Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) vừa tổ chức Hội nghị Kỹ thuật – An toàn năm 2022 tại TP Cần Thơ.
Theo báo cáo về công tác quản lý kỹ thuật, công tác an toàn năm 2021 và 6 tháng năm 2022 của EVNNPT, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động sản xuất và đầu tư xây dựng cũng như đời sống cán bộ công nhân viên song cán bộ công nhân viên EVNNPT đã đoàn kết, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành kế hoạch năm 2021 và từng bước hoàn thành kế hoạch năm 2022. Lưới điện truyền tải cơ bản vận hành an toàn, tin cậy, đảm bảo cung cấp điện ổn định, đáp ứng được nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước.
Hội nghị Kỹ thuật – An toàn năm 2022 của EVNNPT
Tại hội nghị, Tổng giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú cho biết: Báo cáo Hội nghị chuyên đề đã nêu bật được những thành tựu mà EVNNPT đạt được trong công tác quản lý kỹ thuật và công tác an toàn như: sản lượng điện truyền tải năm 2021 đạt 200,8 tỷ kWh, tăng 2% so với năm 2020, 6 tháng đầu năm 2022 đạt 104,7 tỷ kWh, tăng 2% so với cùng kỳ 2021. Sự cố lưới điện truyền tải năm 2021 đã giảm rõ rệt so với năm 2020 (giảm 58 vụ năm 2021), giảm 1 vụ so với cùng kỳ năm 2021; chuyển thao tác xa 110/142 TBA 220 kV sang chế độ thao tác xa, đạt 77,5%.
EVNNPT áp dụng nhiều ứng dụng như phần mềm quản lý TBA, đường dây; phần mềm quản lý thí nghiệm; ứng dụng TBA số; ứng dụng UAV/Flycam, camera/camera AI, thiết bị giám sát dầu online, thiết bị lọc dầu online, trang bị định vị sự cố. EVNNPT hoàn thành các chỉ tiêu về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, quản lý hành lang an toàn lưới điện cao áp, công tác môi trường và an toàn trong đầu tư xây dựng.
Tuy vậy, năm 2021 tại EVNNPT còn xảy ra sự cố có nguyên nhân chủ quan. Sau những sự cố trên, lãnh đạo Tổng công ty và các đơn vị đã rút kinh nghiệm sâu sắc và quán triệt toàn Tổng công ty tăng cường thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo an toàn.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, báo cáo cũng đã chỉ ra những tồn tại, khó khăn và thách thức như: Về tính bất định của phương thức huy động nguồn; về chất lượng thiết bị; dòng ngắn mạch tăng cao; về chất lượng và tiến độ các dự án đầu tư; về định mức lao động và chất lượng nguồn nhân lực; nguy cơ xảy ra sự cố chủ quan; khối lượng lớn đường dây và TBA, đi qua nhiều địa hình, dân cư khác nhau, khối lượng công việc ngày càng nhiều, áp lực lớn, yêu cầu cung cấp điện ngày càng cao nên khó cắt điện, thi công ban đêm, cộng với điều kiện các đường dây truyền tải nhiều mạch, cột cao nên các nguy cơ mất an toàn đối với người lao động vẫn luôn tồn tại, và ảnh hưởng tới sức khoẻ của người lao động…
Với tinh thần nghiêm túc, nhìn thẳng vào sự thật, các báo cáo, tham luận, thảo luận đã đi sâu vào từng lĩnh vực, các giải pháp nhằm đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy lưới điện truyền tải, nhằm nâng cao chất lượng công tác an toàn trong EVNNPT, đảm bảo ngày càng an toàn trong sản xuất, an toàn tuyệt đối cho người lao động. Tham luận của các đơn vị đã tập trung phân tích, đánh giá các giải pháp ngăn ngừa, giảm sự cố lưới điện truyền tải; các ứng dụng khoa học công nghệ và bước đầu chuyển đổi số trong công tác quản lý vận hành; công tác đào tạo, bồi huấn, sát hạch cấp thẻ an toàn điện; chế tài xử lý người lao động vi phạm quy định, quy trình về an toàn, công tác trang bị; công tác kiểm định an toàn thiết bị, dụng cụ…
Giám đốc các Công ty Truyền tải điện 1, 2, 3, 4 và Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện ký cam kết đảm bảo an toàn lao động và hoàn thành các chỉ tiêu kỹ thuật
Tham dự hội nghị, ông Phạm Trọng Thực, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp ghi nhận và đánh giá cao EVNNPT đã đạt được kết quả ấn tương trong kỹ thuật – an toàn. Đến nay, lưới truyền tải điện quốc gia đã có mặt ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước và kết nối với lưới truyền tải điện của các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc. EVNNPT sử dụng công nghệ ngày càng hiện đại như đường dây nhiều mạch, nhiều cấp điện áp, cáp ngầm 220 kV, TBA GIS 220 kV, TBA không người trực, TBA số, hệ thống điều khiển tích hợp bằng máy tính, thiết bị định vị sự cố, giám sát nhiệt động đường dây, giám sát dầu online, hệ thống SCADA...
Việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong công tác quản lý vận hành đang được triển khai mạnh mẽ. Nhờ đó, trong những năm qua, EVNNPT đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo vận hành an toàn, ổn định lưới truyền tải điện quốc gia và hoàn thành tốt các nhiệm vụ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao.
Ông Phạm Trọng Thực cũng chỉ ra một số khó khăn thách thức trong vận hành hệ thống điện, an toàn hệ thống điện, trong thời gian tới nhu cầu đấu nối với lưới truyền tải điện quốc gia của các nguồn năng lượng tái tạo phát triển nhanh chóng... Chính vì vậy đòi hỏi EVNNPT cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý kỹ thuật – an toàn, chuyển đổi số để hoàn thành các nhiệm vụ EVN giao và đáp ứng nhu cầu phát triển của EVNNPT...
Chủ tịch HĐTV EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng khẳng định: EVNNPT luôn coi việc đảm bảo chất lượng công tác quản lý kỹ thuật, an toàn là nhiệm vụ hàng đầu nhằm hoàn thành tốt sứ mệnh đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam.
Tại hội nghị, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia đã tổ chức trao bằng khen của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giấy khen của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), giấy khen của EVNNPT về công tác kỹ thuật và an toàn trong năm 2020 và 2021 cho các tập thể và cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Xuân Tiến
https://nangluongsachvietnam.vn/d6/vi-VN/news/EVNNPT-dam-bao-van-hanh-an-toan-on-dinh-luoi-dien-truyen-tai-6-166-17306