Vào hôm 14/10 tại Paris, hai tổ chức từ Pháp và Ukraine đã đệ đơn cáo buộc ông lớn dầu khí TotalEnergies có hành vi mà họ gọi là "đồng lõa với tội ác chiến tranh". Tổ chức thứ nhất là Hiệp hội Darwin Climax Coalition ở Bordeaux – chuyên hoạt động chống khủng bố quốc gia, tội ác chiến tranh, bảo vệ nhân quyền và người dân khỏi thủ đoạn săn mồi của ngành công nghiệp. Thứ hai là Hiệp hội Razom We Stand – tổ chức ủng hộ cấm vận nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga.
Theo AFP, gã khổng lồ năng lượng Pháp đã lên tiếng tố cáo những cáo buộc này mang tính “thái quá”, “phỉ báng” và “vô căn cứ”.
Theo đó, đơn kiện ghi rằng, TotalEnergies vẫn nắm giữ 49% cổ phần của Liên doanh Terneftegaz và mỏ khí Termokarstovoye (vùng Viễn Bắc Nga) cho đến tháng 9/2022. Còn 51% cổ phần còn lại thuộc về tập đoàn Novatek – nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai của Nga.
Hiện nay, TotalEnergies cũng nắm giữ 19,4% cổ phần của Novatek.
Dựa trên tài liệu và kết quả điều tra do tổ chức phi chính phủ Global Witness công bố ngày 24/8, mỏ khí Termokarstovoye cung cấp condensate cho một nhà máy tinh chế gần thành phố Omsk ở Siberia, đây cũng là nơi sản xuất và vận chuyển nhiên liệu cho các máy bay Nga tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine cho đến ít nhất là vào tháng 7/2022.
Sau khi bài báo được đăng trên Le Monde, gã khổng lồ năng lượng của Pháp đã bị chỉ trích về việc tiếp tục hợp tác với Nga. Dù vậy, TotalEnergies khẳng định rằng họ “không sản xuất nhiên liệu cho quân đội Nga”. Vào ngày 18/7, TotalEnergies thông báo đã đạt được thỏa thuận bán lại 49% cổ phần của mình tại Terneftegaz cho Novatek. Thương vụ mua bán này được hoàn tất vào tháng 9/2022.
Nguyên đơn cũng cho rằng TotalEnergies không thể bỏ qua cơ hội tận dụng mối quan hệ quyền lực mạnh mẽ giữa Novatek và Chính phủ Nga. Thật vậy, nhà tài phiệt Gennady Timchenko từng là thành viên Ban giám đốc của Novatek. Vào tháng 3/2022, ông tuyên bố từ chức vì là mục tiêu trừng phạt của châu Âu. Tương tự, ông Leonid Mikhelson - Giám đốc điều hành của Novatek, là mục tiêu trừng phạt của Anh. Cả hai người này đều có quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Vào hôm 14/10, TotalEnergies cho biết đã “bác bỏ dứt khoát tất cả các cáo buộc vô căn cứ của Global Witness”. Theo đó, ông lớn dầu khí Pháp khẳng định Terneftegaz không sản xuất condensate với tần suất ổn định. Hơn nữa, sản phẩm được “xuất khẩu ra nước ngoài”. Do đó, nhiên liệu không thể được sử dụng cho máy bay của quân đội Nga.
Hơn nữa, TotalEnergies tranh luận: “Đồng lõa với các tội ác chiến tranh chỉ đúng trong trường hợp cung cấp viện trợ trực tiếp cho một Nhà nước hoặc một tổ chức tội phạm đã gây ra tội ác. Bên khiếu nại đã lạm dụng lỗ hỏng pháp lý của khái niệm ‘đồng lõa’ nhằm truy tố các cá thể tư nhân và nhà nước. Ngay cả bằng chứng cũng không thật sự khớp với hiện thực”.
Cuộc tranh luận pháp lý này đã khơi gợi lại vấn đề pháp luật của Pháp. Vào năm 2017, nhà máy sản xuất xi măng Lafarge của Pháp cũng bị cáo buộc gián tiếp tài trợ cho tổ chức Nhà nước Hồi Giáo tự xưng (IS) ở Syria.
Trước vụ cáo buộc này, bà Agnès Pannier-Runacher - Bộ trưởng Bộ Chuyển tiếp Năng lượng nói: “Công lý sẽ được thực thi. Việc một công ty Pháp không tôn trọng các lệnh trừng phạt là việc không thể chấp nhận được”.
Ngọc Duyên
AFP
Nguồn: Hồ sơ: Xung quanh việc TotalEnergies bị cáo buộc không tuân thủ lệnh trừng phạt (petrotimes.vn)
Nguồn: