Bản tin Năng lượng xanh: Không hy vọng được giải cứu, một số công ty năng lượng mặt trời châu Âu chuyển hướng sang Mỹ

Hôm thứ Hai (15/4), các Bộ trưởng năng lượng châu Âu đã họp tại Brussels để tìm biện pháp hỗ trợ cho ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của châu Âu đang gặp khó khăn, trước sự cạnh tranh mạnh mẽ từ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và sức hút tài trợ của Mỹ đối với năng lượng sạch.

Không hy vọng được giải cứu, một số công ty năng lượng mặt trời châu Âu chuyển hướng sang Mỹ

Tuy nhiên, động thái hỗ trợ các nhà sản xuất năng lượng mặt trời của các Chính phủ châu Âu trong tuần này, được cho là quá muộn để ngăn chặn việc nhà sản xuất tấm pin mặt trời Meyer Burger phải đóng cửa một nhà máy ở Đức để chuyển dây chuyền sản xuất sang Mỹ.

Nhà máy ở Freiberg ở miền đông nước Đức đã đóng cửa vào giữa tháng 3/2024, cắt giảm 500 việc làm. Công ty niêm yết ở Thụy Sỹ này đã gia nhập danh sách ngày càng nhiều các nhà máy sản xuất năng lượng tái tạo ở châu Âu phải đóng cửa hoặc di chuyển ra khỏi châu Âu.

Người phát ngôn của công ty Meyer Burger cho biết các cuộc đàm phán với Chính phủ liên bang Đức, nhằm cố gắng đảm bảo tương lai cho nhà máy vào cuối tháng Ba đã không thành công. Các công nhân tại nhà máy này đã thu dọn dây chuyền sản xuất cuối cùng trước khi ngừng hoạt động.

Bộ Kinh tế Đức cho biết họ đã nhận thức được “tình hình rất nghiêm trọng” của các công ty Đức, và đã xem xét các phương án tài trợ cho ngành này trong hơn một năm. Họ đồng ý cấp cho Meyer Burger một khoản bảo lãnh tín dụng xuất khẩu cho các thiết bị sản xuất tại Đức để sử dụng tại các nhà máy ở Mỹ. Bước đi này sẽ giúp ích cho một cơ sở sản xuất ở gần đó nhưng đã không cứu được cơ sở sản xuất tại Freiberg. Việc đóng cửa cơ sở này đã làm giảm 10% sản lượng tấm pin mặt trời của châu Âu, bất chấp sự bùng nổ về năng lượng gió và mặt trời đang diễn ra ở châu Âu.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế, việc tăng công suất năng lượng tái tạo, trong đó có các tấm pin mặt trời, đang hoạt động với tốc độ kỷ lục. Tuy nhiên, các nhà sản xuất có trụ sở tại châu Âu cung cấp những tấm pin này đang bị sức ép cạnh tranh lớn từ Trung Quốc và Mỹ, nơi mà Chính phủ hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà sản xuất của họ.

Tình hình này đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với các Chính phủ châu Âu muốn chống lại biến đổi khí hậu: Hoặc cung cấp thêm hỗ trợ để đảm bảo sản xuất trong nước có thể duy trì tính cạnh tranh, hoặc cho phép dòng hàng nhập khẩu không bị cản trở để theo kịp tốc độ lắp đặt.

Trung Quốc đang mở rộng sản lượng năng lượng mặt trời và hiện chiếm 80% công suất sản xuất năng lượng mặt trời của thế giới. Theo công ty nghiên cứu Wood Mackenzie, chi phí sản xuất các tấm pin ở đây là khoảng 12 cent/watt năng lượng được tạo ra, thấp hơn nhiều so với 22 cent ở châu Âu.

Các khoản trợ cấp của Mỹ được công bố như một phần của Đạo luật Giảm phát năm 2022, cho phép một số nhà sản xuất năng lượng tái tạo, và nhà phát triển dự án yêu cầu các khoản tín dụng thuế, và điều này đang thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài Liên minh Châu Âu.

Công ty Meyer Burger cho biết họ có kế hoạch mở một nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời ở bang Arizona, và một nhà máy sản xuất pin mặt trời ở Colorado. Giám đốc điều hành Gunter Erfurt của công ty cho biết công ty đã thực hiện một bước đi táo bạo, khi không có bất kỳ sự hỗ trợ chính sách công nghiệp nào ở châu Âu, và họ phải chuyển dự án mở rộng pin mặt trời từ Đức sang Mỹ.

Tương tự, công ty pin Freyr hoạt động chủ yếu ở Na Uy, đã ngừng hoạt động tại một nhà máy đang xây dựng dở dang tại khu vực Vòng Bắc Cực, và đang tập trung vào kế hoạch xây dựng một nhà máy ở bang Georgia của Mỹ. Freyr cho biết trong tháng Hai họ đã thay đổi đăng ký từ Luxembourg sang Mỹ.

