Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc là ba quốc gia tham gia vào phần lớn dự án nhiệt điện than tại Việt Nam.
Giống như nhiều quốc gia đang phát triển khác phụ thuộc nhiều vào nhiệt điện than, ngành điện than của Việt Nam trông cậy rất lớn vào một số nguồn tài chính chủ yếu.
Thông qua các tổ chức tín dụng xuất khẩu và các ngân hàng chính sách, chính phủ Nhật Bản, Hàn Quốc, và Trung Quốc đã thực hiện cấp vốn tín dụng có kèm bảo lãnh chính phủ cho các dự án nhiệt điện than ở Việt Nam, thông qua đó hỗ trợ cho các nhà thầu và nhà cung cấp thiết bị của họ.
Nguồn tài chính công này là công cụ quan trọng giúp giảm thiểu rủi ro đầu tư, qua đó, hỗ trợ thu hút nguồn vốn thương mại mà các dự án này thường khó tiếp cận một cách độc lập.
Theo dữ liệu từ Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA), trong số 12 dự án nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam đã hoàn thành ký kết thoả thuận vay vốn trong giai đoạn 2015 – 2021, có tới 10 dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, bất kể chủ đầu tư và cơ cấu sở hữu của các dự án này như thế nào.
Đơn cử, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã rót vốn vào ba dự án BOT, bao gồm Nghi Sơn 2, Vân Phong 1, Vũng Áng 2 – thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Đồng thời, JBIC cũng là nhà tài trợ cho dự án mở rộng nhà máy điện Duyên Hải 3 và Vĩnh Tân 4 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Trong khi đó, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) rót vốn cho hai dự án BOT là Nghi Sơn 2 và Vũng Áng 2 có chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO). Ngoài ra, KEXIM cũng cấp gói tín dụng cho dự án nhà máy điện Sông Hậu 1 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Sự hiện diện của Hàn Quốc tại các dự án nhiệt điện than Việt Nam.
Mặc dù ít được nhắc đến hơn nhưng nguồn vốn từ phía Trung Quốc cũng giữ vai trò không kém quan trọng, đôi lúc là nguồn tài trợ cho các dự án không phải thuộc chủ đầu tư Trung Quốc.
Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã hỗ trợ cho vay các dự án BOT Hải Dương, Duyên Hải 2 và Nam Định 1, và dự án nhà máy điện độc lập An Khánh Bắc Giang.
Hàng loạt ngân hàng Trung Quốc cũng góp mặt trong dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3, theo dữ liệu từ Tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu (GEM). Tổ chức này cũng cho biết tính đến tháng 9/2021, Việt Nam là nước nhận đầu tư điện than từ Trung Quốc lớn thứ tư với tổng giá trị 5,6 tỷ USD.
“Việc phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài cho thấy các ngân hàng trong nước đã đóng vai trò rất hạn chế trong việc xây dựng các nhà máy điện than ở Việt Nam”, Thu Vũ, chuyên viên tài chính năng lượng của IEEFA trong báo cáo mới đây, nhận định.
Nguyên nhân đến từ việc các ngân hàng thường bị hạn chế về nguồn vốn dài hạn, lãi suất cho vay cao, và hạn mức cho vay thấp.
Trong một vài dự án có sự tham gia của ngân hàng trong nước, mà hầu hết là bốn ngân hàng quốc doanh, các tổ chức này thường phải hợp tác với nhau để đáp ứng các yêu cầu về hạn mức cho vay theo ngành, và hạn mức cho vay doanh nghiệp đơn lẻ.
Ví dụ, dự án mở rộng nhà máy Duyên Hải 3 công suất 660MW của EVN chỉ sử dụng 214 triệu USD nguồn vốn trong nước, bằng 1/5 tổng số vốn đầu tư dự án. Phần vốn còn lại được huy động từ JBIC và một liên danh các ngân hàng thương mại Nhật Bản.
Dự án điện than gần đây nhất của EVN, dự án nhà máy Quang Trạch 1 với công suất 1.200MW, đã đạt được thỏa thuận tài trợ vốn ngân hàng Vietcombank chỉ sau khi được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn hạn mức cho vay của ngân hàng với EVN và các đơn vị liên quan – hiện được giới hạn theo luật ở mức 25% vốn tự có của ngân hàng.
Các dự án điện than mới khó khả thi
Trong thời gian tới, ngành điện Việt Nam dự báo sẽ gặp nhiều trở ngại về nguồn vốn khi nguồn trong nước tiếp tục bị hạn chế, cùng với xu hướng dòng vốn cho nhiệt điện than toàn cầu suy giảm.
