Bản tin Năng lượng xanh: Pháp, Đức thử thách các khoản trợ cấp xanh của Mỹ và kế hoạch của EU

Reuters ngày 2/2/2023 đưa tin Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck và Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire sẽ tới Washington vào tuần tới để bày tỏ quan ngại về các trợ cấp khí hậu của Mỹ trong Đạo luật Giảm thiểu lạm phát và yêu cầu đối xử thuận lợi với các doanh nghiệp châu Âu.

Bản tin Năng lượng xanh: Pháp, Đức thử thách trợ cấp xanh của Mỹ và kế hoạch của châu Âu

Pháp, Đức thử thách trợ cấp xanh của Mỹ và kế hoạch của EU

Trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu hoan nghênh động lực mới hướng tới quá trình chuyển đổi năng lượng xanh do Đạo luật Giảm thiểu lạm phát của chính quyền Biden đưa ra, họ lo ngại rằng khoản trợ cấp trị giá 369 tỷ USD chủ yếu nhằm vào các nhà sản xuất có trụ sở tại Bắc Mỹ có thể thu hút các công ty rời khỏi châu Âu.

Một số người ở châu Âu cho rằng các khoản trợ cấp vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới, nhưng Liên minh châu Âu (EU) không muốn xảy ra chiến tranh thương mại với Mỹ và cho rằng hy vọng tốt nhất của châu Âu nằm ở việc tác động đến cách thức áp dụng chương trình này trong thực tế.

Các Bộ trưởng Habeck và Le Maire sẽ gặp các đối tác Mỹ vào thứ Ba (7/2), hai ngày trước Hội nghị thượng đỉnh EU, nơi các nhà lãnh đạo EU sẽ nghiên cứu kế hoạch tăng cường hỗ trợ nhà nước và các động thái khác để cho phép châu Âu cạnh tranh với tư cách là trung tâm sản xuất xe điện và các sản phẩm xanh khác.

Một quan chức cấp cao của EU cho biết một trọng tâm của chuyến đi của các Bộ trưởng Pháp-Đức là muốn Mỹ đối xử với các công ty châu Âu tương đương như đối với Mexico và Canada.

Trưởng bộ phận đối ngoại của Mercedes-Benz cho biết: “Nếu các Bộ trưởng Habeck và Le Maire thành công trong việc đó thì đó sẽ là một thành công lớn."

Một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu cho rằng số tiền trợ cấp ở châu Âu tương đương hoặc thậm chí nhiều hơn ở Mỹ, nhưng vấn đề thực sự có thể khiến các công ty chuyển sản xuất sang Mỹ, chính là các yêu cầu về hàm lượng địa phương. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô châu Âu khẳng định có nguy cơ doanh nghiệp sẽ chuyển hướng sang Mỹ khi các điều khoản của Mỹ kết hợp với các yếu tố sản xuất khác khiến châu Âu trông kém hấp dẫn hơn.

Người phát ngôn của Volkswagen cho rằng giá điện và năng lượng rất cao, đặc biệt là ở Đức, làm cho châu Âu ngày càng trở nên kém cạnh tranh hơn.

Để đảm bảo châu Âu có thể cạnh tranh với Mỹ, Ủy ban châu Âu hôm thứ Tư (1/2) đã đề xuất "Kế hoạch Công nghiệp Thỏa thuận Xanh của EU" với các biện pháp bao gồm nới lỏng các quy tắc hỗ trợ của nhà nước trong EU và tái sử dụng các quỹ hiện có của EU.

Hildegard Mueller, Chủ tịch hiệp hội ô tô VDA của Đức cho biết điều quan trọng là "Kế hoạch Công nghiệp Thỏa thuận Xanh của EU" có thể được "thực hiện nhanh chóng và không quan liêu."

Giám đốc điều hành Orsted lo ngại về phương thức 'đấu thầu âm” đối với năng lượng gió ngoài khơi của Đức

Hôm thứ Ba (31/1), Cơ quan quản lý mạng lưới liên bang của Đức đã mở thầu các tua-bin gió ngoài khơi ở bốn khu vực ở biển Bắc và biển Baltic, với tổng công suất 7.000 MW. Hoạt động đấu thầu sẽ sử dụng một "quy trình đấu thầu động", có nghĩa là nếu nhiều công ty từ bỏ trợ cấp của Chính phủ, thì công ty nào "sẵn sàng trả nhiều nhất" sẽ giành được hợp đồng thuê. Khoảng 90% số tiền thu được từ các cuộc đấu thầu sẽ được dùng để giảm chi phí điện, 10% cho bảo tồn biển và thúc đẩy đánh bắt cá thân thiện với môi trường, cơ quan quản lý mạng lưới của Đức cho biết.

Cơ quan quản lý nói với Reuters rằng quy trình gồm nhiều giai đoạn được thiết kế để bảo vệ các nhà thầu khỏi việc đấu thầu vội vàng hoặc gặp rủi ro.

Tuy nhiên, Mads Nipper, Giám đốc điều hành của Orsted, nhà phát triển gió ngoài khơi lớn nhất thế giới, cho rằng một cuộc đấu thầu điện gió ngoài khơi mới cho phép các nhà thầu cạnh tranh dựa trên mức độ sẵn sàng trả cho chính phủ Đức thay vì nhận trợ cấp, cuối cùng có thể dẫn đến giá điện cao hơn. “Chúng tôi không nghĩ rằng đó là cách tốt nhất để đảm bảo việc xây dựng cơ sở năng lượng gió ngoài khơi.

Mads Nipper nói với các phóng viên: “Cho dù đó là giá thầu âm, đấu giá cao ngất trời cho khu vực đáy biển hay các khoản nhượng quyền thanh toán, chúng tôi có nguy cơ rằng giá điện cuối cùng sẽ cao hơn đối với người tiêu dùng”. Nipper nói rằng điều này có nguy cơ thu hút "các nhà thầu có thể không đủ kinh nghiệm hoặc kỷ luật tài chính" để thực sự phát triển các dự án.

Hiệp hội công nghiệp gió của Đức WAB cho biết các công ty trong lĩnh vực này không nên chịu áp lực về giá. Thorsten Preis, phát ngôn viên của Hiệp hội, nói với Reuters: “Ngành công nghiệp gió ngoài khơi đã giảm đáng kể chi phí trước khi ngừng mở rộng ở Đức./.

Thanh Bình

Nguồn:https://petrotimes.vn/ban-tin-nang-luong-xanh-phap-duc-thu-thach-cac-khoan-tro-cap-xanh-cua-my-va-ke-hoach-cua-eu-677490.html