BP đang tìm kiếm đối tác cho các dự án năng lượng gió ngoài khơi ở Nhật Bản và có thể đầu tư vào các công ty công nghệ hydro để giải quyết tình trạng lạm phát và tắc nghẽn nguồn cung ứng thiết bị đã ảnh hưởng đến lĩnh vực năng lượng tái tạo.
BP tìm kiếm quan hệ đối tác ở Nhật Bản để điều hướng “cơn bão” trong năng lượng tái tạo
Tập đoàn dầu mỏ BP có kế hoạch mở rộng lĩnh vực năng lượng carbon thấp trong những thập kỷ tới khi tìm kiếm một mô hình kinh doanh dài hạn có thể tồn tại trong quá trình chuyển đổi toàn cầu từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng carbon thấp. Một số nhà đầu tư cho rằng chiến lược này đã khiến BP chuyển hướng sự tập trung ra khỏi lĩnh vực có lợi nhuận cao hơn trong các hoạt động kinh doanh dầu khí.
Anja-Isabel Dotzenrath, người lãnh đạo hoạt động kinh doanh năng lượng tái tạo của BP, nói với Reuters rằng đã đến lúc "thực hiện" và tìm kiếm các đối tác ở Nhật Bản, một trong những thị trường được xác định là có khả năng tăng trưởng và coi đây là một phần của giải pháp.
Đầu tháng 11, bà cho biết ngành công nghiệp gió ngoài khơi của Mỹ “về cơ bản đã bị phá vỡ” sau khi BP ghi nhận lỗ 540 triệu USD cho các dự án điện gió ngoài khơi New York, do lạm phát và sự quan liêu khiến các dự án có chi phí vượt quá ngân sách và bị kéo dài thời gian.
Trên toàn cầu, lĩnh vực năng lượng năng lượng tái tạo đã bị suy yếu do việc cấp phép chậm, thách thức về công nghệ, chi phí nguyên liệu thô tăng và chi phí vốn cao hơn.
Đối tác năng lượng tái tạo của BP là Equinor của Na Uy cũng bị lỗ 300 triệu USD liên quan, trong khi Orsted của Đan Mạch, công ty dự án gió ngoài khơi số một trên thế giới, đã hủy bỏ hai dự án ở Mỹ và phải chịu khoản lỗ hàng tỷ Euro.
Khi BP tìm cách đảm bảo có thể đáp ứng mục tiêu lợi nhuận nội bộ từ 6% đến 8% đối với các dự án năng lượng tái tạo, Dotzenrath cho biết BP đang tìm cách giảm chi phí trên toàn cầu.
Bà Dotzenrath cho biết lạm phát không chỉ là vấn đề đối với các dự án ở Mỹ. BP cũng đang cố gắng giảm chi phí ở các khu vực khác bằng cách sử dụng nhiều đòn bẩy khác nhau, trong đó có các chiến lược mua hàng tối ưu hóa, và có thể dẫn đến việc BP đầu tư trực tiếp vào chuỗi cung ứng.
Dotzenrath cho biết, trên thị trường toàn cầu, tập đoàn BP đang nhắm tới từ ba đến năm cụm có công suất từ 4 đến 8 gigawatt, và Nhật Bản là nơi BP có khả năng hợp tác với các công ty điện lực địa phương. “ Bạn cần một trong những nhà cung cấp năng lượng địa phương để giúp bạn thúc đẩy các quy trình cấp phép và thiết lập kết nối lưới điện trên bờ”.
Dotzenrath là người lãnh đạo hoạt động kinh doanh năng lượng tái tạo của công ty cung cấp điện hàng đầu RWE của Đức trước khi gia nhập BP vào năm 2022, cho biết quan hệ đối tác là rất quan trọng để giải quyết các nút thắt trong lĩnh vực hydro, một lĩnh vực khác mà BP đã ưu tiên phát triển trong tương lai. Hiện tại, BP không sản xuất máy điện phân để tách nước thành hydro, nhưng Dotzenrath cho biết không loại trừ khả năng BP tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực hydrogen. BP có thể sẽ trở thành nhà đầu tư chủ chốt của một nhà sản xuất công nghệ hàng đầu xây dựng nhà máy sản xuất máy điện phân.
