Thị trường điện bán buôn cạnh tranh: Cần gỡ nút thắt, thêm người mua

Thông tư về thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ được trình Bộ Công thương ban hành trong tháng 9 nhưng vẫn có những lo ngại khi thị trường phát triển ở cấp độ cao hơn.

Bản dự thảo thông tư về thị trường bán buôn điện cạnh tranh đang được Bộ Công thương cập nhật để sớm hoàn thiện trong tháng 9, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên tại cuộc họp ngày 13/9.

Thị trường điện Việt Nam được đưa vào vận hành đã hơn 12 năm. Giai đoạn đầu, thị trường được thiết kế theo hướng khuyến khích các loại hình nguồn điện phát triển. Nhưng đến nay, thị trường cần được thiết kế lại cho phù hợp với sự đa dạng của các loại hình nguồn điện và sự thay đổi về cơ cấu hệ thống.

Thị trường điện cạnh tranh, theo quan điểm của Bộ trưởng Diên, phát triển theo ba cấp độ: phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh (VWEM) và bán lẻ (VREM) điện cạnh tranh.

Ông Diên lưu ý các đơn vị liên quan về bối cảnh xây dựng dự thảo chưa hoàn tất việc sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực, cần rà soát những quy định thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương, làm rõ trách nhiệm và thẩm quyền của các bên liên quan, trong đó, Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO) cũng không phải ngoại lệ.

Bộ trưởng Công thương cũng đặc biệt lưu ý, đối với các đề xuất khác liên quan đến điều chỉnh thiết kế thị trường điện sẽ được xem xét điều chỉnh phù hợp ngay khi Luật Điện lực sửa đổi có hiệu lực.

Thị trường một người mua
Trên thế giới, mục tiêu cải cách thị trường điện đã thay đổi, thay vì tập trung vào hiệu quả kinh tế, đã hướng đến đồng thời ba mục tiêu: Hiệu quả kinh tế, an ninh năng lượng và thân thiện với môi trường. Điều này đặc biệt quan trọng với các chính phủ cam kết giảm phát thải và phi các bon hóa.

Tại Việt Nam, Luật Điện lực 2004 nêu nguyên tắc phát triển thị trường điện tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng và triển khai lộ trình phát triển thị trường điện, đề án tái cơ cấu Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và ngành điện.

Tuy nhiên, khâu thực hiện không phải lúc nào cũng thông suốt. Chẳng hạn khi tổ chức thực hiện VREM, cần thiết phải sửa Luật Giá mới thực hiện được việc xác định giá phân phối và giá SMO dẫn đến chậm trễ thực hiện VREM.

Ông Nguyễn Thái Sơn, Nguyên chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, hơn một lần đề cập đến “những thay đổi cơ bản” trong vận hành hệ thống, quyền hòa lưới và tăng giảm công suất tổ máy được quyết định bởi chính chủ sở hữu các nhà máy điện.

Đến nay, tỷ trọng tham gia thị trường điện vẫn thấp, trong khi EVN tiếp tục phải ký các hợp đồng mua bán điện (PPA) dài hạn không thông qua các hình thức cạnh tranh theo các quy định của Chính phủ và Bộ Công thương.

Thực tế này có thể sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển bền vững của ngành điện, đồng thời là nguyên nhân chính khiến thị trường điện bán buôn cạnh tranh chậm tiến độ 2-3 năm so với lộ trình phát triển thị trường điện do Chính phủ quy định.

Thời điểm này, cơ chế bù chéo vẫn chưa được xem xét, nguyên nhân khiến các tổng công ty trong mô hình thị trường bán buôn điện cạnh tranh, lẽ ra phải được vận hành từ 1/1/2019, đến nay vẫn thụ động trong việc hạn chế rủi ro trên thị trường điện.

“Tác động thị trường điện đến đầu tư nguồn mới còn hạn chế”, ông Sơn nhận xét.

Về lý thuyết, việc vận hành thị trường giao ngay sẽ tạo tín hiệu đầu tư mới qua giá thị trường điện toàn phần (FMP) và tác động trở lại đến đầu tư nguồn mới thông qua thị trường, hoặc khung điều tiết được xây dựng trên cơ sở thị trường.

