Ngày 25/11, tại Hà Nội, Báo Tài nguyên và Môi trường và Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai Hoạt động trồng cây để trung hòa Carbon hướng đến Net Zero giai đoạn 2023 – 2027. Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành tới dự và phát biểu tại buổi Lễ.
Cùng dự buổi lễ có ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện một số doanh nghiệp; phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.
Về phía Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk có ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc Điều hành Sản xuất; ông Đỗ Thanh Tuấn, Giám đốc Đối ngoại; bà Lê Thanh Lan Anh, Trưởng Bộ phận Truyền thông Doanh nghiệp và ông Vũ Đức Thăng, Trưởng Ban Đối ngoại.
Hoạt động trồng cây để trung hòa Carbon hướng đến Net Zero giai đoạn 2023 – 2027 giữa Báo Tài nguyên và Môi trường và Công ty Vinamilk nhằm hưởng ứng và mong muốn đồng hành cùng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, góp phần giảm tác động của biến đổi khí hậu, giảm và cân bằng carbon trong không khí, tăng độ che phủ rừng trên cả nước và hỗ trợ tạo sinh kế cho người dân.
Ngoài trồng cây, hai bên sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động bên lề khác nhằm truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, về tầm quan trọng của cây xanh trong việc giảm thiểu lượng khí CO2 trong khí quyển, từ đó, thay đổi hành vi, thói quen tiêu dùng, ứng xử thân thiện với môi trường, sống xanh và chan hòa với thiên nhiên, vì một môi trường sống trong lành, an toàn và bền vững.
Phát biểu khai mạc buổi Lễ, ông Hoàng Mạnh Hà, Tổng Biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Hoạt động trồng cây để trung hòa carbon, hướng đến Net Zero là dự án hợp tác ý nghĩa giữa Báo Tài nguyên và Môi trường và Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), được quản lý, giám sát một cách hệ thống, bài bản và chuyên nghiệp từ khâu khảo sát, đánh giá tiền khả thi đến khâu lập kế hoạch trồng chi tiết, lên phương án chăm sóc và bảo vệ cây, lập báo cáo phân tích và đo đạc số liệu về lượng khí CO2 được hấp thụ, kiểm kê khí nhà kính… Hoạt động được kỳ vọng tạo ra những cánh rừng, những khu vực trồng cây xanh rộng lớn mang dấu ấn riêng của Vinamilk và Báo Tài nguyên và Môi trường”.
Nhiều quốc gia và tổ chức môi trường đã xác định trồng rừng, trồng thêm cây xanh là giải pháp hiệu quả và cấp thiết để giảm thiểu hiệu ứng nhà kính. Tại Việt Nam, trồng thêm cây xanh, trồng rừng cũng là một trong những mục tiêu hàng đầu để chống lại tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời, cải thiện cảnh quan, nâng cao chất lượng sống cho người dân và hướng đến phát triển bền vững.
Để giảm nhanh khí thải gây hiệu ứng nhà kính, trong đó, có khí carbon dioxide (CO2) thì trồng cây được xem là giải pháp cấp thiết được nhiều quốc gia triển khai. Với đặc tính sinh trưởng tự nhiên, cây xanh có khả năng hấp thụ lượng lớn khí CO2 qua quá trình quang hợp. Ngoài CO2, cây xanh còn có khả năng hấp thụ các chất độc hại khác từ không khí như SO2, Clo, NH3, HCL,… Bên cạnh đó, cây xanh còn có thể hấp thụ, chuyển hóa nhiều chất độc hại trong đất và nguồn nước.
Tại buổi Lễ, ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc Điều hành Sản xuất của Vinamilk chia sẻ: “Tiếp nối thành công của Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam được thực hiện từ năm 2012 đến năm 2020, Vinamilk tiếp tục phối hợp cùng Báo Tài nguyên và Môi trường triển khai Hoạt động trồng cây để trung hòa carbon hướng đến Net Zero. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Chương trình hành động hướng đến Net Zero 2050 của Vinamilk nhằm hưởng ứng cam kết của Việt Nam tại COP26 về đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Vinamilk tin rằng, các hoạt động này sẽ nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng và cùng nhau tạo nên những mảng xanh cho đất nước, mang đến một tương lai xanh hơn, bền vững hơn cho thế hệ trẻ Việt Nam”.
Phát biểu tại Lễ ký kết, thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Lê Công Thành ghi nhận và đánh giá cao sáng kiến, cam kết của Báo Tài nguyên và Môi trường và Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam trong việc trồng cây để trung hòa carbon hướng đến Net Zero giai đoạn 2023 – 2027. Thứ trưởng tin tưởng rằng, với những định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước, Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự chung tay hành động của mỗi người dân, cộng đồng doanh nghiệp mà ngày hôm nay, ở đây là Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam, chúng ta sẽ đạt được nhiều thành tựu rõ nét, cụ thể về việc trồng cây thích ứng với biến đổi khí hậu, để trung hòa carbon hướng đến Net Zero, góp phần chung tay và hưởng ứng các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại các Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang đề xuất với Chính phủ sớm ban hành một loạt các văn bản pháp lý quan trọng, làm cơ sở triển khai như: Nghị định quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia để triển khai thực hiện; Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam… Đây là những văn bản pháp lý, công cụ để thực hiện các cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam. Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Bộ, ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và các cam kết được Thủ tướng Chính phủ tuyên bố tại Hội nghị COP26.
Thứ trưởng Lê Công Thành cũng đề nghị, Ban Lãnh đạo Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam tiếp tục đồng hành, chung tay cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện các chương trình, hoạt động khác có hiệu quả, ý nghĩa trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.
Thủy Nguyễn - Trường Giang
Nguồn: Báo TN&MT - Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk: Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trồng cây để trung hòa Carbon hướng đến Net Zero giai đoạn 2023 – 2027 (baotainguyenmoitruong.vn)