Cần 167 tỷ USD đầu tư hàng năm để "xanh hóa" hệ thống điện

Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam (EOR21) do Cục Năng lượng Đan Mạch, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cùng Đại sứ quán Đan Mạch thực hiện đã đưa ra một loạt các khuyến nghị về phát triển của hệ thống năng lượng Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và dân số, nhu cầu năng lượng sẽ gia tăng trong giai đoạn sắp tới.

Nhà máy điện gió kết hợp điện mặt trời ở Ninh Thuận.

Để hướng tới mục tiêu trên, đội ngũ chuyên gia, nhà quản lý của các cơ quan này cũng đưa ra khuyến cáo, Việt Nam cần hành động sớm để mức phát thải đạt đỉnh không muộn hơn năm 2035 nhằm tránh chi phí quá cao. Cụ thể, để đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 với chi phí thấp nhất, nguồn điện từ năng lượng tái tạo cần phải là nguồn thay thế chính cho nhiên liệu hóa thạch một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua sản xuất nhiên liệu điện phân. Hệ thống điện sạch này cần đáp ứng 70% nhu cầu năng lượng vào năm 2050. Các nguồn năng lượng tái tạo chính là điện mặt trời chiếm 75% và điện gió chiếm khoảng 21%.

Mặt khác, quá trình chuyển đổi xanh của hệ thống điện sẽ cần rất nhiều vốn với mức đầu tư hàng năm có thể lên đến 167 tỷ USD vào năm 2050 đối với kịch bản phát thải ròng bằng không. Con số này tương đương với 11% GDP dự kiến năm 2050 của Việt Nam. Chi phí hệ thống điện sẽ dịch chuyển theo hướng giảm chi phí nhiên liệu và tăng chi phí đầu tư. Trong đó chi phí đầu tư xây dựng cơ bản chiếm khoảng 50% tổng chi phí hệ thống điện vào năm 2030  và sẽ tăng lên đến 90% tổng chi phí hệ thống điện để đạt mục tiêu đưa phát thải bằng không vào năm 2050.

Vì vậy, việc tiếp cận được với các giải pháp tài chính có chi phí thấp là hết sức cần thiết. Cùng lúc, Việt Nam cần ngừng quy hoạch xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới và cải tạo các nhà máy đang vận hành để tăng mức độ linh hoạt cũng như hỗ trợ tích hợp hiệu quả hơn các nguồn năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo cần hạn chế xây mới các nhà máy nhiệt điện khí và LNG do công suất 25 GW theo quy hoạch hiện tại đã là quá đủ để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu về giảm phát thải này, hệ thống lưu trữ năng lượng sẽ đóng vai trò quan trọng, nhưng chỉ sau năm 2030, pin lưu trữ năng lượng mới thực sự cần thiết và hiệu quả về chi phí. Pin lưu trữ hiện nay vẫn có chi phí đắt đỏ và chưa cần thiết trong giai đoạn ngắn hạn do các nhà máy thủy điện và nhiệt điện đang vận hành có thể cung cấp dịch vụ cân bằng cho hệ thống điện. Trong 10 năm tới, việc củng cố công suất truyền tải là thực sự cấp thiết, đặc biệt là nhằm kết nối các nguồn năng lượng tái tạo ở miền Nam với nhu cầu điện ở miền Bắc.

"Sớm hành động để chuyển đổi nhiên liệu và điện khí hóa lĩnh vực giao thông vận tải" cũng là vấn đề được nêu ra trong EOR21. Bởi điều này sẽ mang lại lợi ích kép khi vừa giảm ô nhiễm không khí và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu…

Đ.Thắng

https://cand.com.vn/kinh-te/can-167-ty-usd-dau-tu-hang-nam-de-xanh-hoa-he-thong-dien-i657449/