Việc mở rộng năng lượng gió của Đức đang phải đối mặt với một rào cản bất ngờ là việc các nhà xây dựng cần có giấy phép để vận chuyển các tua-bin hạng nặng trên các tuyến đường của nước Đức và họ phải chờ hàng tháng trời để có được các giấy phép này.
Việc mở rộng năng lượng gió của Đức bị cản trở trên đường vận chuyển
Đức đặt mục tiêu đạt được 80% điện năng từ các nguồn tái tạo vào năm 2030, trong đó 115 gigawatt sẽ đến từ năng lượng gió trên bờ, nhưng việc thiếu giấy phép vận chuyển sẽ gây nguy hiểm cho việc đạt mục tiêu đề ra.
Với hơn 15.000 đơn xin phê duyệt tồn đọng, các công ty cho biết dự án của họ đang bị trì hoãn nặng nề, với chi phí lưu kho kéo dài cho các phân khúc tháp thép, máy phát điện và cánh quạt lên tới hàng triệu USD.
Felix Rehwald, người phát ngôn của nhà sản xuất tuabin gió Enercon cho biết nếu không có gì thay đổi, việc đình trệ này có thể khiến họ tiêu tốn thêm 115 triệu euro vào cuối năm nay. Đây hiện là một trong những thách thức cấp bách nhất đối với Enercon và các công ty trong ngành. Rehwald cho biết thêm, sự chậm trễ trong việc đảm bảo giấy phép đã khiến công ty thiệt hại hàng nghìn euro mỗi ngày, và các nút thắt có thể còn thắt chặt hơn khi việc xây dựng năng lượng gió tăng cường vào giữa năm tới.
Người phát ngôn của Nordex, công ty hàng đầu thế giới về sản xuất tuabin gió, cho biết chỗ đậu xe tải của họ quá khan hiếm và chi phí giấy phép đã tăng gấp 10 lần. Nordex cho biết chi phí đăng ký đã tăng lên hơn 1.000 euro cho mỗi giấy phép vào năm 2021, từ mức 100 euro trước đó. Nhưng phạm vi của giấy phép quá cứng nhắc nên các công ty thường nộp nhiều đơn để ứng phó với các tình huống khác nhau.
Một nghiên cứu của Hiệp hội kỹ thuật VDMA công bố năm ngoái cho thấy trung bình cần khoảng 150 giấy phép để vận chuyển tuabin gió, 100 đến 120 giấy phép cho cần cẩu và 60 giấy phép cho các bộ phận tuabin.
Cơ quan liên quan của chính phủ Đức cho biết họ đang làm mọi cách để đẩy nhanh quá trình nhưng việc kiểm tra việc vận chuyển các cánh quạt của tuabin gió đặc biệt đòi hỏi khắt khe do chiều dài bất thường của chúng. Một quy trình toàn quốc, được tiêu chuẩn hóa và phần lớn được tự động hóa sẽ được áp dụng vào cuối năm 2023.
Hôm thứ Tư (6/9), Chính phủ Đức đã công bố kế hoạch thực hiện một loạt biện pháp nhằm kích thích nền kinh tế bằng cách giảm quan liêu, đẩy nhanh quá trình phê duyệt xây dựng mới và số hóa khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ quan trọng của chính phủ. Một tài liệu của Chính phủ Đức đặt ra một loạt mục tiêu cần đạt được với sự tham vấn của các chính quyền khu vực, bao gồm các quy trình tư vấn trực tuyến, nhanh chóng hơn cho các trang trại gió cũng như mạng lưới giao thông và dữ liệu.
Việc xử lý mỗi giấy phép mất tới ba tháng ở Đức, so với mức trung bình từ hai đến ba tuần ở Hà Lan và khoảng 10 ngày ở Đan Mạch.
Các dự án gió ngoài khơi của Mỹ tìm kiếm các quy tắc trợ cấp nới lỏng hơn để sinh tồn
Theo các nhà phát triển dự án, một nhóm các dự án gió ngoài khơi của Mỹ nằm trong chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu của Tổng thống Joe Biden có thể không tiến triển trừ khi Chính quyền nới lỏng các yêu cầu về trợ cấp trong Đạo luật Giảm phát (IRA).
Equinor của Na Uy, Engie của Pháp, EDP Renewables của Bồ Đào Nha và các nhóm thương mại đại diện cho các nhà phát triển khác đang theo đuổi các dự án gió ngoài khơi của Mỹ cho biết họ đang thúc giục các quan chức Mỹ thay đổi các yêu cầu và cảnh báo về việc mất việc làm và đầu tư nếu không có sự điều chỉnh.
