Bản tin Năng lượng xanh: EU phê duyệt khoản tài trợ công tới 5,2 tỷ USD cho các dự án hydro

Hôm thứ Tư (21/9), Ủy ban châu Âu (EC) đã phê duyệt khoản tài trợ công lên tới 5,2 tỷ Euro (khoảng 5,2 tỷ USD) cho các dự án hydrogen, một động thái được cho rằng có thể giúp thu hút thêm 7 tỷ Euro đầu tư từ khu vực tư nhân. Cùng ngày 21/9/2022, Thượng viện Mỹ cũng đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp ước khí hậu toàn cầu giảm dần việc sử dụng và sản xuất hydrofluorocarbon, hay HFC, các hóa chất làm nóng khí hậu được sử dụng rộng rãi trong điều hòa không khí và làm lạnh.

Cơ quan điều hành của EU cho biết đây là dự án hàng đầu của khối nhằm hỗ trợ nghiên cứu, triển khai và xây dựng cơ sở hạ tầng hydro, được gọi là IPCEI Hy2Use, đã được 13 quốc gia thành viên chuẩn bị cung cấp nguồn vốn công.



Theo Ủy ban châu Âu, IPCEI Hy2Use sẽ có 29 doanh nghiệp tham gia vào 35 dự án. IPCEI Hy2Use sẽ hỗ trợ việc xây dựng “máy điện phân quy mô lớn và cơ sở hạ tầng giao thông, để sản xuất, lưu trữ và vận chuyển hydro carbon thấp và tái tạo.” Sáng kiến này sẽ tập trung vào việc phát triển “các công nghệ sáng tạo và bền vững hơn để tích hợp hydro vào các quy trình công nghiệp của nhiều lĩnh vực” như thủy tinh, xi măng và thép.

Ủy ban châu Âu cho biết: “IPCEI dự kiến sẽ thúc đẩy nguồn cung cấp hydro carbon thấp và tái tạo, do đó giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên.

Margrethe Vestager, Phó Chủ tịch điều hành tại Ủy ban phụ trách chính sách cạnh tranh, cho biết các khoản đầu tư được phê duyệt theo Hy2Use sẽ cho phép sản xuất khoảng 3,5 gigawatt công suất điện phân. Điều này sẽ dẫn đến “sản lượng khoảng 340.000 tấn hydro carbon thấp và tái tạo mỗi năm”. Ủy ban châu Âu trước đây cho biết họ muốn 40 GW thiết bị điện phân hydro tái tạo được lắp đặt ở EU vào năm 2030.

Được Cơ quan Năng lượng Quốc tế mô tả là “chất mang năng lượng đa năng”, hydro có nhiều ứng dụng đa dạng và có thể được triển khai trong nhiều ngành công nghiệp. Nếu điện được sử dụng trong quá trình này đến từ một nguồn tái tạo như gió hoặc mặt trời thì một số người gọi nó là hydro “xanh” hoặc “tái tạo”. Ngày nay, phần lớn quá trình tạo hydro dựa trên nhiên liệu hóa thạch.

Ngân hàng hydrogen châu Âu

Tuần trước, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã bày tỏ sự ủng hộ đối với hydrogen. Trên trang web của Ủy ban châu Âu, von der Leyen cho biết “hydro có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với châu Âu. Chúng ta cần chuyển nền kinh tế hydro của mình từ thị trường ngách sang quy mô lớn ”.

Trong phát biểu của mình trong Thông điệp Liên minh châu Âu, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cũng đề cập đến “mục tiêu 2030 để sản xuất 10 triệu tấn hydro tái tạo ở EU, mỗi năm”. “Để đạt được mục tiêu này, chúng ta phải tạo ra một nhà sản xuất thị trường cho hydro, để thu hẹp khoảng cách đầu tư và kết nối cung và cầu trong tương lai.

Để đạt được mục tiêu này, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen của EU cũng tuyên bố thành lập Ngân hàng Hydrogen Châu Âu. Người ta hy vọng việc thành lập ngân hàng này sẽ có thể đầu tư 3 tỷ Euro để hỗ trợ thị trường hydro trong tương lai.

Mỹ phê chuẩn Hiệp ước toàn cầu về hạn chế các hóa chất làm nóng lên khí hậu trong điều hòa không khí, làm lạnh (Hiệp ước khí hậu của Nghị định thư Montreal năm 1987)

Hôm thứ Tư (21/9), Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu 69-27 thông qua Tu chính án Kigali 2016, một sửa đổi đối với Hiệp ước khí hậu của Nghị định thư Montreal năm 1987 (The 1987 Montreal Protocol Climate Treaty), nhằm hạn chế đáng kể việc sử dụng HFC, chất có tác dụng gấp hàng nghìn lần so với carbon dioxide trong việc làm nóng Trái đất. 48 Thượng nghị sỹ Dân chủ và 21 Thượng nghị sỹ Cộng hòa đã bỏ phiếu ủng hộ; bốn thành viên của Thượng viện đã không bỏ phiếu.

Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) cho biết bước đi như vậy có thể giúp tránh hiện tượng trái đất nóng lên đến 0,5 độ C vào cuối thế kỷ này. Theo EPA, phát thải từ HFCs tăng từ năm 2018 đến 2019 do nhu cầu về điều hòa không khí và làm lạnh tăng trong bối cảnh nhiệt độ cao kỷ lục ở Mỹ.

Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mỹ Chuck Schumer (Đảng Dân chủ, Bang New York) nói “Đây là một bước đi hai bên cùng có lợi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của chúng ta và sẽ còn một chặng đường dài để chống chọi với tình trạng nhiệt độ toàn cầu tăng cao đồng thời tạo ra hàng chục nghìn việc làm với mức lương tốt ở Mỹ”.

Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành lệnh hành pháp yêu cầu Quốc hội phê chuẩn Tu chính án Kigali, một trong số hàng loạt các hành động khác của chính quyền liên bang nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong nước Mỹ. Mỹ đã tham gia cùng 136 quốc gia khác và Liên minh châu Âu phê chuẩn sửa đổi (Tu chính án Kigali).

Ngày 21/9/2022, trong một tuyên bố hoan nghênh quyết định này của Thượng viện, Tổng thống Mỹ Biden nhấn mạnh: "Việc phê chuẩn Tu chính án Kigali sẽ cho phép chúng ta dẫn đầu thị trường công nghệ sạch trong tương lai, bằng cách đổi mới và sản xuất những công nghệ đó tại Mỹ". “Việc phê chuẩn sẽ thúc đẩy tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực sản xuất, tăng cường khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ và thúc đẩy nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu”.

Các nhóm môi trường, các chính trị gia và các nhóm công nghiệp phần lớn đã ủng hộ việc loại bỏ HFC trên toàn thế giới như một cách quan trọng để chống lại biến đổi khí hậu và thúc đẩy các công nghệ bền vững hơn./.


Thanh Bình/Petrotimes

Nguồn: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/ban-tin-nang-luong-xanh-eu-phe-duyet-khoan-tai-tro-cong-toi-52-ty-usd-cho-cac-du-an-hydro-666512.html