Kiến tạo môi trường sống xanh và thông minh

Viện Kiến trúc quốc gia vừa phối hợp tổ chức hội thảo “Kiến tạo môi trường sống xanh và thông minh cho con người”. Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2022 do Bộ Xây dựng phát động.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) Nguyễn Công Thịnh chia sẻ bức tranh tổng thể trong phát triển công trình xanh, tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam và thế giới, nhấn mạnh vào các tác động, nội hàm và mục tiêu được thể hiện rất cụ thể, đặc biệt là các văn bản pháp quy ở cấp Chính phủ.

Cụ thể, Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 đã sửa khoản 4 Điều 10, trong đó đưa ra nguyên tắc về công trình sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên, đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, khẳng định bước tiến rõ nét trong phát triển công trình xanh: “Nhà nước có chính sách khuyến khích nghiên cứu, áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đầu tư xây dựng; hoạt động đầu tư, chứng nhận công trình xây dựng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường; phát triển đô thị sinh thái, đô thị thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Thịnh cho biết, thế giới đã tiến đến công trình phát thải thấp, công trình cân bằng năng lượng và hiện nay là công trình phát thải ròng bằng 0. Trong khi đó, Việt Nam chưa có công trình phát thải ròng bằng 0 và đang phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2050 đạt phát thải ròng bằng 0.

Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa có định nghĩa về phát thải ròng bằng 0. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hệ thống định mức, đơn giá cũng chưa có. Do đó, việc thực hiện càng trở nên khó khăn hơn và cần thiết có sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan.

Thúc đẩy phát triển công trình xanh, tiết kiệm năng lượng nhằm tạo môi trường sống thông minh cho con người

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thùy Dung, Phó trưởng Phòng Đào tạo và hợp tác quốc tế, Viện Kiến trúc quốc gia đã chia sẻ kết quả xây dựng công trình xanh của một số quốc gia trong khu vực, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Theo đó, 10 năm trước, Singapore chỉ đặt mục tiêu 80% công trình đạt chứng nhận xanh vào năm 2030. Nhưng đến nay, quốc gia này đã có hơn 4.000 công trình xanh được cấp chứng nhận và đang có nhiều mục tiêu khác xanh hơn. Malaysia và Thái Lan cũng đạt khoảng 400 – 500 công trình xanh trong 10 năm qua.

Để đạt được kết quả này, mỗi quốc gia đều quy định những chính sách mang tính khuyến khích hoặc các điều kiện bắt buộc liên quan đến chính sách thuế, giấy phép xây dựng để nâng cao nhận thức của nhà đầu tư, người sử dụng công trình xanh.

Bà Nguyễn Thùy Dung đề cập đến chi phí đầu tư xây dựng công trình xanh và khẳng định, so với công trình xây dựng thông thường, chi phí cho công trình xanh không quá vượt trội. Cụ thể, để đạt chứng chỉ VGBC hạng cao nhất tại Việt Nam cũng chỉ chênh khoảng 10%, đối với các chứng nhận khác là dưới 10%. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng và phát triển công trình xanh vẫn cần những chính sách sách rõ nét hơn, đặc biệt là các chính sách ưu đãi.

Tại hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ những nội dung về thiết kế kiến trúc sử dụng các loại vật liệu thân thiện môi trường; thiết kế nội thất phù hợp với xu hướng nhà thông minh; công nghệ xử lý khí cho tòa nhà nhằm đảm bảo chất lượng môi trường sống và sức khỏe cho người sử dụng.

Thanh Trúc (t/h)

Nguồn:Kiến tạo môi trường sống xanh và thông minh (nangluongsachvietnam.vn)