Phân tích mới nhất của các nhà khoa học cho thấy, sự tan chảy của băng vùng cực không những làm thay đổi mực nước của các đại dương, mà nó còn khiến lớp vỏ Trái Đất biến dạng.
Nghiên cứu mới do Sophie Coulson và các đồng nghiệp tiến hành được đăng trên tạp chí Geophysical Research Letters. Theo đó, băng tại Greenland, Nam Cực và các quần đảo Bắc Cực tan chảy sẽ khiến lớp vỏ Trái Đất bên dưới những khối đất này sẽ bị cong vênh, một tác động có thể đo được cách đó hàng trăm và có lẽ hàng nghìn dặm.
Hiện Coulson đang tiếp tục nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos ở New Mexico. Cô là thành viên của một tổ chức khí hậu chuyên dự đoán về thềm băng và động lực học đại dương.
Sự tan chảy của băng vùng cực sẽ khiến lớp vỏ Trái Đất biến dạng. (Ảnh minh họa)
Bằng cách phân tích dữ liệu vệ tinh về băng tan chảy từ năm 2003 đến năm 2018 và nghiên cứu những thay đổi của lớp vỏ Trái Đất, Coulson và các đồng nghiệp của mình có thể đo được sự dịch chuyển của lớp vỏ theo chiều ngang. Qua đó, họ đã phát hiện ra rằng ở một số nơi, lớp vỏ di chuyển theo chiều ngang nhiều hơn theo chiều hướng lên. Ngoài ra, nghiên cứu này cũng cung cấp một phương pháp mới tiềm năng để theo dõi sự thay đổi của khối lượng băng hiện tại.
Để hiểu rõ tác động của băng tan ảnh hưởng tới lớp đất bên dưới, Coulson đề xuất về hệ thống ở quy mô nhỏ hơn: "Hãy nghĩ tới tấm ván gỗ trôi nổi trên mặt bồn nước. Khi bạn ấn tấm ván xuống, nước bên dưới sẽ tràn ra. Nếu bạn nhấc tấm ván lên, bạn sẽ thấy nước dịch chuyển theo phương thẳng đứng để lấp đầy khoảng trống đó”.
Những chuyển động này có tác động đến sự tan chảy tiếp tục của các khối băng. Ở một số vùng của Nam Cực, sự phục hồi của lớp vỏ đang làm thay đổi độ dốc của các tầng đá gốc dưới lớp băng.
Glenn Antony Milne, giáo sư Khoa học Trái Đất và Môi trường tại Đại học Ottawa, giải thích rằng việc hiểu rõ ảnh hưởng của băng tan sẽ làm sáng tỏ tất cả các nghiên cứu về lớp vỏ hành tinh. Trong đó, để quan sát chính xác chuyển động kiến tạo và hoạt động động đất, giới chuyên gia cần phân biệt chuyển động tạo bởi sự thất thoát khối lượng băng.
Ông cho rằng đây là công trình quan trọng cho thấy sự tan chảy nhanh chóng gần đây của các tảng băng và sông băng gây ra chuyển động 3D của bề mặt Trái Đất lớn hơn về độ lớn và phạm vi không gian, so với nhận định trước đây. Ngoài ra, người ta có thể tìm kiếm tín hiệu này trong các bộ dữ liệu của hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu quy mô lớn hơn và theo khu vực. Để từ đó về nguyên tắc sẽ tạo ra các hạn chế nhằm cải thiện sự phân bố từ các dao động của khối lượng băng và cấu trúc rắn của lớp vỏ Trái Đất".
Lan Anh
https://kinhtemoitruong.vn/bang-tan-chay-lam-bien-dang-vo-trai-dat-va-nhung-nguy-co-voi-loai-nguoi-59801.html