Những
lo ngại ngày càng tăng về tốc độ biến đổi khí hậu nhanh chóng và nguồn
cung cấp điện eo hẹp trên toàn cầu đã làm dịu đi quan điểm của một số
nhà hoạch định chính sách về năng lượng hạt nhân, một ngành năng lượng
đã phải vật lộn trong nhiều năm để thu hút đầu tư do các quan ngại về an
toàn, chất thải phóng xạ và chi phí xây dựng khổng lồ cho một lò phản
ứng.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử
Quốc tế (IAEA), Tổ chức liên chính phủ thúc đẩy năng lượng hạt nhân, đã
mở một cuộc triển lãm tại COP 27 Ai Cập, nơi tập hợp các nhà lãnh đạo
toàn cầu. Buổi trưng bày đã giới thiệu tiềm năng của công nghệ hạt nhân
trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Đây là lần đầu tiên IAEA làm
như vậy sau 27 năm đàm phán quốc tế thường niên về khí hậu.
Đặc
phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry đã thúc đẩy ngành
công nghiệp hạt nhân bằng một thông báo về sự quan tâm chính thức của
Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ (EXIM) trong việc cung cấp 3 tỷ USD hỗ
trợ tài chính cho một nhà máy hạt nhân ở Romania. Đặc phái viên Kerry
coi đây là một giải pháp khả thi trong lĩnh vực hạt nhân, là một trong
những cách để có thể đạt được net-zero. "Chúng ta sẽ không đạt được phát
thải bằng 0 (net-zero) vào năm 2050 nếu không có năng lượng hạt nhân
trong hỗn hợp năng lượng. "
Mỹ đã
dành hàng tỷ đô la để duy trì hoạt động cho các nhà máy điện hạt nhân,
như một phần của chiến lược rộng lớn hơn để khử cacbon trong nền kinh tế
và hy vọng sẽ khuyến khích các dự án mới.
Hannah
Fenwick, đồng lãnh đạo của mạng lưới Hạt nhân vì Khí hậu, đại diện cho
một mạng lưới của 150 hiệp hội ủng hộ các chính phủ sử dụng năng lượng
hạt nhân, cho biết tổ chức của mình đang vận động các nhà hoạch định
chính sách tại COP27 để xem xét các khoản đầu tư vào năng lượng hạt nhân
và nhận được phản hồi tốt. “Chúng tôi đã nói rằng hạt nhân là một giải
pháp cho khí hậu trong nhiều năm và môi trường địa chính trị đã thay đổi
và mọi người đang lắng nghe”.
Anh đã chọn địa điểm cho nhà máy lithium quy mô lớn đầu tiên khi cuộc đua giành “vàng trắng” ngày càng gay gắt
Nhà
máy Green Lithium, được mô tả là “nhà máy lithium quy mô lớn đầu tiên”
của Anh, sẽ có trụ sở tại Teesport, một cảng chính ở Teesside, phía bắc
nước Anh.
Đầu tuần, tuyên bố của
Green Lithium trên trang web của Sở giao dịch chứng khoán London cho
biết việc xây dựng dự án trị giá 600 triệu bảng Anh (khoảng 687 triệu
USD) sẽ kéo dài ba năm, dự kiến vận hành vào năm 2025. Green Lithium
hy vọng sản lượng sẽ đạt 50.000 tấn mỗi năm sau khi đi vào hoạt động.
Green
Lithium cho biết sản phẩm của họ sẽ “tham gia vào chuỗi cung ứng cho
pin lithium-ion, pin lưu trữ năng lượng, ổn định lưới điện và pin EV”.
Ngoài
việc sử dụng trong điện thoại di động, máy tính, máy tính bảng và các
thiết bị khác của cuộc sống hiện đại, lithium còn được một số người gọi
là "vàng trắng" có vai trò rất quan trọng đối với pin cung cấp năng
lượng cho xe điện.
Bộ trưởng Kinh
doanh Anh Grant Shapps cho biết nhà máy Green Lithium sẽ cho phép Anh
nhanh chóng đảm bảo chuỗi cung ứng các khoáng sản quan trọng, do các mối
đe dọa địa chính trị và các sự kiện toàn cầu nằm ngoài tầm kiểm soát
của Anh có thể tác động nghiêm trọng đến việc cung cấp các thành phần
quan trọng đối với việc triển khai xe điện ở Anh.
Từ
năm 2030, Anh muốn ngừng bán ô tô và xe tải chạy bằng động cơ diesel và
xăng mới; từ năm 2035, tất cả các xe ô tô và xe tải mới phải không có
khí thải từ ống xả. Liên minh châu Âu (EU) cũng đang theo đuổi các mục
tiêu tương tự.
Với
nhu cầu về lithium tăng cao, các nền kinh tế EU đang cố gắng tích lũy
nguồn cung và giảm sự phụ thuộc vào các khu vực khác trên thế giới.
Tháng trước, trong phát biểu Thông điệp EU, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu
Ursula von der Leyen cho rằng “lithium và đất hiếm sẽ sớm quan trọng hơn
dầu và khí đốt”. Theo Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, hiện nay Trung Quốc kiểm
soát ngành công nghiệp chế biến toàn cầu, với gần 90% đất hiếm, 60%
lithium được chế biến ở Trung Quốc. Vì vậy, EU sẽ xác định các dự án
chiến lược trong cả chuỗi cung ứng, từ chiết xuất đến tinh chế, từ chế
biến đến tái chế, tích lũy nguồn dự trữ chiến lược khi nguồn cung có
nguy cơ rủi ro./.
Thanh Bình
Nguồn:https://nangluongquocte.petrotimes.vn/ban-tin-nang-luong-xanh-tai-cop27-nang-luong-hat-nhan-muon-vai-tro-lon-hon-trong-khu-cacbon-toan-cau-671147.html