Hôm thứ Hai (22/4), nhân dịp kỷ niệm Ngày Trái đất, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố khoản tài trợ 7 tỷ USD cho các dự án năng lượng mặt trời dân cư, dự kiến cung cấp năng lượng cho gần một triệu hộ gia đình có thu nhập thấp.
Nhân Ngày Trái đất, Tổng thống Mỹ Biden công bố khoản tài trợ 7 tỷ USD cho năng lượng mặt trời trên mái nhà
Tổng thống Biden thông báo khoản tài trợ này trong bài phát biểu tại Công viên Rừng Prince William ở Triangle, Virginia, khởi động cho tuần quảng bá kết quả của chính quyền Tổng thống Biden về biến đổi khí hậu.
Khoản tài trợ trị giá 7 tỷ USD cho năng lượng mặt trời sẽ được cung cấp thông qua chương trình tài trợ Năng lượng mặt trời cho mọi người của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (Bộ Năng lượng Mỹ), đã được đưa vào Đạo luật Giảm phát, luật biến đổi khí hậu mang tính bước ngoặt của chính quyền Biden. Theo Nhà Trắng, khoản tài trợ này sẽ tạo ra 200.000 việc làm và tiết kiệm cho các hộ gia đình tham gia chương trình khoảng 400 USD/năm.
Tổng thống Biden cho rằng năng lượng mặt trời sẽ mang lại nhiều không gian sạch hơn, hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp, là những gia đình có thể phải chi tới 30% tiền lương của mình cho hóa đơn năng lượng.
60 cơ quan cấp bang và địa phương và các tổ chức phi lợi nhuận với các chương trình giúp cư dân trong các cộng đồng nghèo sử dụng năng lượng mặt trời và tiết kiệm hóa đơn tiền điện có thể được nhận tài trợ. Trong những người được hưởng lợi có cả các tổ chức cung cấp năng lượng mặt trời cho các hộ gia đình người Mỹ bản địa ở các bang như Alaska, Arizona, New Mexico và Colorado.
Năng lượng mặt trời dành cho dân cư từ lâu đã được coi là khó tiếp cận đối với người Mỹ có thu nhập thấp vì chi phí trả trước cao và vì những người thu nhập thấp thường đi thuê nhà hoặc sống trong các tòa nhà chung cư.
Chương trình này phù hợp với mục tiêu của Chính quyền Biden là hướng 40% lợi ích đầu tư vào năng lượng sạch của bang đến các cộng đồng có thu nhập thấp.
Đan Mạch triển khai cuộc đấu thầu điện gió ngoài khơi lớn nhất
Hôm thứ Hai (22/4), Bộ Năng lượng và Khí hậu Đan Mạch cho biết, Đan Mạch đã triển khai đấu thầu gió ngoài khơi lớn nhất cho đến nay, không trợ cấp cho các công ty cạnh tranh quyền lắp đặt tua-bin trên sáu địa điểm với tổng công suất lên tới 10 gigawatt (GW).
Các trang trại gió, sẽ được hoàn thành vào năm 2030, có ý nghĩa quan trọng nếu Đan Mạch, quê hương của các công ty dẫn đầu ngành này là Vestas và Orsted, hướng tới mục tiêu giảm 70% lượng khí thải CO2 so với mức của năm 1990 vào cuối thập kỷ này.
Những người tham gia phải đưa ra mức giá mà họ sẵn sàng trả cho nhà nước trong vòng 30 năm để giành được quyền thành lập các trang trại gió. Nhà nước sẽ sở hữu 20% cổ phần trong mỗi dự án được đấu thầu.
Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Lars Aagaard cho biết “chương tiếp theo bây giờ phải do thị trường viết và thực hiện”.
Sáu địa điểm sẽ được cung cấp, giúp có thể xây dựng ít nhất 6 GW. Tuy nhiên, Bộ cho biết, các dự án thắng thầu sẽ được phép lắp đặt càng nhiều tua-bin càng tốt, nghĩa là công suất có thể là 10 GW hoặc thậm chí hơn.