Birger Steen, Giám đốc điều hành của Freyr cho rằng họ đã đi đến kết luận rằng châu Âu sẽ không đưa ra bất cứ hình thức phản ứng nào ở cấp độ chính sách. Phản ứng về vấn đề này, Bộ Thương mại và Công nghiệp Na Uy cho biết, họ đã đưa ra khung chính sách công nghiệp nhằm vào các công nghệ chuyển đổi năng lượng, trong đó có năng lượng mặt trời và pin, nhưng không trực tiếp trả lời các câu hỏi về nguồn tài trợ bổ sung cho các công ty.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho rằng cần phải giảm thiểu tình trạng sản xuất quá mức hàng hóa năng lượng sạch của Trung Quốc

Hôm thứ Ba (16/4), Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cho rằng các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào sản xuất hàng hóa năng lượng sạch tiên tiến, đã dẫn đến một sân chơi không công bằng khiến người lao động và doanh nghiệp Mỹ gặp rủi ro, và điều này cần phải được giảm thiểu.

Trả lời phóng viên bên lề cuộc họp mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, Bộ trưởng Yellen cho rằng việc sản xuất quá mức xe điện, pin, tấm pin mặt trời và các hàng hóa khác có thể khiến các công ty ở Mỹ, và các nước khác phá sản, trong khi các công ty Trung Quốc tiếp tục nhận được hỗ trợ.

Bà cho rằng đây không phải là một sân chơi bình đẳng. Và từ quan điểm chuỗi cung ứng, Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói việc này sẽ tạo ra những rủi ro mà phía Mỹ đang tìm cách giảm thiểu.

Bộ trưởng Yellen cho biết Mỹ đang chuẩn bị cho vòng đàm phán mới với các quan chức Trung Quốc.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Liao Min nói rằng Bắc Kinh coi trọng chuyến thăm sắp tới của đoàn Trung Quốc tới Washington; cảm ơn Bộ trưởng Yellen đã có các cuộc đàm phán "có chương trình, sâu sắc và mang tính xây dựng" ở Trung Quốc và hy vọng hai bên sẽ tiếp tục trao đổi sâu sắc hơn.

Bộ trưởng Yellen đã đến thăm Trung Quốc hồi đầu tháng Tư, cho biết cuộc đối thoại với các quan chức Trung Quốc đã mang đến tiến bộ trong các lĩnh vực cùng quan tâm, trong đó có chống rửa tiền và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Các quan chức Mỹ cũng đã tham dự các cuộc thảo luận quan trọng với các quan chức cấp cao của Trung Quốc về thực tiễn chính sách công nghiệp của Trung Quốc, và những tác động tiêu cực mà tình trạng dư thừa công suất có thể tạo ra cho nền kinh tế toàn cầu.

2023 là năm kỷ lục về lắp đặt năng lượng gió

Theo một báo cáo được công bố hôm thứ Ba (16/4) của Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC), năm 2023 đã chứng kiến việc lắp đặt kỷ lục năng lượng gió trên toàn thế giới, với tổng công suất mới là 117 gigawatt.

Theo báo cáo, con số này thể hiện mức tăng 50% kể từ năm 2022. Cụ thể, công suất trên đất liền cũng đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023, đạt 106 gigawatt, lần đầu tiên vượt qua con số 100. Công suất năng lượng gió ngoài khơi 10,8 gigawatt là con số tốt thứ hai trong một năm.

Các thị trường mới của năng lượng gió rất đa dạng về mặt địa lý, chủ yếu có mặt tại các quốc gia có dân số cao, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Đức. GWEC nhận thấy Châu Mỹ Latinh chứng kiến mức tăng trưởng kỷ lục 21% từ năm 2022 đến năm 2023, chủ yếu nhờ vào việc lắp đặt ở Brazil.

Các tác giả báo cáo cho biết tốc độ tăng trưởng hằng năm phải tiếp tục tăng, để đáp ứng các mục tiêu đặt ra tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu quốc tế COP28 năm ngoái, kêu gọi tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo vào cuối thập kỷ này. Báo cáo đưa ra mức tăng trưởng cần thiết để đạt được mục tiêu này là 320 gigawatt.

Báo cáo này được đưa ra ngay sau sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng gió và mặt trời ở Mỹ, trong đó có các bang nổi tiếng về khai thác nhiên liệu hóa thạch như Oklahoma và Texas dẫn đầu.

Tuần trước Bộ Nội vụ Mỹ đã công bố quy định sẽ cắt giảm phí phát triển năng lượng gió và mặt trời trên đất công, với ước tính của Bộ này sẽ cắt giảm phí khoảng 80%./.

Thanh Bình

Nguồn:https://nangluongquocte.petrotimes.vn/ban-tin-nang-luong-xanh-khong-hy-vong-duoc-giai-cuu-mot-so-cong-ty-nang-luong-mat-troi-chau-au-chuyen-huong-sang-my-709547.html