Ảnh hưởng của thị trường điện đối với quyết định đầu tư nguồn điện mới tại Việt Nam đang ngày càng rõ ràng hơn.

Một là, đàm phán giá điện với các dự án IPP, BOT là đàm phán trực tiếp, hoặc giá FIT/chi phí tránh được đối với năng lượng tái tạo, không có bất kỳ một hình thức cạnh tranh nào trong quá trình này.

Hai là, các thông tư hướng dẫn của Bộ Công thương liên quan đến xây dựng, trình duyệt khung giá phát điện là cơ sở để đàm phán giá, không có điều khoản nào liên quan đến thị trường điện giao ngay.

Áp lực cạnh tranh bán lẻ
Thị trường điện đang hướng tới cấp độ cạnh tranh bán buôn, nhưng chưa có các thành phần ngoài EVN tham gia thị trường này. Đến nay, thị trường chỉ ghi nhận thêm 5 tổng công ty phân phối là các đơn vị thành viên thuộc EVN, tham gia với tư cách người mua.

Cơ chế thí điểm Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) đã được Chính phủ ban hành vào tháng 7/2024, nhưng ông Sơn cho rằng “cần thời gian”để tính toán mức độ hiệu quả của thị trường điện bán buôn, qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển nguồn điện sạch, giảm gánh nặng giá đầu vào sản xuất điện cho EVN.

Nhiều khả năng, thị trường cạnh tranh điện bán buôn sẽ được thực hiện vào cuối năm 2024. Ông Sơn khuyến cáo rằng, cần bổ sung, điều chỉnh vào Luật Điện lực sửa đổi, cho phép các doanh nghiệp thành phần ngoài EVN tham gia VWEM để mở rộng thị trường bán buôn.

Ông Sơn cũng đề xuất, hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc triển khai thị trường bán lẻ điện cần bao gồm: giá phân phối điện, giá điều độ hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện và bù chéo, trên cơ sở sớm sửa đổi Luật Giá.

Ngoài ra, ông cũng nói về sự cần thiết cần sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến các thông tư liên quan về xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện, cũng như xử lý các vướng mắc trong thỏa thuận hợp đồng mua bán điện.

Tổ soạn thảo Thông tư về thị trường bán buôn điện cạnh tranh đã thực hiện rà soát, trao đổi và thống nhất về việc bổ sung, sửa đổi 7 nội dung:

- Bổ sung các quy định liên quan đến đơn vị phát điện năng lượng tái tạo tham gia thị trường điện, bổ sung quy định về đối tượng tham gia thị trường điện, cơ chế chào giá, cơ chế thanh toán cho các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo tham gia thị trường điện;

- Sửa đổi, bổ sung một số quy định phù hợp với hiện trạng vận hành thị trường điện và các vấn đề thực tiễn trong công tác vận hành thị trường điện;

- Sửa đổi, bổ sung các quy định trong công tác lập kế hoạch vận hành thị trường điện, quy định về lập lịch huy động các nhà máy đảm bảo ràng buộc bao tiêu nhiên liệu/sản lượng của các nhà máy điện BOT, nhà máy điện có cam kết bao tiêu nhiên liệu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển ngang sang hợp đồng mua bán điện

- Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc chuyển A0 về Bộ Công thương;

- Bổ sung quy định liên quan đến chức danh “kỹ sư Điều hành giao dịch thị trường điện” cho A0;

- Đưa các quy trình hướng dẫn thực hiện thông tư thành các phụ lục ban hành kèm theo Thông tư;

- Bỏ nội dung về giải quyết tranh chấp và xử phạt vi phạm hành chính do nội dung này đã được quy định trong các nghị định liên quan của Chính phủ và Thông tư khác của Bộ Công thương.

Nguyễn Hoàng

Theo The Leader

https://theleader.vn/thi-truong-dien-ban-buon-canh-tranh-go-nut-that-va-them-nguoi-mua-d37041.html