Chính phủ Nhật Bản, Hàn Quốc, và Trung Quốc nhiều năm qua đã nhận nhiều chỉ trích gay gắt từ các tổ chức tín dụng, các công ty quản lý tài sản quốc tế và các nhà hoạt động môi trường vì những thành tích nghèo nàn trong công cuộc bảo vệ khí hậu, trong khi vẫn hỗ trợ xây dựng các nhà máy điện than ô nhiễm tại các nước đang phát triển suốt thập kỷ qua, trong đó có Việt Nam.
Những áp lực nêu trên đã khiến các quan chức cấp cao như Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, thống đốc JBIC Maeda Tadashi, hay gần đây nhất là chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đưa ra tuyên bố sẽ ngừng tài trợ vốn cho các dự án điện than mới ở nước ngoài.
Theo sau đó, các bên liên quan tại các quốc gia này cũng có động thái tương tự.
Đơn cử, một số công ty thương mại và ngân hàng ở Nhật Bản đã bắt đầu rút khỏi lĩnh vực than, bao gồm Daiichi Life Insurance, Sumitomo Mitsui Financial Group, Marubeni Corporation, Mitsui &Co., và Mitsubishi Corporation.
Một số tổ chức tài chính tư nhân và công ty của Hàn Quốc cũng đã tuyên bố chấm dứt ủng hộ các dự án điện ở nước ngoài, bao gồm KB Financial Group, Shinhan, KEB Hana và Samsung.
Trong thời gian tới, các nhà máy nhiệt điện than sẽ gặp khó khăn về huy động tài chính do xu hướng rời bỏ điện than từ các quốc gia lớn.
Về phía Trung Quốc, mặc dù nội dung chi tiết vẫn còn chưa rõ ràng, tuyên bố mới nhất của ông Tập vẫn là một cam kết chính sách có ý nghĩa quan trọng, có khả năng định hướng hoạt động đầu tư tại Trung Quốc và trên toàn cầu.
Một số bằng chứng thực tế cho thấy các ngân hàng Trung Quốc đã bắt đầu chuyển hướng khỏi các dự án đầu tư vào ngành than, và chính quyền trung ương đang dồn sự tập trung vào các thị trường mới dành cho các nhà cung cấp thiết bị năng lượng tái tạo có giá thành rất cạnh tranh.
Dữ liệu tổng hợp cho thấy các hoạt động đầu tư vào ngành than và nhiệt điện than nước ngoài của Trung Quốc đã liên tục giảm từ năm 2015, và đặc biệt không có một khoản đầu tư đảng kể nào được thực hiện trong nửa đầu năm 2021.
Vào tháng 7 vừa qua, ngân hàng lớn nhất Trung Quốc là Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) đã tuyên bố rút khỏi dự án điện than trị giá 3 tỷ USD ở Zimbabwe, đánh dấu lần đầu tiên “một ngân hàng Trung Quốc chủ động rút lui khỏi một dự án điện than”.
Trong một tuyên bố trước công chúng, kinh tế trưởng của ngân hàng này cho biết ICBC sẽ “xây dựng một lộ trình và khung thời gian để dần thoái vốn khỏi các khoản đầu tư vào ngành than.
Chuyên gia Thu Vũ đánh giá: “Giới đầu tư toàn cầu đang theo dõi rất sát sao việc chính phủ các nước và các định chế tài chính sẽ thực thi các cam kết rút lui khỏi ngành than như thế nào”.
Ví dụ, bất kể một dấu hiệu nào cho thấy các tổ chức tài chính của Nhật Bản hay Hàn Quốc đang xem xét miễn áp dụng chính sách trên trong trường hợp các nhà máy nhiệt điện mới được trang bị công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon, có thể dễ dàng trở thành chủ đề tranh cãi.
Ngay cả khi điều này được cho phép, các nhà quản lý Việt Nam cũng nên lưu ý rằng các nhà máy điện than được trang bị công nghệ giúp giảm thiểu mức phát thải carbon ra môi trường chắc chắn sẽ có chi phí và rủi ro vận hành cao, dẫn tới mức giá bán điện cao, ngoài khả năng chi trả của EVN và người tiêu dùng Việt Nam.
https://theleader.vn/dien-than-viet-nam-nhan-tai-chinh-tu-dau-1633491637135.htm