Các nước châu Âu muốn biến Biển Bắc thành trung tâm năng lượng xanh
Các
nhà lãnh đạo từ 7 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), trong đó có
Pháp, Đức và Hà Lan, cùng với 2 quốc gia ngoài EU là Na Uy và Anh cam
kết đẩy nhanh việc xây dựng các trang trại gió, phát triển các "đảo năng
lượng", hoặc các địa điểm phát điện tái tạo được kết nối trên biển, và
phát triển các dự án thu giữ carbon và hydro tái tạo trong khu vực.
Mục đích của kế hoạch là để hạn chế sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga và giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Trong
tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo của các quốc gia cho biết họ sẽ nhắm
tới tổng công suất điện gió ngoài khơi là 120 gigawatt (GW) vào năm 2030
ở Biển Bắc và các vùng biển phía bắc, trong đó có Biển Ireland, và 300
GW vào năm 2050. Điều đó có nghĩa là sẽ tăng hơn gấp 4 lần công suất
năng lượng gió Biển Bắc của các quốc gia, mức hiện tại là 25 GW.
Phát
biểu tại họp báo, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết việc xây
dựng điện gió ngoài khơi phải do các nhà sản xuất châu Âu thúc đẩy, để
tránh việc mở rộng năng lượng tái tạo lại tạo ra một sự phụ thuộc mới
vào nhập khẩu nước ngoài, khẳng định đây là một cơ hội quan trọng về chủ
quyền và năng lực sản xuất, không lặp lại các sai lầm trước đây.
Bỉ,
Đan Mạch, Ireland và Luxembourg, là những nước không có bờ biển, cũng
đã ký cam kết. Anh đã ký vào tuyên bố chung, mặc dù Thủ tướng Rishi
Sunak không tham dự hội nghị thượng đỉnh.
Một
số quốc gia đã công bố các dự án thúc đẩy năng lượng xanh. Hà Lan và
Anh cho biết họ có kế hoạch xây dựng đường dây điện xuyên biên giới lớn
nhất châu Âu kết nối với một trang trại gió ngoài khơi. EU và Na Uy cũng
cam kết phát triển cơ sở hạ tầng để thu và lưu trữ CO2 từ khí thải công
nghiệp ở các mỏ khí đốt cạn kiệt ở Biển Bắc.
Các công ty châu Âu cảnh báo ngành năng lượng tái tạo cần chính sách và sự hỗ trợ tài chính để phát triển đúng hướng
Hôm
thứ Hai (24/4), các công ty châu Âu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo
cho biết ngành năng lượng tái tạo ngoài khơi của châu Âu không đủ lớn để
thực hiện các mục tiêu của chính phủ muốn mở rộng nhanh chóng năng
lượng xanh, và cần có một bước nhảy vọt trong hỗ trợ chính sách và tài
trợ để ngành phát triển đúng hướng.
Các
công ty đã ký vào lời kêu gọi chung khi các nhà lãnh đạo từ 9 quốc gia
tham dự Hội nghị Thượng định tại Ostend, Bỉ hôm thứ Hai (24/4), cam kết
tăng hơn 4 lần công suất gió ngoài khơi ở Biển Bắc vào năm 2030.
Hơn
100 công ty và tập đoàn công nghiệp, trong đó có các công ty năng lượng
lớn như Orsted, Shell và Equinor, nhà sản xuất tuabin gió Siemens
Gamesa, National Grid của Anh, nhà sản xuất thiết bị hydro tái tạo Nel
và tập đoàn công nghiệp Wind Europe, cho biết trong tuyên bố chung:
“Ngành công nghiệp của chúng tôi hiện nay không đủ lớn để thực hiện các
cam kết của 9 chính phủ và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng
điện tái tạo và hydro tái tạo”.
Các
công ty cho biết ngành công nghiệp châu Âu có thể sản xuất 7 GW điện
gió ngoài khơi mỗi năm. Để đạt được mục tiêu của Hội nghị thượng đỉnh
Biển Bắc vừa qua, sẽ cần bổ sung hơn 20 GW điện gió mỗi năm trong thời
gian vài năm. Các công ty cam kết sẽ "làm mọi việc có thể" để đảm bảo
các trang trại gió mới sẽ được sản xuất ở châu Âu.
Các
quyết định đầu tư cuối cùng vào các trang trại gió ngoài khơi châu Âu
đã chạm mức thấp nhất trong 10 năm vào năm 2022 khi các nhà phát triển
phải đối mặt với lạm phát cao kỷ lục, lãi suất tăng cao và thị trường
năng lượng biến động.
Đầu
tư đã phục hồi trở lại trong năm 2023, nhưng các công ty cho biết sẽ
cần hỗ trợ thêm nếu không lĩnh vực năng lượng tái tạo của châu Âu có thể
sẽ gặp khó khăn trong việc cung cấp năng lượng cần thiết để đạt các mục
tiêu đề ra và tăng nguy cơ gia tăng sự phụ thuộc vào các thiết bị nhập
khẩu.
Các
công ty kêu gọi tăng cường tài trợ của các chính phủ và EU để mở rộng
sản xuất các thiết bị năng lượng tái tạo của châu Âu và định giá theo
chỉ số lạm phát trong các cuộc đấu giá của chính phủ để hỗ trợ các trang
trại gió.
Mỹ
cam kết bảo đảm khoản vay trị giá 3 tỷ USD cho Công ty Sunnova để mở
rộng khả năng tiếp cận năng lượng mặt trời cho các khách hàng mới
Hôm
thứ Năm (20/4), Công ty năng lượng mặt trời dân dụng Sunnova Energy
International cho biết Chính phủ Mỹ sẽ cung cấp bảo lãnh khoản vay một
phần lên tới 3 tỷ USD để hỗ trợ tài chính cho các hệ thống năng lượng
mặt trời trên mái nhà. Cổ phiếu của công ty đã tăng 15% sau thông báo,
lên 18,19 USD trong phiên giao dịch buổi chiều.
Thông
qua việc giảm chi phí tài trợ năng lượng mặt trời cho 115.000 gia đình,
khoản đầu tư của Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) tìm cách mở rộng khả năng tiếp
cận năng lượng sạch cho khách hàng mới và tăng cường khả năng phục hồi
lưới điện khi Mỹ tìm cách khử carbon cho ngành điện vào năm 2035. Để đủ
điều kiện vay, khách hàng phải sử dụng công nghệ Sunnova theo dõi việc
sử dụng điện của họ. Mục đích là tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra
mạng lưới các thiết bị lưu trữ hoặc thiết bị sản xuất năng lượng nhỏ
được kết hợp với nhau để phục vụ lưới điện.
Tháng
trước, Sunnova Energy cho biết họ đã thảo luận với Văn phòng Chương
trình Cho vay (LPO) của DOE về khả năng phát hành bảo lãnh gián tiếp 90%
cho khoản vay năng lượng mặt trời lên tới 3,3 tỷ USD.
Văn
phòng Chương trình Cho vay của DOE có mục đích tăng tốc độ phát triển
của ngành năng lượng sạch thông qua các khoản vay dành cho các công ty
có thể gặp khó khăn trong việc huy động vốn tư nhân do nhu cầu vốn lớn,
công nghệ giai đoạn đầu hoặc công ty có mô hình kinh doanh sáng tạo./.
Thanh Bình
Nguồn:https://nangluongquocte.petrotimes.vn/ban-tin-nang-luong-xanh-cac-nuoc-chau-au-muon-bien-bien-bac-thanh-trung-tam-nang-luong-xanh-683464.html