Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban thành Thông báo số 199/TB-VPCP
truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại
cuộc họp về đề nghị ban hành chính sách ưu đãi giá điện tại các trụ sạc
xe điện.
Thông
báo kết luận nêu rõ việc chuyển đổi sang phát triển kinh tế xanh là xu
thế tất yếu và là mục tiêu mà Việt Nam đang hướng đến nhằm thực hiện
định hướng phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng,
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược
phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; đồng thời tạo cơ hội để
Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng
xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển mới của thế giới.
Để hiện thực hóa các cam kết quốc tế về
chuyển đổi năng lượng xanh và các quy định của pháp luật về thúc đẩy các
mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh (Luật Bảo vệ môi trường năm
2020), cần thiết phải có đánh giá tổng thể về các chính sách ưu đãi, hỗ
trợ hiện hành liên quan đến khuyến khích chuyển đổi xanh trong giao
thông (chính sách về thuế, phí, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, sử
dụng các khu vực công cộng...).
Trong đó, cần đặc biệt lưu ý đối với việc
khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông chạy bằng nhiên liệu hóa
thạch sang phương tiện giao thông chạy bằng điện và các loại năng lượng
sạch khác.
Khuyến khích chuyển đổi phương tiện
giao thông chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện giao thông
chạy bằng điện và các loại năng lượng sạch khác
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao
thông vận tải chủ trì cùng với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài
chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp
và các cơ quan liên quan nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, phân tích toàn
diện các khía cạnh, đánh giá đầy đủ tác động, làm rõ cơ sở pháp lý,
chính trị, bảo đảm mang tính nhất quán trong triển khai thực hiện chủ
trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trên cơ sở đó đề
xuất các chính sách hỗ trợ đồng bộ, khả thi có thể triển khai ngay gắn
với thời hạn áp dụng cụ thể và phù hợp với các quy định trong các Hiệp
định thương mại tự do mà Việt Nam đã cam kết thực hiện để báo cáo Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chậm nhất trong tháng
7/2023.
Trong đó, tập trung nghiên cứu, đánh giá
tổng thể từ vấn đề nhập khẩu, sản xuất ô tô điện, vấn đề hạ tầng chuyển
đổi, đến các chính sách đối với người sử dụng phương tiện... để đề xuất
các chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích người sản xuất, người tiêu dùng
(bao gồm tổ chức và cá nhân) trong việc chuyển đổi sang sử dụng ô tô
điện và các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường trong nước;
thúc đẩy xã hội hóa trong đầu tư xây dựng các kết cấu hạ tầng cho
phương tiện giao thông thân thiện với môi trường (các trạm sạc, trụ sạc
xe điện...).
Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải cần ban
hành những quy hoạch, tiêu chí, quy chuẩn, tiêu chuẩn để triển khai
thực hiện việc đầu tư các hạ tầng công cộng phục vụ xe điện và phương
tiện giao thông thân thiện với môi trường khác ở các đô thị, đồng thời
hướng dẫn các địa phương trong việc quy hoạch hạ tầng công cộng đảm bảo
phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn, hoàn thành trong tháng
7/2023.
Nhã Quyên
Nguồn:https://nangluongsachvietnam.vn/d6/vi-VN/news/Khuyen-khich-chuyen-doi-sang-phuong-tien-giao-thong-than-thien-voi-moi-truong-6-18-21088