PDO cường độ cao bất thường bắt đầu vào khoảng năm 2014 đã làm giảm sự hình thành mây trên đại dương, điều này cũng dẫn đến việc Trái Đất tăng khả năng hấp thụ năng lượng truyền tới.
Trước đó, nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Reading (Anh) đăng trên tạp chí Geophysical Research Letters đã cảnh báo 34% diện tích của tất cả các thềm băng ở Nam Cực, rộng khoảng nửa triệu km2 có thể mất ổn định nếu nhiệt độ thế giới tăng thêm 4 độ C. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết khoảng 67% diện tích thềm băng trên bán đảo Nam Cực cũng sẽ có nguy cơ tương tự nếu kịch bản này diễn ra.
Bên cạnh đó, tốc độ băng tan ở Bắc Cực hiện nay là rất cao, cứ mỗi giây trôi qua là mất đi 10.000 tấn băng. Báo cáo cũng lưu ý băng từ 4 năm tuổi trở lên hiện chỉ còn chiếm khoảng 1,2% tổng diện tích phủ băng của Bắc Cực. Theo dự báo, đến năm 2035, Bắc Cực sẽ không còn băng vào mùa hè.
Vì vậy, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã đưa ra cảnh báo và nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc cần hành động khẩn cấp để giảm thiểu tác động của sự nóng lên toàn cầu. Theo đó, chúng ta chỉ còn thời hạn đến năm 2030 để giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, và ngăn nhiệt độ Trái Đất đạt đến ngưỡng trên 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.
“Nếu nhiệt độ tiếp tục tăng với tốc độ hiện tại, chúng ta có thể mất thêm nhiều thềm băng ở Nam Cực trong những thập kỷ tới. Hạn chế sự nóng lên sẽ không chỉ tốt cho Nam Cực mà việc bảo tồn các thềm băng, có nghĩa là mực nước biển toàn cầu ít dâng hơn, còn tốt cho tất cả chúng ta”, bà Ella Gilbert, nhà khoa học khí hậu tại Khoa Khí tượng (Đại học Reading) cho hay.
Thế giới đang ở mức nóng nhất trong ít nhất 12.000 năm qua
Các nhà khoa học cho biết, kết quả phân tích nhiệt độ trên bề mặt đại dương cho thấy, biến đổi khí hậu do con người gây ra đã khiến nhiệt độ của Trái Đất đã đạt mức nóng nhất trong 125.000 năm qua. Các mô hình khí hậu đã chỉ ra sự ấm lên liên tục kể từ khi kỷ băng hà cuối cùng kết thúc cách đây 12.000 năm và Kỷ nguyên Holocen (Kỷ nguyên loài người) bắt đầu.
Ước tính nhiệt độ từ vỏ hóa thạch trước đây cho thấy, đỉnh điểm của tình trạng Trái Đất nóng lên diễn ra cách đây 6.000 năm và sau đó nguội đi, cho đến khi cuộc cách mạng công nghiệp khiến lượng khí thải carbon tăng vọt.
Bà Samantha Bova, nhà khoa học tại Đại học Rutgers - New Brunswick ở Mỹ, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi đã chứng minh được rằng, nhiệt độ trung bình hàng năm trên toàn cầu đã tăng trong 12.000 năm qua, trái ngược với các kết quả trước đó".
Lan Anh (T/h)
https://kinhtemoitruong.vn/trai-dat-van-nong-len-khong-ngung-57253.html