Khi mức nước các hồ thủy điện xuống thấp sẽ làm hạn chế khả năng phát điện cả về công suất phát và sản lượng điện.
Thông tin từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho biết, do hiện tại đang là thời điểm cuối mùa khô nên mức nước nhiều hồ thủy điện lớn ở phía Bắc đang xuống thấp. Điển hình như hồ Hòa Bình chỉ còn cách mức "nước chết" gần 5 m, hồ Sơn La còn cách mức "nước chết" 8 m, hồ Thác Bà chỉ còn cách mức "nước chết" chưa tới 1 m.
Khi mức nước các hồ thủy điện xuống thấp sẽ làm hạn chế khả năng phát điện cả về công suất phát và sản lượng điện.
Hồ thuỷ điện Hoà Bình chỉ còn cách mức "nước chết" gần 5 m. (Ảnh: EVN)
Mặt khác, trong điều kiện thời tiết tiếp tục nắng nóng diện rộng ở miền Bắc và miền Trung làm mức độ tiêu thụ điện thường xuyên duy trì ở mức cao. Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho biết trong những ngày gần đây, công suất tiêu thụ điện toàn quốc đều ở mức trên dưới 42.000 MW – tức cao hơn mức công suất đỉnh năm 2020 tới gần 10%.
Trong bối cảnh nguồn điện và mức tiêu thụ điện hiện tại như vậy dẫn đến mức dự phòng nguồn điện ở khu vực phía Bắc chỉ còn ở mức thấp, nguy cơ sự cố do quá tải và ảnh hưởng đến tình hình cung cấp điện.
Cụ thể, theo số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, vào trưa 21/6, công suất tiêu thụ điện toàn quốc lần đầu tiên vượt 42.000 MW và thiết lập mức đỉnh kỷ lục mới với con số là 42.146 MW.
Bên cạnh đó, công suất tiêu thụ điện của riêng khu vực miền Bắc và riêng TP.Hà Nội cũng đã lập mức đỉnh kỷ lục mới, với công suất đỉnh mới của miền Bắc là 18.700 MW và của TP.Hà Nội là 4.700 MW.
Lượng điện tiêu thụ tăng cao khiến công suất huy động sắp tiến gần với công suất khả dụng của hệ thống. Hiện nay công suất đặt toàn hệ thống là 70.000 MW, trong đó riêng nguồn điện mặt trời lên tới gần 17.000 MW, chiếm tỉ trọng 25%.
Tuy nhiên, điện mặt trời chỉ phát điện được vào ban ngày nên với những thời điểm phụ tải tăng mạnh vào buổi tối, một số nơi bị quá tải cục bộ sẽ gây áp lực rất lớn đến vận hành hệ thống. Lúc này công suất đặt toàn hệ thống chỉ còn khoảng 53.000 MW, giảm rất mạnh khi không có nguồn mặt trời.
Trong khi đó, hiện công suất khả dụng của hệ thống ở mức 45.000 - 47.000 MW (không bao gồm điện mặt trời), nên khi phụ tải toàn hệ thống liên tục lập đỉnh, để đảm bảo vận hành an toàn, các nguồn điện chạy nền như thủy điện, nhiệt điện than vẫn phải duy trì và được huy động.
Vì vậy, để hạn chế nguy cơ nguy cơ xảy ra sự cố về điện do nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, EVN tiếp tục khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối, cụ thể là buổi trưa từ 11h30 đến 15h00, buổi tối từ 20h00 đến 23h00.
Đồng thời chú ý sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ (đặt ở mức 26-27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt). Theo tính toán cụ thể của chuyên gia kỹ thuật điện, trong những lúc thời tiết nắng nóng kéo dài, điện năng tiêu thụ của riêng điều hòa nhiệt độ trong gia đình có thể chiếm tới từ 60% đến 70% tổng số lượng điện năng tiêu thụ.
Ngoài việc sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ, người tiêu dùng chú ý không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn, để giảm nguy cơ quá tải cục bộ của lưới điện. Lựa chọn và sử dụng các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng, rút phích cắm khi không sử dụng thiết bị cũng góp phần hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến so với ngày thường. Trong tình hình diễn biến dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay thì các cơ quan y tế cũng khuyến cáo hạn chế dùng điều hòa không khí, thay vào đó cần mở cửa sổ, tăng cường sử dụng quạt để lưu thông không khí.
Theo PGS.TS Bùi Xuân Hồi, Giảng viên Kinh tế Công nghiệp, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, vào giờ cao điểm, nhu cầu sử dụng điện nhiều, hệ thống phải huy động hết hoặc gần hết công suất để đáp ứng. Ngành điện lực phải huy động nguồn từ nhiều nhà máy điện, thậm chí huy động cả nguồn điện chạy bằng dầu mức chi phí cao.
Hơn nữa, vào giờ cao điểm, giá bán điện có sự chênh lệch rất lớn so với giá bán điện giờ thấp điểm. Ví dụ, tại biểu giá bán lẻ điện kinh doanh, với mức điện áp dưới 6kV, giá bán điện vào giờ thấp điểm là 1.622 đồng/kWh thì giá cao điểm là 4.587 đồng/kWh. Như vậy, chi phí điện năng vào giờ cao điểm gấp 2,8 lần so với giá điện thấp điểm. Chính vì thế, các hộ kinh doanh, sản xuất nên hạn chế tiêu thụ điện năng vào giờ cao điểm để vừa tiết kiệm chi phí điện, vừa không gây lãng phí nguồn điện năng.
Nhiều nghiên cứu đánh giá đã chỉ ra rằng, Việt Nam có thể khai thác được nguồn công suất thủy điện vào khoảng 25.000 - 26.000 MW, tương ứng với khoảng 90 -100 tỉ kWh điện năng. Tuy nhiên, trên thực tế, tiềm năng về công suất thủy điện có thể khai thác còn nhiều hơn.Theo kinh nghiệm khai thác thủy điện trên thế giới, công suất thủy điện ở Việt Nam có thể khai thác trong tương lai có thể bằng từ 30.000 MW đến 38.000 MW và điện năng có thể khai thác được 100 - 110 tỉ kWh.
Các chuyên gia cho rằng, để phát triển thủy điện một cách bền vững, hạn chế đến mức thấp nhất những tác động xấu đến đời sống người dân và môi trường, những năm tới, cần cân nhắc, đánh giá kỹ càng về giá trị thực mà một dự án mang lại với mục tiêu ít phát thải khí nhà kính, hướng đến nền kinh tế xanh. Phát triển thủy điện cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ quá trình quy hoạch, thiết kế, xây dựng đến vận hành công trình. Các bộ, ngành phê duyệt tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ thi công thủy điện phải theo quy định của Nhà nước, lập quy trình và tiến hành kiểm tra an toàn hồ đập; đánh giá mức độ rủi ro khi tích nước và có biện pháp ứng phó.
Chủ đầu tư các công trình đập thủy điện cần bảo đảm có quy trình tích nước, xả lũ an toàn, đồng thời xây dựng kịch bản ứng phó thiên tai khi xảy ra sự cố.
Lan Anh
https://kinhtemoitruong.vn/nhieu-ho-thuy-dien-dang-gan-voi-muc-nuoc-chet-56998.html