Các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe có khả năng phát triển công suất năng
lượng mặt trời lớn nhất bên ngoài Đông Á và Bắc Mỹ, khiến khu vực này
trở thành điểm nóng năng lượng tái tạo cần theo dõi trong thập kỷ tới.
Dữ liệu từ Global Energy Monitor (GEM) tính đến tháng 1/2023 cho thấy
khu vực này đang xây dựng công suất năng lượng mặt trời lớn gấp 4 lần so
với châu Âu và gần bảy lần so với ở Ấn Độ, là nhà sản xuất năng lượng
mặt trời lớn thứ ba thế giới.
Mỹ Latinh trên con đường khai thác tiềm năng lớn năng lượng mặt trời
Hiện
nay, năng lượng mặt trời mới tạo ra 3 - 4% lượng điện được sản xuất
trên toàn khu vực Mỹ Latinh và Caribe (LAC). Tuy nhiên, với gần 250 dự
án xây dựng 19.429 megawatt (MW) công suất điện mặt trời, tiềm năng cung
cấp điện mặt trời của khu vực dự kiến sẽ tăng ít nhất 70% so với mức
hiện tại sau khi các dự án hoàn thành.
Theo
GEM, thêm 97.119 MW công suất đã được công bố hoặc đang trong giai đoạn
tiền xây dựng, nhiều hơn so với dự kiến trong cùng hạng mục ở Bắc Mỹ.
Các
động lực chính đằng sau sự thúc đẩy năng lượng mặt trời là các đối tác
nặng ký về kinh tế và công nghiệp lớn nhất của khu vực: Brazil, Mexico,
Colombia, Chile và Peru. 5 quốc gia này chiếm hơn 88% công suất năng
lượng mặt trời được lắp đặt hiện tại và khoảng 97% công suất bổ sung
theo kế hoạch đã được xây dựng. Bất kỳ sự thúc đẩy nào đối với nguồn
cung cấp năng lượng sạch ở 5 nền kinh tế lớn nhất của LAC đều có thể
giúp giảm thiểu ô nhiễm tập thể bắt nguồn từ toàn bộ khu vực và đóng góp
vào nỗ lực nhằm hạn chế lượng khí thải CO2 toàn cầu trước năm 2050.
Các
nền kinh tế lớn trong khu vực như Brazil và Mexico có ảnh hưởng thiết
lập xu hướng giữa các quốc gia láng giềng, có nghĩa là bất kỳ câu chuyện
thành công nào về thay đổi chính sách năng lượng sạch sẽ có khả năng
kích hoạt hành vi bắt chước trong phạm vi ảnh hưởng của họ.
Dự án tuyến cáp liên kết năng lượng dưới biển giữa Tây Ban Nha và Pháp được thông qua
Hôm
thứ Năm (2/3), Pháp và Tây Ban Nha đã công bố một bước đột phá, giải
quyết sự bế tắc kéo dài về đường dây cáp điện dưới biển đầu tiên của họ.
Cơ quan giám sát cạnh tranh (CNMC) của Tây Ban Nha và Cơ quan quản lý
năng lượng (CRE) của Pháp đã thông qua thỏa thuận chia sẻ chi phí mới
giữa hai nước cho dự án được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2017.
CNMC
cho biết tuyến cáp dài 400 km (250 dặm) kéo dài từ bờ biển phía bắc của
Tây Ban Nha đến bờ biển phía tây của Pháp qua vịnh Biscay ước tính có
tổng chi phí khoảng 2,85 tỷ euro (3,01 tỷ USD), cao hơn ước tính ban đầu
là 1,75 tỷ euro.
Liên
minh châu Âu sẽ đóng góp ít nhất 578 triệu euro cho chi phí này. Sau
khi chiết khấu viện trợ của EU, phân bổ chi phí sẽ là 54% cho Tây Ban
Nha và 46% cho Pháp. Theo một nguồn tin của cơ quan quản lý Tây Ban Nha,
gánh nặng đối với Tây Ban Nha thấp hơn một chút so với những gì đã được
thống nhất vào năm 2017.
CRE
cho biết dự án sẽ nâng cao năng lực kết nối giữa hai quốc gia, tăng
công suất kết nối giữa hai nước từ 2,8 GW lên 5 GW và dự kiến sẽ đi
vào hoạt động vào năm 2028. Dự án sẽ cho phép Tây Ban Nha cung cấp nguồn
năng lượng tái tạo dồi dào của mình vào mạng lưới rộng lớn hơn ở châu
Âu, điều này khiến dự án ngày càng trở nên quan trọng sau cuộc khủng
hoảng năng lượng ở châu Âu vào năm 2022.
Chính quyền Biden cấp 1,2 tỷ USD cho các nhà máy hạt nhân bị đóng cửa, gặp khó khăn
Chính
quyền Biden hôm thứ Năm (2/3) cho biết sẽ cung cấp khoản hỗ trợ 1,2 tỷ
USD để kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân gặp khó khăn, và
có thể tài trợ cho một nhà máy vừa đóng cửa. Nhóm khí hậu của Tổng thống
Biden tin rằng năng lượng hạt nhân là nguồn điện gần như không có
carbon quan trọng cần được duy trì và mở rộng để đạt được cam kết của
Tổng thống về “điện sạch” 100% vào năm 2035.
Khoản
tài trợ này đến từ Chương trình tín dụng hạt nhân dân sự trị giá 6 tỷ
USD, được tạo ra qua Luật Cơ sở hạ tầng năm 2021 và sẽ được phân phối
bởi Bộ Năng lượng Mỹ (DOE). Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm cho
biết việc mở rộng phạm vi của khoản tài trợ này sẽ cho phép thậm chí
nhiều cơ sở hạt nhân có cơ hội tiếp tục hoạt động với tư cách là động
lực kinh tế trong các cộng đồng địa phương được hưởng lợi từ năng lượng
rẻ, sạch và đáng tin cậy.
Trong
vòng tài trợ thứ hai của chương trình, số tiền này được cung cấp cho
các nhà máy có nguy cơ đóng cửa trong vòng vài năm tới, và lần đầu tiên,
hỗ trợ các nhà máy đã ngừng hoạt động sau ngày 15/11/2021.
Năm
ngoái, DOE đã cung cấp 1,1 tỷ USD tài trợ có điều kiện cho nhà máy hạt
nhân Diablo Canyon của Pacific Gas & Electric, dự kiến đóng cửa
hoàn toàn vào năm 2025.
Thanh Bình
Nguồn:https://nangluongquocte.petrotimes.vn/ban-tin-nang-luong-xanh-my-latinh-tren-con-duong-khai-thac-tiem-nang-lon-nang-luong-mat-troi-679578.html