Sau hơn 1 năm nghiên cứu kỹ càng, công phu, lấy ý kiến các bộ, ngành, các Tập đoàn, Tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng và bổ sung, hoàn thiện, Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện 8) đã được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 4-2022.
Theo Bộ Công Thương, đây là một quy hoạch khó, vì phải giải bài toán tổng hợp các yếu tố: cơ cấu nguồn điện còn chưa hợp lý, cân đối vùng miền còn bất hợp lý dẫn đến yêu cầu về đầu tư lưới điện truyền tải liên vùng là rất lớn; vừa tính toán lượng hao hụt khi phải truyền tải điện đi xa, vừa phải bảo đảm phụ tải, bảo đảm giá thành hợp lý, đồng thời phải thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 “đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, cũng như yêu cầu đặt ra về phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Mặt khác, Quy hoạch điện 8 phải tính toán một cách thận trọng, cân nhắc mọi yếu tố để điều chỉnh các vấn đề bất cập, vướng mắc đang diễn ra trong thực tiễn. Đặc biệt là trước nhu cầu đăng ký quy hoạch của các doanh nghiệp, các địa phương rất lớn lên đến gần 520.000 MW, gấp khoảng 3,5 lần dự kiến tổng công suất đặt hệ thống điện quốc gia năm 2030.
Tuy nhiên, với tinh thần “đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết”, bảo đảm an ninh năng lượng, khoa học, hiệu quả, Quy hoạch không thể đáp ứng được hết các yêu cầu của doanh nghiệp, địa phương với số lượng đăng ký lớn như vậy.
Các chuyên gia năng lượng cho rằng, phát huy lợi thế của các địa phương nhưng phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tiết kiệm chi phí đầu tư xã hội là quan điểm xuyên suốt trong Quy hoạch điện 8.
Thế nên, phương án tối ưu được đưa ra là tổng quy mô công suất nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 khoảng 146.000 MW; công suất cực đại dự kiến vào năm 2030 vào khoảng 93.000 MW. Giảm quy mô đầu tư theo quy hoạch gần 2 triệu tỷ đồng, trong đó giảm đầu tư công suất nguồn khoảng 35.000MW.
Trên cơ sở phân bổ vùng hợp lý hơn, nguồn điện được bố trí hài hòa, đảm bảo phát huy lợi thế từng vùng miền, tiết kiệm tối đa truyền dẫn sẽ tiết kiệm đầu tư hệ thống truyền tải gần 300 nghìn tỷ đồng.
Quy hoạch đã nhận được các địa phương đồng thuận cao khi đề ra lộ trình cắt giảm điện than mạnh mẽ để chuyển đổi, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió và điện khí và thực hiện chuyển đổi nhiên liệu từ than sang biomass và amoniac, từ khí tự nhiên, LNG sang hydrogen. Đến năm 2045, toàn hệ thống chỉ còn 9,6% điện than, trong khi điện gió, điện mặt trời chiếm 50,7%, đảm bảo các cam kết về giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường.
Trước lập luận của một số địa phương có tiềm năng, lợi thế đề nghị tăng thêm quy hoạch điện, Chính phủ yêu cầu, mỗi địa phương phải xác định phát triển cho địa phương phải tính đến bài toán kinh tế trên phạm vi cả nước chứ không chỉ vùng, địa phương. Phát triển điện cho địa phương nhưng phải vận chuyển điện đi xa thì giá thành sẽ cao, khi đó, người dân lại phải gánh mức giá cao này.
Giải trình về chủ trương phát triển điện mặt trời ở tỉ lệ phù hợp so với các nguồn điện khác, Bộ Công thương cho biết, nhu cầu điện của nền kinh tế cao nhất không phải vào lúc có mặt trời mà vào khoảng 18-22 giờ, nếu không có các nguồn điện khác thì lúc đó không thể đáp ứng được nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt. Nếu tích điện mặt trời để phát vào ban đêm thì giá thành tăng gấp 3-4 lần.
Thiết nghĩ, quan điểm phát triển điện phải gắn với kinh tế xanh đã được thể hiện rõ trong Quy hoạch điện 8, hướng tới khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo; khắc phục tình trạng mất cân đối nguồn điện giữa các vùng miền; đảm bảo cấp điện phát triển kinh tế-xã hội từ nay đến năm 2045.
Thanh Thảo
https://www.bienphong.com.vn/phat-trien-dien-gan-voi-kinh-te-xanh-post449978.html