Biến đổi khí hậu đe dọa loài chim nhạn Bắc Cực

Một dấu hiệu chắc chắn mùa xuân sẽ đến ở Bắc Âu là sự xuất hiện của chim nhạn Bắc Cực, nhưng các chuyên gia đang lo ngại sự ấm lên của các đại dương trong khu vực làm tổ của chim nhạn ở bắc Đại Tây Dương đang đe dọa sự tồn tại của chúng.

 

Nhạn biển Bắc Cực làm tổ tại Jökulsárlón ở Iceland. (Ảnh: Jakub Fryš)

Nhạn biển Bắc Cực dành phần lớn thời gian trong năm để di chuyển, với thời gian dài trên đại dương. Khu vực sinh sản của nó bao gồm cả vùng cực bắc và nam. Ở châu Âu, trong những tháng mùa hè, loài chim này có thể xuất hiện từ Brittany ở phía Nam đến Iceland, Greenland và Svalbard ở phía bắc.

Vào mùa thu, những con nhạn biển đi về hướng Nam theo hướng Nam Cực, nơi chúng ở trong mùa Đông phương Bắc. Guðmundur A. Guðmundsson, nhà sinh thái học động vật tại Viện Lịch sử Tự nhiên ở Iceland cho biết: “Khi nhạn biển đến Nam Cực, chúng ở gần vành băng và di chuyển dần về phía Đông. Những con chim ở Thụy Điển và Hà Lan đi về phía Australia, nhưng những con chim Iceland và Greenland quay trở lại biển Weddell ở Nam Bắc Cực sớm hơn. Từ đó, chúng bay về phía Bắc vào tháng 3 và 1,5 tháng sau, chúng mới đến Iceland”.


Nhạn biển Bắc Cực bảo vệ con một cách quyết liệt. (Ảnh: Andreas Weith)

Ông Guðmundsson lo ngại về sự suy giảm số lượng nhạn biển của Iceland - hiện đang ở mức khoảng 250.000 cặp làm tổ - trong vài thập kỷ qua và ông cho rằng biến đổi khí hậu là “thủ phạm” cho sự suy giảm này.

Mặc dù loài chim nhạn này không có nguy cơ tuyệt chủng trong thời gian ngắn nhưng nó đã gây lo ngại khi có thể lọt vào danh sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) về các loài bị đe dọa. Bà Inger Andersen, Giám đốc Điều hành của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho biết, các loài chim di cư có “vị trí đầu tiên về số loài bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm”.

“Biến đổi khí hậu đang thay đổi và làm xáo trộn mô hình di cư của các loài chim. Sự tàn phá của thế giới tự nhiên đe dọa những loài thụ phấn này trong khi những loài này rất quan trọng đối với an ninh lương thực. Ngoài ra, ô nhiễm không khí cũng rất nguy hiểm đối với các loài chim di cư”, bà Andersen nhấn mạnh.

Mai Đan KTMT