Cơ hội việc làm từ công nghiệp năng lượng tái tạo

Theo Báo cáo hằng năm về năng lượng tái tạo và việc làm năm 2022 mới được Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) phối hợp Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thực hiện, số lượng việc làm trên toàn thế giới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã đạt 12,7 triệu vào năm 2021, tăng 700 nghìn việc làm mới chỉ trong 12 tháng, tiếp nối đà tăng trưởng mạnh mẽ trong 10 năm qua.

Các nữ công nhân xây dựng trên công trường điện gió ở Thái Lan. (Ảnh ADB)

Những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cực đoan trên toàn cầu đã cho thấy chi phí nặng nề của biến đổi khí hậu đối với tất cả mọi người, càng thôi thúc thế giới chuyển hướng sang năng lượng tái tạo, phát thải ít các-bon. Một quá trình chuyển đổi năng lượng thành công và công bằng cần bảo vệ những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất mà vẫn bảo đảm các hộ gia đình nghèo và nhóm dễ bị tổn thương của xã hội sẽ không mất khả năng chi trả cho năng lượng. Cơ hội việc làm từ tiến trình chuyển đổi từ các hệ thống năng lượng cũ sang năng lượng tái tạo thế hệ mới có thể giúp thế giới cân bằng lợi ích giữa các mục tiêu môi trường và phát triển kinh tế-xã hội.

Năng lượng mặt trời hiện là lĩnh vực phát triển nhanh nhất, tạo ra 4,3 triệu việc làm trong năm 2021 và chiếm hơn 1/3 lực lượng lao động toàn cầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Báo cáo chỉ ra, ngày càng nhiều quốc gia đang hưởng lợi từ những việc làm được tạo ra trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, dù cho đến nay, gần 2/3 số việc làm mới là ở châu Á. Theo thống kê, Trung Quốc chiếm khoảng 42% tổng sản lượng năng lượng tái tạo toàn cầu, tiếp theo sau là Liên minh châu Âu (EU) và Brazil mỗi nơi có 10%, trong khi hai nền kinh tế lớn là Mỹ và Ấn Độ chỉ chiếm 7% mỗi nước.

Trung Quốc là nhà sản xuất và lắp đặt các tấm pin mặt trời hàng đầu và nền kinh tế thứ 2 thế giới tạo ra ngày càng nhiều việc làm trong lĩnh vực năng lượng gió ngoài khơi, trong khi các quốc gia Đông Nam Á đang dần trở thành các trung tâm sản xuất điện mặt trời và nhiên liệu sinh học quy mô lớn. Ở Ấn Độ, năng lượng mặt trời hiện cung cấp hơn 10 gigawatts điện tái tạo, tạo ra nhiều công việc lắp đặt, song ngành sản xuất nước này chưa thật sự phát triển do phụ thuộc nhiều vào các tấm pin nhập khẩu. Trong khi đó, châu Âu hiện chiếm khoảng 40% sản lượng điện gió toàn cầu và là nhà xuất khẩu thiết bị điện gió lớn nhất, đồng thời, khu vực này cũng đang cố gắng phục hồi ngành sản xuất điện mặt trời.

Vai trò của châu Phi trong ngành năng lượng tái tạo toàn cầu tuy còn hạn chế, song báo cáo chỉ ra, nền công nghiệp năng lượng tái tạo phi tập trung vẫn tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho châu lục này. Còn ở châu Mỹ, Mexico đang nổi lên là nhà cung cấp cánh tua-bin gió hàng đầu thế giới, trong khi Brazil là nhà tuyển dụng lao động lớn trong lĩnh vực nhiên liệu sinh học và cũng đang tạo ra thêm nhiều việc làm liên quan lắp đặt điện gió và năng lượng mặt trời. Mỹ cũng đã bắt đầu xây dựng các cơ sở sản xuất công nghiệp trong nước phục vụ ngành điện gió ngoài khơi mới chớm nở.

Với những lo ngại gia tăng về biến đổi khí hậu, gián đoạn chuỗi cung ứng và tiến trình phục hồi từ đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia đang đẩy mạnh tạo việc làm cho thị trường lao động trong nước, tập trung vào các chuỗi cung ứng địa phương. Theo Báo cáo, các thị trường nội địa mạnh mẽ chính là chìa khóa để duy trì động lực hướng tới công nghiệp hóa năng lượng sạch và tăng cường khả năng xuất khẩu công nghệ năng lượng xanh.

Trong báo cáo, Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder (G.Rai-đơ) chỉ ra, bên cạnh những con số thống kê ấn tượng về số lượng việc làm được tạo ra, thì chất lượng việc làm và điều kiện làm việc trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng cần được chú trọng. Nổi bật là tỷ lệ việc làm dành cho nữ giới ngày càng tăng, cho thấy các chính sách và chương trình đào tạo chuyên sâu có thể thúc đẩy đáng kể sự tham gia và hoà nhập của phụ nữ vào các ngành năng lượng tái tạo, hướng tới mục tiêu chuyển đổi năng lượng công bằng hơn.

Theo IRENA, về dài hạn, các nước cần đầu tư trung bình 210 tỷ USD/năm vào năng lượng tái tạo, hiệu suất năng lượng và để phát triển công nghệ, cơ sở hạ tầng trong giai đoạn từ nay đến năm 2050, góp phần hạn chế tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Trần Duy

https://nhandan.vn/co-hoi-viec-lam-tu-cong-nghiep-nang-luong-tai-tao-post718140.html