Thứ Ba (6/12), Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết công suất năng
lượng tái tạo toàn cầu sẽ tăng gấp đôi trong vòng 5 năm tới, do những lo
ngại về an ninh năng lượng sau cuộc xung đột Ukraine.
Công suất năng lượng tái tạo toàn cầu sẽ tăng gấp đôi trong 5 năm tới-IEA
Trong
một báo cáo hàng năm về triển vọng năng lượng tái tạo, IEA cho biết
công suất trên toàn thế giới dự kiến sẽ tăng thêm 2.400 gigawatt (GW),
tương đương với toàn bộ công suất điện của Trung Quốc hiện nay, lên
5.640 GW vào năm 2027.
Mức
tăng cao hơn 30% so với mức dự báo tăng trưởng một năm trước. Giá điện
và khí đốt cao từ cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu trong năm nay đã
khiến các công nghệ năng lượng tái tạo trở nên hấp dẫn hơn.
Tăng
trưởng năng lượng tái tạo cũng đang được thúc đẩy do Mỹ, Trung Quốc và
Ấn Độ thực hiện các chính sách và cải cách thị trường để hỗ trợ triển
khai năng lượng tái tạo nhanh hơn so với kế hoạch trước đây.
Giám
đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết: “Năng lượng tái tạo đã mở rộng
nhanh chóng, nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã đẩy chúng vào
một giai đoạn mới với tốc độ tăng trưởng thậm chí còn nhanh hơn khi các
quốc gia tìm cách tận dụng lợi ích an ninh năng lượng của mình”. “Thế
giới sẽ bổ sung nhiều năng lượng tái tạo trong 5 năm tới như đã thực
hiện trong 20 năm trước”.
Báo
cáo cho biết năng lượng tái tạo sẽ chiếm hơn 90% lượng điện mở rộng
toàn cầu trong 5 năm tới, vượt qua than đá để trở thành nguồn điện lớn
nhất toàn cầu vào đầu năm 2025.
Công
suất quang điện mặt trời toàn cầu sẽ tăng gần gấp 3 lần vào năm 2027,
trở thành nguồn công suất điện lớn nhất thế giới, trong khi công suất
điện gió sẽ tăng gần gấp đôi. Trong khi đó, nhu cầu nhiên liệu sinh học
sẽ tăng 22% vào năm 2027.
Toyota được tài trợ để phát triển phiên bản pin nhiên liệu hydro của xe bán tải Hilux tại Anh
Một
tập đoàn do gã khổng lồ ô tô Toyota dẫn đầu sẽ được nhận hàng triệu đô
la tài trợ để phát triển xe bán tải chạy bằng pin nhiên liệu hydro ở
Anh. Trong một tuyên bố hôm thứ Sáu (2/12) vừa qua, Toyota cho biết
nguyên mẫu chạy bằng pin nhiên liệu của chiếc bán tải Hilux sẽ được phát
triển tại nhà máy của hãng ở Burnaston, East Midlands, Vương quốc Anh.
Toyota
Motor Manufacturing UK đang đứng đầu tập đoàn, được hỗ trợ 5,7 triệu
bảng Anh (khoảng 7 triệu USD) vốn tài trợ của ngành và 5,6 triệu bảng
Anh từ Chính phủ Anh. Thatcham Research, D2H, ETL và Ricardo cũng tham
gia vào dự án.
Toyota
cho biết Toyota Motor Europe R&D sẽ “hỗ trợ kỹ thuật” cho dự án.
“Trong phạm vi đấu thầu tài trợ, những chiếc xe Hilux nguyên mẫu ban đầu
sẽ được sản xuất tại Burnaston trong năm 2023”.
Phiên
bản gốc của Hilux có từ những năm 1960 và kể từ đó, một số phiên bản
của chiếc xe đã được phát triển. Chính phủ Anh cho biết Hilux chạy bằng
pin nhiên liệu hydro sẽ “là lý tưởng" để sử dụng ở những nơi biệt lập,
nơi không thể thực hiện việc sạc xe điện.
Tin
tức hôm thứ Sáu (2/12) phản ánh động thái mới nhất của Toyota trong
lĩnh vực này. Công ty bắt đầu nghiên cứu phát triển xe chạy bằng pin
nhiên liệu từ năm 1992. Năm 2014, hãng cho ra mắt Mirai, một chiếc sedan
chạy bằng pin nhiên liệu hydro.
Bên
cạnh Mirai, Toyota đã góp phần phát triển các loại xe chạy bằng pin
nhiên liệu hydro lớn hơn, trong đó bao gồm mẫu xe buýt có tên là Sora và
nguyên mẫu của những chiếc xe tải hạng nặng. Cũng như pin nhiên liệu,
Toyota đang xem xét sử dụng hydro trong động cơ đốt trong.
Mặc
dù doanh nghiệp Toyota được biết đến với các loại xe hybrid và pin
nhiên liệu hydro, nhưng Toyota cũng đang cố gắng thực hiện các bước tiến
trong thị trường pin điện ngày càng cạnh tranh, nơi các công ty như
Tesla và Volkswagen đang tranh giành vị trí.
Anh
muốn ngừng bán xe ô tô và xe tải mới chạy bằng dầu diesel và xăng vào
năm 2030. Từ năm 2035, nước này sẽ yêu cầu tất cả ô tô và xe tải mới
phải không có khí thải từ ống xả. Liên minh châu Âu cũng đang theo đuổi
các mục tiêu tương tự.
Thanh Bình
Nguồn: https://petrotimes.vn/ban-tin-nang-luong-xanh-cong-suat-nang-luong-tai-tao-toan-cau-se-tang-gap-doi-trong-5-nam-toi-673181.html