Đại diện bộ phận năng lượng tái tạo của Equinor cho biết các thành phần cần thiết để phát triển các dự án của họ không hề có ở Mỹ tại thời điểm này, và không có dấu hiệu nào cho thấy chuỗi cung ứng sẽ sẵn sàng kịp thời để đáp ứng lịch trình mua sắm của công ty.
Tuần trước Orsted, một công ty phát triển gió ngoài khơi hàng đầu của Đan Mạch, đã cảnh báo rằng các rào cản trong việc đảm bảo trợ cấp của Mỹ theo IRA, kết hợp với lãi suất tăng cao và sự chậm trễ của chuỗi cung ứng, có thể dẫn đến tổn thất 2,3 tỷ USD cho ba dự án của họ, khiến cổ phiếu của công ty này giảm mạnh.
IRA yêu cầu các dự án năng lượng sạch muốn được hưởng ưu đãi thuế phải được xây dựng bằng thiết bị do Mỹ sản xuất và được bố trí tại các cộng đồng có thu nhập thấp. Nhưng vấn đề là những tiêu chuẩn này rất khó để các dự án gió ngoài khơi đáp ứng được do chúng phụ thuộc vào thiết bị và vật liệu ở nước ngoài cũng như vị trí của chúng là ở vùng biển, ven biển Hoa Kỳ.
Một ví dụ, các quy định của Bộ Tài chính Hoa Kỳ quy định cụ thể rằng các tháp cho tuabin ngoài khơi phải được làm hoàn toàn bằng thép nội địa để giành được tín dụng hàm lượng nội địa. Nhà máy đầu tiên sản xuất sản phẩm như vậy ở New York, dự kiến có sản phẩm vào năm 2025 nhưng đã gặp phải sự chậm trễ và chi phí tăng vượt mức.
Tại một hội nghị gần đây, David Jon Hardy, Giám đốc điều hành hoạt động của Orsted ở châu Mỹ cho rằng IRA đã đưa ra một số yêu cầu mà không ai có thể đáp ứng được.
Việc bổ sung công suất năng lượng mặt trời của Mỹ sẽ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023
Hôm thứ Năm (7/9), trong báo cáo hàng quý mới nhất, Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Mặt trời (SEIA) và Wood Mackenzie cho biết, ngành công nghiệp năng lượng mặt trời tại Mỹ dự kiến sẽ lắp đặt công suất mới với mức cao kỷ lục 32 gigawatt (GW) trong năm nay, với mức bổ sung tăng 52% kể từ năm 2022, khi những hạn chế do chính sách làm cản trở các dự án điện mặt trời.
Wood Mackenzie dự đoán tổng công suất năng lượng mặt trời đang hoạt động ở Mỹ dự kiến sẽ tăng từ 153 GW hiện nay lên 375 GW vào năm 2028.
Báo cáo cho thấy trong quý II năm 2023, ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Mỹ đã lắp đặt công suất dòng điện một chiều (GWdc) 5,6 gigawatt, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 8% so với quý 1 năm 2023. Trong quý 1 năm 2023, số lượng lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ đã tăng 47% trong năm.
Báo cáo Quý III năm 2023 của US Solar Market Insight Insight cho biết những thách thức đối với chuỗi cung ứng liên quan đến Covid-19 và các chính sách hạn chế thương mại đã bắt đầu giảm bớt và các hỗ trợ của Đạo luật Giảm phát (IRA) bắt đầu mang lại kết quả.
Đầu năm nay, báo cáo đánh giá năm 2022 của WoodMac và SEIA đã cho biết thị trường năng lượng mặt trời của Mỹ dự kiến sẽ phục hồi trong năm 2023, đảo ngược lại quá trình suy giảm trong năm 2022.
Năm ngoái, công suất năng lượng mặt trời bổ sung mới ở Mỹ đã giảm 16% so với năm 2021 với tổng công suất là 20,2 GW.
Sự sụt giảm về số lượng lắp đặt trong năm 2022 chủ yếu là do sự bất ổn trong chuỗi cung ứng sau khi Mỹ tiến hành cuộc điều tra về việc liệu việc nhập khẩu các tấm pin hoàn thiện từ 4 nước Đông Nam Á, sử dụng các bộ phận và linh kiện từ Trung Quốc, có đang lách thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với pin mặt trời hay không. Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) cũng đã tịch thu thiết bị năng lượng mặt trời từ Trung Quốc, sau khi luật mới chống lao động cưỡng bức của Mỹ có hiệu lực, điều này càng kìm hãm sự phát triển của ngành năng lượng mặt trời ở Mỹ trong năm 2022./.
Thanh Bình
Nguồn:Bản tin Năng lượng xanh: Việc mở rộng năng lượng gió của Đức bị cản trở (petrotimes.vn)