Tại Hà Nội, Văn phòng Ban chỉ đạo tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương vừa tổ chức diễn đàn “Tiết kiệm năng lượng - Từ hoạch định chính sách quốc gia đến hành động thực tế”.
Nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của thế giới, trong đó có Việt Nam tiếp tục tăng cao. Cùng với việc thế giới có nhiều biến động, khó lường dẫn đến khủng hoảng năng lượng, đe doạ an ninh năng lượng toàn cầu. Do đó, song song với việc chủ động đảm bảo các nguồn năng lượng phục vụ cho sản xuất và đời sống, Việt Nam luôn coi trọng việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Trao đổi tại diễn đàn, ông Đặng Hải Dũng, Phó Chánh Văn phòng ban chỉ đạo tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương cho biết, Đảng và Nhà nước ta đã xác định được tầm quan trọng của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từ rất sớm thông qua việc ban hành các khung pháp lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Cụ thể là Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được ban hành từ năm 2010, có hiệu lực từ năm 2011. Dưới luật là một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật như các nghị định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành cũng được xây dựng và ban hành tương đối đồng bộ, kịp thời để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã phê duyệt và tổ chức thực hiện những Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...
Các diễn giả tham dự diễn đàn “Tiết kiệm năng lượng - Từ hoạch định chính sách quốc gia đến hành động thực tế”
Theo ông Nguyễn Đình Hiệp, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam, Nghị định 102/2003/NĐ-CP về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là văn bản pháp lý quan trọng để sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đời sống ở cấp quốc gia. Đồng thời, đây là cũng dấu mốc đầu tiên để hình thành ngành công nghiệp về tiết kiệm năng lượng, sau đó chúng ta có Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Các chương trình này đã cụ thể hóa tất cả các hoạt động về tiết kiệm năng lượng trên phạm vi cả nước.
Một trong những giải pháp trọng tâm trong giai đoạn đầu của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp và toàn xã hội về trách nhiệm và lợi ích của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Qua đó, ý thức tiết kiệm năng lượng của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hơn 90% người dân và doanh nghiệp đã được tuyên truyền, phổ biến các biện pháp tiết kiệm năng lượng và hiểu được lợi ích của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Tuy nhiên, tại diễn đàn, các đại biểu đã chỉ ra không ít nguyên nhân khiến việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chưa được như kỳ vọng, nhiều mục tiêu còn dang dở.
Đặc biệt, mặc dù đã có Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhưng thời gian qua việc tiết kiệm năng lượng chưa thực sự đạt kết quả như mong muốn do một số quy định trong Luật cần phải được điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn triển khai.
Do đó, trong thời gian tới, để giải quyết các vấn đề thực tiễn và luật hóa các quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, ông Đặng Hải Dũng nhấn mạnh nhiệm vụ rà soát, sửa đổi, bổ sung đối với Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cũng như nêu lên những giải pháp cụ thể, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đề ra.
Theo ông Đặng Hải Dũng, hiện tại, Bộ Công Thương đang tiến hành rà soát, sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo đó, có những đề xuất về cơ chế hỗ trợ về tiết kiệm năng lượng, trong đó có cơ chế ưu đãi về thuế, tài chính cho các dự án tiết kiệm năng lượng trong việc sửa đổi Luật cũng như thí điểm thành lập Quỹ tiết kiệm năng lượng để thúc đẩy đầu tư các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Ông Nguyễn Đình Hiệp cho biết, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quy định việc các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm bắt buộc phải thực hiện tiết kiệm năng lượng. Nhưng với con số hơn 3.000 doanh nghiệp thì chỉ chiếm khoảng 38% tổng năng lượng toàn xã hội còn lại là khuyến khích sử dụng tiết kiệm năng lượng. Do đó, sắp tới Luật cần sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng bắt buộc phải thực hiện (chiếm 75 - 80%) mức năng lượng của toàn xã hội để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng hơn.
Đồng thời, sau hơn 10 năm triển khai Luật, đã có nhiều văn bản bổ sung được ban hành nhưng Luật chưa từng sửa đổi. Do đó, đã đến lúc cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng tình hình thực tiễn.
Đức Dũng
Nguồn: Hiện thực hóa các mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (nangluongsachvietnam.vn)