Sa mạc hóa hệ quả của suy kiệt nguồn nước

Chưa bao giờ tài nguyên nước lại trở nên quý hiếm như những năm gần đây khi nhiều dòng sông bị suy thoái, nước trong các ao, hồ cạn kiệt, ô nhiễm vào mùa khô, trong khi nguồn nước ngầm ngày càng suy giảm do khai thác quá mức.

Chất lượng môi trường nước đang kém dần đã ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, đặc biệt là những cộng đồng nghèo sống phụ thuộc nhiều vào môi trường tự nhiên... Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn về bảo đảm an ninh nguồn nước cho phát triển và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Sẽ khó khăn hơn nếu chúng ta không có những cơ chế, chính sách để chia sẻ nguồn nước một cách hợp lý và thay đổi cơ bản trong việc quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước.

Theo PGS.TS Lê Bắc Huỳnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam, Việt Nam có tài nguyên nước thuộc loại trung bình trên thế giới, song ẩn chứa nhiều yếu tố kém bền vững. Nếu chỉ xét lượng nước trên lưu vực sông vào mùa khô thì nước ta thuộc vào vùng phải đối mặt với tình trạng thiếu nước, một số khu vực như Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên thuộc loại khan hiếm nước. Tổng trữ lượng nước mặt của Việt Nam khoảng 830-840 tỉ m3, trong đó khoảng 63% lượng nước là từ nước ngoài chảy vào nước ta. Tình trạng suy kiệt nguồn nướctrong hệ thống sông, hạ lưu các hồ chứa trên cả nước và nước dưới đất ở nhiều vùng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng nhất là trong bối cảnh Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ, sâu sắc của biến đổi khí hậu.


Mặc dù mới đầu tháng 4, nhưng nhiều ao hồ ở huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) đã cạn trơ đáy, đất đai nứt nẻ.
Nước - nguồn tài nguyên không hề vô hạn

Trong những năm qua, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa đòi hỏi nhu cầu nước cho sản xuất và dân sinh ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, nhưng phát triển cũng ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng, trữ lượng nguồn nước. Việc suy kiệt nguồn nước ngầm và nước mặt, đặc biệt trong những kỳ nắng nóng không chỉ khiến cho nguồn nước sinh hoạt cạn kiệt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.

Nhu cầu về nước ngày càng tăng dẫn đến việc khai thác sử dụng tài nguyên nước ngày càng nhiều. Nhu cầu dùng nước ở nước ta do tăng dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa… sẽ lên đến khoảng 130-150 tỉ m3/năm, chiếm tới gần 50% lượng nước sản sinh trên lãnh thổ nước ta, gần 90% nguồn nước mùa khô (khoảng 170 tỉ m3).

Điều đó cho thấy, nguy cơ thiếu nước là rõ ràng và ở mức nghiêm trọng. Suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước trở nên phổ biến hơn. Cạnh tranh giữa sử dụng nước cho thủy điện và các nhu cầu tiêu thụ nước khác, đặc biệt cho sản xuất nông nghiệp ở hạ du một số lưu vực sông lớn đã xảy ra trong những năm gần đây, nhất là trong mùa khô.

Sa mạc hóa hệ quả của việc cạn kiệt nguồn nước

Sa mạc hóa là vấn đề mà nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt. Ở nước ta, tình trạng phá rừng, khai thác vô tội vạ các nguồn tài nguyên (đáng chú ý là tài nguyên nước), hoạt động sản xuất nông nghiệp thiếu bền vững… là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng sa mạc hóa. Hiện cả nước có hàng triệu ha đất bị thoái hóa, hoang hóa, trong đó, vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Làm gì để ứng phó, thích ứng với tình trạng sa mạc hóa là vấn đề cấp bách đặt ra với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên - Nam Trung bộ.

Suy kiệt nguồn nước là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng sa mạc hóa. Cùng với tình trạng mất rừng và xây dựng các công trình thủy điện, thời gian qua, việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước thiếu hợp lý đã khiến nguồn nước phục vụ sản xuất, tưới tiêu và sinh hoạt tại các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên - Nam Trung bộ suy giảm nghiêm trọng. Nhiều sông, suối, hồ trước đây đầy ắp nước, thì nay nhanh chóng khô cạn vào đầu mùa khô. Không chỉ nước mặt, mà nước ngầm cũng suy kiệt nghiêm trọng do việc cấp phép khai thác, sử dụng quá mức. 

Nước ngầm, nước mặt đều cạn kiệt

Tình trạng suy kiệt nguồn nước cũng đang diễn ra tại nhiều địa phương ở tỉnh Đắk Lắk. Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) Phạm Quang Mười, do biến đổi khí hậu nên lượng nước ở các ao hồ, sông suối trên địa bàn huyện nhiều năm trở lại đây tụt giảm mạnh. Mặc khác, do rừng bị suy kiệt, tình trạng khoan giếng, khai thác mạch nước ngầm tràn lan để phục vụ cây nông nghiệp khiến nguồn nước ngầm bị suy kiệt trầm trọng. “Nếu như trước đây, giếng khơi đào khoảng 15-20 m là có nước thì những năm gần đây phải đào đến 25-30 m. Đối với giếng khoan thì phải khoan sâu đến gần 100m mới có nước”, người dân chia sẻ.