Lượng năng lượng gió như vậy sẽ nhiều hơn mức tiêu thụ của Đan Mạch, có nghĩa là năng lượng xanh có thể được xuất khẩu sang các nước láng giềng hoặc được sử dụng để sản xuất hydro.
Theo Bộ Khí hậu và Năng lượng, chi phí xây dựng 1 GW gió ngoài khơi, đủ để cung cấp năng lượng cho khoảng một triệu ngôi nhà ở châu Âu, là khoảng 16 tỷ curon Đan Mạch (2,3 tỷ USD). Cho đến nay, Đan Mạch đã lắp đặt tổng công suất gió ngoài khơi là 2,7 GW.
Bang New York cho biết sẽ đình chỉ ba dự án trang trại gió ngoài khơi
Hôm thứ Sáu (19/4), bang New York đã đình chỉ ba dự án năng lượng gió lớn ngoài khơi sau khi General Electric Vernova thay đổi thiết kế tuabin mà bang này cho rằng đã “thay đổi đáng kể” kế hoạch.
Tháng 10/2023, bang New York đã sơ bộ phê duyệt ba dự án trang trại gió ngoài khơi. Đó là các dự án Atttentive Energy One đang được TotalEnergies, Rise Light & Power và Corio Generation phát triển; Community Offshore Wind, do RWE và National Grid Ventures phát triển; và Excelsior Wind của Vineyard Offshore.
Tuy nhiên, sau đó, GE Vernova đã quyết định chuyển từ nền tảng tuabin Haliade-X 18 megawatt sang tuabin nhỏ hơn.
Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Bang New York (NYSRDA) cho biết điều này gây ra "sự phức tạp về mặt kỹ thuật và thương mại" cho các nhà phát triển. Với những diễn biến này, NYSRDA sẽ không ký kết hợp đồng cuối cùng và sẽ “tìm cách thúc đẩy hoạt động chào mời cạnh tranh trong tương lai”.
Vấn đề này là tác động mới nhất đối với hoạt động phát triển năng lượng gió ngoài khơi của Mỹ, vốn là một phần quan trọng trong kế hoạch khí hậu của Tổng thống Joe Biden và nhiều bang của Mỹ. Các vấn đề về chuỗi cung ứng và lãi suất tăng cao trong năm qua đã buộc các dự án phải hủy bỏ và các nhà phát triển lớn phải ghi nợ hàng tỷ USD.
Người phát ngôn của Vineyard Offshore, Andrew Doba, cho biết chủ đầu tư có kế hoạch tiếp tục đấu thầu các dự án mới.
GE Vernova cho biết họ muốn tiếp tục hợp tác với New York, các nhà phát triển ngoài khơi và những đối tác khác để nhanh chóng mở rộng quy mô gió ngoài khơi và giới thiệu giải pháp thay thế. Công ty cho biết họ tin rằng công nghệ của công ty "sẽ định vị ngành tốt hơn để tạo việc làm và củng cố chuỗi cung ứng cho chương tiếp theo của năng lượng gió ngoài khơi ở New York và hơn thế nữa".
Tập đoàn công nghiệp gió ngoài khơi Oceantic cho biết tin tức này thật đáng thất vọng, nhưng “sẽ không ảnh hưởng đến các nguyên tắc cơ bản chung của thị trường”.
Adrienne Esposito, Giám đốc điều hành Chiến dịch Công dân vì Môi trường, cho biết đây là một "cú vấp" trên con đường đi, nhưng họ sẽ vẫn tiếp tục hướng về đich./.
Thanh Bình
Nguồn:Bản tin Năng lượng xanh: Tổng thống Mỹ Biden công bố tài trợ 7 tỷ USD cho năng lượng mặt trời (petrotimes.vn)