Pháp thúc đẩy EU công nhận hydro sản xuất từ năng lượng hạt nhân
Các Bộ trưởng Pháp, Ba Lan, Cộng hòa Séc và 6 quốc gia EU khác là Romania, Bulgaria, Slovenia, Croatia, Slovakia và Hungary, đã gửi thư cho Ủy ban châu Âu (EC) kêu gọi mở rộng các mục tiêu năng lượng tái tạo, trong đó bao gồm hydro được sản xuất từ năng lượng hạt nhân. 9 quốc gia nêu trên cho rằng EU nên mở rộng thêm năng lượng hạt nhân, năng lượng ít carbon nhưng không thể tái tạo.
Pháp đã sản xuất khoảng 70% điện năng từ năng lượng hạt nhân. Các quốc gia ký kết khác hoặc đã sử dụng năng lượng hạt nhân hoặc có kế hoạch xây dựng các lò phản ứng đầu tiên của họ.
Các nước EU và các nhà lập pháp đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán vào tuần tới về luật này, sẽ định hướng tốc độ mở rộng năng lượng tái tạo của châu Âu trong thập kỷ này.
Hôm thứ Sáu vừa qua (3/2), các quan chức EU cho biết nhà đàm phán chính của Nghị viện EU đã yêu cầu hoãn các cuộc đàm phán vào tuần tới vì Ủy ban châu Âu vẫn chưa công bố các quy tắc để xác định hydro "tái tạo" rõ ràng hơn.
Mở rộng quy mô hydro không phát thải là chìa khóa cho kế hoạch cắt giảm CO2 của EU trong các ngành công nghiệp như phân bón và sản xuất thép. Hầu hết hydro mà các ngành công nghiệp châu Âu hiện nay sử dụng được sản xuất từ than và khí thải CO2. Hydro cũng có thể được sản xuất từ điện, vì vậy EU muốn đặt mục tiêu theo ngành đối với hydro được tạo ra từ điện tái tạo.
Tuy nhiên, ít nhất 9 quốc gia EU phản đối ý tưởng này, trong đó có Đức, Đan Mạch, Áo và Luxembourg. Họ cho rằng các mục tiêu của EU chỉ nên tập trung vào các nguồn tái tạo như gió và mặt trời để khuyến khích mở rộng quy mô các nguồn năng lượng tái tạo nhằm cắt giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nhiên liệu hóa thạch. "Hạt nhân không phải là dạng năng lượng tái tạo", một quan chức EU cho biết, cảnh báo chống lại việc "làm loãng" các mục tiêu về năng lượng tái tạo.
Đập năng lượng mặt trời của Thụy Sỹ: Mặt trời và tuyết là sự kết hợp hoàn hảo cho động lực năng lượng xanh
Một bức tường bằng các tấm pin mặt trời đã được gắn vào con đập dài nhất của Thụy Sỹ khi quốc gia này tìm cách tối đa hóa việc sản xuất năng lượng xanh trong những tháng mùa đông.
Theo nhóm nghiên cứu dự án AlpinSolar, đập hồ Muttsee, ở bang Glarus, miền trung Thụy Sỹ, cao hơn 2.400 mét so với mực nước biển, được bao quanh bởi các đỉnh núi phủ tuyết là một ưu thế quan trọng. Jeanette Schranz, trưởng nhóm truyền thông về năng lượng tái tạo tại công ty năng lượng Thụy Sỹ Axpo cho biết một trong những ưu thế của các nhà máy năng lượng mặt trời trên núi cao là vào mùa đông, chúng sản xuất điện năng nhiều gấp 3 lần so với một cơ sở tương đương ở vùng trung du. "Sự phản chiếu từ tuyết cũng giúp ích, các tấm pin mặt trời hợp với khí hậu lạnh và có năng suất cao hơn ở nhiệt độ lạnh hơn".
Gần 5.000 tấm pin mặt trời của con đập sản xuất 3,3 triệu kWh năng lượng mỗi năm, đủ để cung cấp cho khoảng 700 ngôi nhà. Việc lắp đặt các tấm pin đã được hoàn thành vào năm ngoái và việc sản xuất năng lượng mặt trời đã bắt đầu.
AlpinSolar là một phần trong kế hoạch lớn hơn của công ty Axpo. Công ty cho biết họ đặt mục tiêu lắp đặt 4.200 dự án năng lượng mặt trời ở vùng núi và vùng trũng của quốc gia núi cao này vào năm 2030.
Chính phủ Thụy Sỹ cũng đang tạo điều kiện để năng lượng mặt trời trở nên phổ biến hơn. Quốc gia này hướng tới các phương thức sản xuất năng lượng xanh hơn gắn liền với quyết định loại bỏ năng lượng hạt nhân. Vào tháng 6/2011, Quốc hội Thụy Sỹ đã quyết định không thay thế bất kỳ lò phản ứng hiện có nào, điều này đã được xác nhận trong một cuộc trưng cầu dân ý năm 2017.
Thanh Bình
Nguồn:Bản tin Năng lượng xanh: Pháp thúc đẩy EU công nhận hydro sản xuất từ năng lượng hạt nhân (petrotimes.vn)