Nước Đức, dưới thời Thủ tướng Olaf Scholz, hy vọng đóng vai trò quan trọng trong thị trường hydro non trẻ, là quê hương của một số công ty hàng đầu trong ngành, như Thyssenkrupp Nucera và Siemens Energy.
Đức cũng là nơi mà BP trả giá cao hơn các đối thủ nặng ký địa phương như BASF, EnBW và RWE trong cuộc đấu giá năng lượng gió ngoài khơi năm nay, và chịu sự chỉ trích từ các đối thủ vì họ lo ngại không thể cạnh tranh được với những gã khổng lồ năng lượng giàu tiền mặt. Dotzenrath cho rằng đây là điều bình thường, khi những người tham gia thị trường đều muốn giành chiến thắng.
BP cho biết họ có kế hoạch chi tới 65 tỷ USD cho năng lượng tái tạo, hydro, nhiên liệu sinh học và giao thông điện từ năm 2023 đến năm 2030, chiếm một nửa số khoản đầu tư của công ty vào cuối thập kỷ này, so với 30% vào năm 2022.
Octopus Energy của Anh ra mắt Quỹ Năng lượng gió ngoài khơi với Tokyo Gas trị giá 3,7 tỷ USD
Hôm thứ Sáu (17/11), Octopus Energy của Anh cho biết chi nhánh đầu tư năng lượng tái tạo của họ đã thành lập một Quỹ chuyên dụng với Tokyo Gas của Nhật Bản để đầu tư 3 tỷ bảng Anh (3,7 tỷ USD) vào các dự án năng lượng gió ngoài khơi vào năm 2030.
Octopus cho biết Octopus Energy Offshore Wind Fund đã được thành lập với khoản đầu tư nền tảng trị giá 190 triệu bảng Anh từ Tokyo Gas, sẽ đầu tư vào các trang trại gió ngoài khơi cũng như các công ty tạo ra công suất gió ngoài khơi mới, tập trung vào châu Âu.
Quỹ sẽ xem xét đầu tư cả tua bin gió ngoài khơi truyền thống và tua bin nổi.
Zoisa North-Bond, Giám đốc điều hành của Octopus Energy Generation cho biết: “Khả năng tạo ra tác động tích cực, tăng cường an ninh năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch là rất lớn đối với gió ngoài khơi”.
Octopus Energy Generation cho biết họ có kế hoạch đầu tư 20 tỷ USD vào năng lượng gió ngoài khơi vào năm 2030, nhằm mục đích tăng cường an ninh năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Maxeon Solar của Singapore kiện Aiko Solar vì vi phạm bằng sáng chế
Đơn vị của nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời Maxeon Solar Technologies đã đệ đơn kiện vi phạm bằng sáng chế chống lại Shanghai Aiko Solar của Trung Quốc và các công ty con của họ lên Tòa án Đức, cáo buộc vi phạm bằng sáng chế châu Âu về cấu trúc pin mặt trời.
Hôm thứ Tư (15/11), công ty Maxeon có trụ sở tại Singaporecho biết cấu trúc pin mặt trời cơ bản và độc quyền của họ dành cho pin mặt trời tiếp xúc từ cạnh hoặc phía sau, được gọi là pin mặt trời All-Back Contact (ABC), giúp tạo ra năng suất cao hơn so với pin thông thường.
Trong một tuyên bố, Lindsey Wiedmann, Giám đốc pháp lý và phát triển bền vững của Maxeon, cho biết: “Maxeon mong muốn Aiko và Memodo (nhà bán buôn của Aiko) tôn trọng các quyền bằng sáng chế và ngay lập tức ngừng sử dụng trái phép công nghệ đã được cấp bằng sáng chế”.
Aiko Solar đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.
Đầu năm nay, nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời First Solar đã đạt được thỏa thuận với đối thủ Toledo Solar sau khi kiện công ty này lên Tòa án quận Ohio (Mỹ) với cáo buộc Toledo Solar bán tấm pin sản xuất ở châu Á của First Solar như là sản phẩm của mình dưới nhãn hiệu "sản xuất tại Mỹ".
Thanh Bình
Nguồn:Bản tin Năng lượng xanh: BP tìm kiếm quan hệ đối tác ở Nhật Bản để điều hướng "cơn bão" trong năng lượng tái tạo (petrotimes.vn)