Hệ thống lưới chắn rác dài 800 m để thu gom rác thải nhựa sẽ được thử nghiệm trên biển quanh đảo rác Thái Bình Dương. Đây là hệ thống quy mô lớn đầu tiên của Ocean Cleanup Project.
Ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra đã trở thành vấn nạn toàn cầu, không phải của riêng bất cứ quốc gia nào và được xem là thách thức môi trường lớn thứ 2 thế giới, sau biến đổi khí hậu.
Mang tên Jenny, thiết kế mới bao gồm lưới chắn rác dài 800 m sẽ được kéo bằng tàu thuyền có người lái để thu gom rác thải nhựa trôi nổi trên biển quanh đảo rác Thái Bình Dương. Đây là hệ thống quy mô lớn đầu tiên của Ocean Cleanup Project.
Theo đó, hệ thống này được triển khai ở đảo rác Thái Bình Dương trong tuần này và sẽ trải qua hơn 70 thử nghiệm riêng biệt trong 60 tuần tới. Thông qua những thử nghiệm này, nhóm nghiên cứu lên kế hoạch đánh giá hiệu quả của thiết kế, chứng minh hệ thống ít tác động tới môi trường và có thể giảm lượng lớn rác thải nhựa. Họ đặt mục tiêu giảm 90% rác thải nhựa vào năm 2040.
Hệ thống lưới chắn thu gom rác thải nhựa trên đảo rác Thái Bình Dương. (Ảnh: Ocean Cleanup Project)
Trước đó, vào năm 2013, tổ chức phi lợi nhuận The Ocean Cleanup được thành lập với mục đích thu gom rác thải nhựa ở Great Pacific Garbage Patch. Đây là một vùng xoáy vòng đầy rác thải bị kẹt giữa các dòng chảy đại dương ở trung tâm Bắc Thái Bình Dương, nằm giữa Hawaii và California (Mỹ), có diện tích lớn hơn hai lần diện tích bang Texas, Mỹ.
Từ lần đầu tiên đề xuất ý tưởng dọn rác thải nhựa trên biển vào năm 2013, Ocean Cleanup Project đã nhiều lần cải tiến thiết kế của lưới ngăn rác. Thiết kế mới có thể là thay đổi lớn nhất từ trước tới nay khi các kỹ sư chuyển từ cách gom rác bị động dựa vào lực đẩy của dòng nước sang sử dụng lực đẩy chủ động hiệu quả hơn nhiều.
Ý tưởng ban đầu phía sau hệ thống của Ocean Cleanup Project là neo lưới chắn rác hình chữ U xuống đáy biển, tận dụng dòng hải lưu để thu thập rác thải nhựa bị cuốn ra biển. Những phiên bản sau đó trôi nổi tự do và hoạt động nhờ dòng hải lưu, sóng và gió, rác thải nhựa sẽ được thu gom khi lưới chắn dịch chuyển trong nước.
Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm phương pháp trên ở đảo rác Thái Bình Dương cho thấy thiết kế không hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hệ thống gặp nhiều khó khăn để duy trì tốc độ cần thiết nhằm thu thập rác. Vì vậy, nhóm nghiên cứu thu hồi hệ thống và nâng cấp chiếc dù khổng lồ được thiết kế để làm chậm tốc độ lưới chắn và duy trì vận tốc ổn định, rác thải nhựa di chuyển nhanh hơn sẽ dạt vào khoảng trống, lưu lại trong lưới.
Trong thiết kế mới đây, nhóm nghiên cứu sử dụng tàu thuyền có người lái ở cả hai đầu của lưới chắn hình chữ U để kéo hệ thống qua mặt nước ở tốc độ ổn định 2,8 km/h. Mục đích nhằm dẫn rác thải nhựa đã gom vào vùng lưu giữ ở cuối lưới và tập trung vào khu vực có mật độ rác cao. Thiết kế này cũng khả thi về mặt thương mại hơn do có thể tăng quy mô.
Thùy Linh (T/h)
https://kinhtemoitruong.vn/giam-o-nhiem-dai-duong-nho-he-thong-luoi-chan-thu-gom-rac-moi-58476.html