Sau thời gian dài "đóng cửa" vì dịch Covid-19, du lịch đồng bằng sông Cửu Long vừa đón khách trở lại nhưng đã xuất hiện nhiều hình ảnh không đẹp, như: bán vé hoạt động khu du lịch "chui"; tự ý tăng giá vé, ép du khách mua vé tham quan; xâm hại di tích lịch sử quốc gia... Thực tế này rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để lập lại trật tự, giữ cho môi trường du lịch lành mạnh, thân thiện.
Du khách đi xuồng xuyên qua rừng tràm Trà Sư để hòa mình vào thiên nhiên thơ mộng.
Huyện Phong Ðiền, thành phố Cần Thơ nổi tiếng về loại hình du lịch sinh thái miệt vườn với hàng chục khu, điểm du lịch lớn nhỏ. Tại các làng du lịch Ông Ðề, Mỹ Khánh có đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo cảnh quan, phim trường để du khách tham quan check-in, chụp ảnh lưu niệm và các trò chơi dân gian để du khách tham gia trải nghiệm.
Việc bán vé vào cổng được đăng ký với ngành chức năng và chính quyền địa phương, niêm yết giá người lớn, trẻ em rõ ràng, được du khách đồng tình ủng hộ. Trong khi đó, tại một số điểm khác chỉ cải tạo vườn cây ăn trái, dựng thêm các tum, chòi lá để bán thức ăn, rượu bia cho khách chứ không có đầu tư cũng như đăng ký hoạt động hợp pháp với cơ quan quản lý nhà nước, thế nhưng, hầu hết du khách khi đặt tiệc ăn uống tại các vườn sinh thái này đều bị ép buộc mua vé tham quan vườn trái cây, mặc cho cây có trái hay không. Ðáng nói là, nhiều nơi chỉ thu tiền mặt không hề xé vé, không có bảng giá niêm yết công khai.
Trước đó, tại Lễ hội đờn ca tài tử quốc gia lần thứ 3 diễn ra ở thành phố Cần Thơ từ ngày 7 đến 11/4, anh Lê Quốc Khánh, thành viên đoàn nghệ thuật đến từ Hà Nội tham gia biểu diễn tại lễ hội đã bức xúc về việc lái tàu du lịch sách nhiễu, ép buộc phải mua vé tham quan vườn trái cây Bà Hiệp ở huyện Phong Ðiền. Khi thấy trong vườn có rất ít trái cây, đồng thời thấy việc tham quan này là không đúng với thỏa thuận ban đầu, anh Khánh và đoàn không đồng ý vào tham quan, yêu cầu lái tàu chở đi điểm khác nhưng liền bị lái tàu lớn tiếng đe dọa...
Thời gian gần đây, từ dư luận phản ánh, cơ quan chức năng tỉnh An Giang đã vào cuộc làm rõ nhiều sai phạm của Công ty cổ phần Du lịch An Giang thuộc Tập đoàn Sao Mai, như đã tự ý mở cửa hoạt động, bán vé tham quan Khu du lịch điện mặt trời An Hảo với giá cao và liên tục tăng giá trong khi chưa đáp ứng yêu cầu về thủ tục pháp lý. Ngoài ra, Công ty cổ phần Du lịch An Giang còn tự ý cắt đá, mở rộng lối đi, phá vỡ nguyên trạng các hang động trong di tích lịch sử quốc gia Ðồi Tức Dụp. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang đã yêu cầu phải sửa chữa, khắc phục...
Cả nước, đặc biệt đồng bằng sông Cửu Long vừa trải qua đại dịch Covid-19, thiệt hại nặng nề về kinh tế, trong đó có ngành công nghiệp không khói là du lịch. Trong bối cảnh từ Trung ương đến địa phương đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước thì lại xuất hiện những cách làm du lịch thiếu chuyên nghiệp. Thiết nghĩ, cơ quan quản lý du lịch, chính quyền các tỉnh, thành phố, địa phương cần tổ chức kiểm tra các hoạt động du lịch, điểm du lịch tự phát, không đủ điều kiện, không đăng ký hoạt động kinh doanh để chấn chỉnh kịp thời.
Ðối với khu, điểm di tích giao cho doanh nghiệp đầu tư khai thác càng cần tăng cường giám sát, kiểm tra và có sự tham gia của giới chuyên môn để tránh làm thay đổi giá trị văn hóa, lịch sử. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tổ chức tập huấn nghiệp vụ và kiến thức cơ bản cho những người làm du lịch và các dịch vụ có liên quan để hướng đến chuyên nghiệp; đồng thời, phải có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe để giữ môi trường du lịch lành mạnh, thân thiện và đúng giá trị văn hóa vốn có.
QUỐC DŨNG
https://nhandan.vn/cung-suy-ngam/giu-moi-truong-du-lich-lanh-manh-than-thien-694405/