Nam Trung bộ, Ninh Thuận và Bình Thuận là 2 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng khô hạn. Tại tỉnh Ninh Thuận, trong vòng 20 năm gần đây, lượng mưa ngày càng ít khiến lượng nước mặt và nước ngầm bị suy giảm ở mức đáng báo động, gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến kinh tế và đời sống của nhân dân. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận Phan Quang Thựu, từ năm 2002-2014, lượng mưa hàng năm trên địa bàn chỉ đạt từ 500-600 mm (bằng 1/2 lượng mưa trung bình nhiều năm) nên đã khiến hầu như toàn bộ dòng chảy trên các sông, suối và các hồ chứa nước cạn kiệt. Từ năm 2019 đến nay, mùa mưa kết thúc sớm hơn khoảng 1 tháng rưỡi nên lượng nước tại các hồ chứa và dòng chảy trên các sông bị thiếu hụt trầm trọng. Ghi nhận vào đợt nắng hạn năm 2020 cho thấy, 21 hồ chứa nước của tỉnh Ninh Thuận chỉ còn 34 triệu m3, chiếm khoảng 18% tổng dung tích thiết kế.

Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Phước, đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 78 hệ thống công trình thủy lợi, tổng dung tích thiết kế hồ hơn 300 triệu m3. Tuy nhiên, do tình trạng hạn hán, năm 2020 lượng nước còn lại trong các hồ chứa thủy lợi trên toàn tỉnh chỉ còn khoảng trên 11,5 triệu m3, chỉ đạt khoảng gần 4% dung tích thiết kế. Ở thời điểm này, lượng nước tại hồ thủy điện Đại Ninh cũng chỉ còn trên 12 triệu m3 (đạt khoảng 5% dung tích thiết kế), hồ thủy điện Hàm Thuận còn 103 triệu m3 (đạt gần 20% dung tích thiết kế). 

“Những năm qua, do tình hình khô hạn kéo dài nên nguồn nước tự nhiên của các sông, suối đều đã cạn kiệt, mực nước ngầm cũng suy giảm nghiêm trọng. Hầu hết các giếng khoan, giếng đào ở các địa phương của tỉnh đều rơi vào tình trạng cạn nước, nhiều nơi khô cạn hoặc bị nhiễm mặn. Một số nơi xảy ra thiếu nước nghiêm trọng cấp cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất cây thanh long”, ông Nguyễn Hữu Phước nhấn mạnh.

Nguyên nhân do đâu

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận Phan Quang Thựu phân tích, chỉ ra nguyên nhân gây ra thiếu hụt nguồn nước và hạn hán ngoài yếu tố diễn biến bất lợi về thời tiết thì còn do chủ quan của con người: Tình trạng mất rừng, xây dựng các công trình thủy điện và việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước thiếu hợp lý. Phân tích của ông Thựu chỉ rõ, yếu tố chủ quan gây ra thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng là do nguồn nước cấp của các hệ thống thủy lợi lớn của địa phương như hệ thống các đập dâng: Sông Pha, Nha Trinh - Lâm Cấm lại chủ yếu sử dụng nguồn nước xả của Nhà máy thủy điện Đa Nhim.

Theo thiết kế hàng năm, lượng nước xả này chiếm khoảng 15% tổng trữ lượng tài nguyên nước mặt của toàn tỉnh. Nhưng khi thời gian hạn hán xảy ra, lượng nước xả này nhỏ hơn so với nhu cầu ở hạ du. Có thời điểm nguồn nước đến giảm rất thấp, thấp hơn các mặt đập khoảng -50c m, gây khó khăn công tác điều tiết nước.

TS Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên (Bộ NN&PTNT) nhận định, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy kiệt nguồn nước ngầm hiện nay trên địa bàn Tây Nguyên là hệ lụy của việc rừng bị suy giảm mạnh. Khảo sát năm 2019 so với năm 2018, diện tích rừng tự nhiên ở các tỉnh Tây Nguyên giảm gần 16.000ha. Rừng tự nhiên giảm dẫn đến mất khả năng giữ nước, kéo theo đó nguồn nước ngầm cũng giảm theo.

Biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân trực tiếp quan trọng gây suy giảm, cạn kiệt nguồn nước. Thực tế cho thấy, nước chịu tác động sớm nhất của biến đổi khí hậu. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ở Việt Nam mùa mưa và lượng mưa đang có xu hướng diễn biến thất thường nên hạn hán xảy ra thường xuyên và trên diện rộng hơn. Nguồn nước mùa khô có xu hướng suy giảm, cạn kiệt nguồn nước kéo dài hơn, tồi tệ hơn, nhiều khu vực nước ngọt cũng sẽ bị xâm nhập mặn, ô nhiễm gia tăng do dòng chảy không còn khả năng tự làm sạch, khả năng chống chọi với thiên tai, trong đó có hạn hán sẽ tạo ra thách thức lớn đối với bảo đảm an ninh về nước và phát triển xanh, bền vững.

Bên cạnh đó, diện tích cây nông nghiệp tăng nhanh, nhu cầu sử dụng nước lớn. Tình trạng người dân khoan giếng tràn lan, sử dụng nguồn nước không hợp lý cũng khiến tài nguyên nước suy kiệt.

Vấn đề suy giảm nguồn nước diễn ra và ngày càng diễn biến phức tạp. Để khắc phục tình trạng này đòi hỏi phải có những bịên pháp đồng bộ, có tính hệ thống và thực hịên quản lý tổng hợp tài nguyên nước quản lý suy giảm nguồn nước, khan hiếm nước. Điều chỉnh quy hoạch khai thác, sử dụng nước cho chuyên ngành phù hợp với tiềm năng nguồn nước; Tăng cường phòng chống ô nhiễm, suy thoái nguồn nước.

Thanh Thúy Tạp chí KTMT