Khai thác "mỏ vàng" điện gió Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá là có tiềm năng điện gió lớn. Ngành điện gió Việt Nam đang ngày càng phát triển, thể hiện qua nhiều con số ấn tượng. Cần đưa ra các biện pháp hợp lý, thúc đẩy khai thác điện gió tại Việt Nam.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên gió tốt. Dự thảo Quy hoạt Phát triển điện lực 8, đặt mục tiêu có 7 GW điện gió ngoài khơi và 21 GW điện gió trên bờ vào năm 2030. Ngành điện gió đã sẵn sàng và có thể thực hiện các mục tiêu này và giúp Việt Nam tăng cường an ninh năng lượng, cải thiện cán cân thương mại, tăng tính bền vững của nền kinh tế và năng lực cạnh tranh quốc tế của đất nước.

Tiềm năng điện gió lớn của Việt Nam

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là nước có tiềm năng năng lượng gió lớn nhất trong 4 nước của khu vực, với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6m/giây ở độ cao 65m, tương đương công suất 512 GW. Đặc biệt, gần 8% diện tích Việt Nam được xếp hạng có tiềm năng gió rất tốt, với tốc độ gió ở độ cao 65m là 7 - 8 m/giây.

Khai thác "mỏ vàng" điện gió Việt Nam - Ảnh 1
Việt Nam có tiềm năng điện gió lớn. Ảnh: Báo Lao động.

Những ưu đãi về đầu tư xây dựng nhà máy và giá bán điện cho ngành Điện lực Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Vì thế, tuy bắt đầu xây dựng nhà máyđiện giótừ năm 2012 (Nhà máy Điện gió Tuy Phong - nay gọi là Điện gió Bình Thạnh), nhưng đến giữa năm 2019, Việt Nam đã có vài chục dự án có công suất lắp máy từ 20 đến 250 MW đã hoặc sắp hoàn thành.

Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 39/QĐ - TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ - TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, hiện nay, đã có nhiều dự án được đề xuất và được thi công xây dựng. Trong đó dự án lớn nhất là Trang trại điện gió Bạc Liêu với 99 MW, dự án nhỏ nhất là Nhà máy Điện gió Phú Quý 6 MW nối lưới độc lập (không nối lưới điện quốc gia) trên đảo Phú Quý (Bình Thuận), các nhà máy điện gió còn lại có quy mô công suất nhỏ dưới 50 MW. Các dự án điện gió khác đang triển khai chậm, nhiều trường hợp còn đang trong quá trình xin giấy phép hoặc gặp khó khăn trong tìm nhà đầu tư. 

Tính đến nay, tổng công suất lắp đặt nguồn toàn hệ thống đã ở mức khoảng 69.000 MW. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng đang ngày càng lớn, Việt Nam sẽ cần khoảng137,2GW điện vào năm 2030, ước tính vốn đầu tư khoảng128,3 tỷ USD.

Tổng công suất điện gió tính đến năm 2020 là 327 MW.Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phát triển điện gió ngoài khơi với các dự án đã được lắp đặt hiện đạt 99 MW. Không dừng lại ở đó,trong bản Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia hiện hành, Việt Nam còn đặt mục tiêu nâng tổng công suất điện gió lên 6.000 MW vào năm 2030.

Phát triển năng lượng gió ở Việt Nam

Trong hai ngày (1-2/12/2022), Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) tổ chức Hội nghị Điện gió Việt Nam 2022 (Vietnam Wind Power 2022) tại Hà Nội. Hội nghi là dịp để các cơ quan chức năng và ngành điện gió thảo luận về những vấn đề cấp bách xung quanh việc phát triển năng lượng gió ở Việt Nam.

Việt Nam có tiềm năng điện gió rất lớn, đặc biệt là điện gió ngoài khơi có thể đóng góp đáng kể cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai, góp phần tự chủ về năng lượng, chủ động về giá năng lượng, tạo ra hàng chục nghìn việc làm trong một ngành công nghiệp mới và cải thiện cán cân thương mại, đồng thời giúp cho đất nước đạt được các cam kết phát thải ròng bằng 0 và thu hút đầu tư quốc tế.

Khai thác "mỏ vàng" điện gió Việt Nam - Ảnh 2
Điện gió trong những năm tới sẽ là giải pháp năng lượng sạch cho Việt Nam. Ảnh: Báo Công Thương. 

Nếu ngành điện gió ngoài khơi được tạo điều kiện phát triển một cách tự nhiên và thuận lợi từ một số dự án sơ bộ đã được chuẩn bị tốt, thì cách tiếp cận ‘theo giai đoạn’ với các biểu giá mua điện tương ứng cho điện gió ngoài khơi, và dần giảm các khoản này trong các cuộc đấu giá theo thời gian có thể cho phép điện gió ngoài khơi trở nên rẻ hơn hầu hết các hình thức sản xuất năng lượng khác, như kinh nghiệm từ Vương quốc Anh và Đài Loan.

Để thực hiện được điều này, cần cấp thiết thành lập một ủy ban điều phối liên bộ, có thể do Bộ Công Thương chủ trì. Các chính sách và quy định về gió ngoài khơi ảnh hưởng đến nhiều bộ và cấp chính quyền khác nhau, ủy ban này sẽ làm việc để đẩy nhanh việc giải quyết các nút thắt cổ chai giữa các bộ khác nhau.

Về điện gió trên bờ, biểu giá mua điện (FiT) đã hết hạn (tháng 11/2021). Trong khi 4 GW điện gió trên bờ đã hoàn thành trước khi giá FiT hết hạn, có 4 GW khác của các dự án đã ký PPA nhưng không kịp hoàn thành trước thời hạn. Nhiều dự án trong số này đã hoàn thành xây dựng kể từ khi FiT hết hạn. Tính đến thời điểm hiện tại, các dự án này vẫn chưa được sản xuất điện.

Linh Chi

Nguồn: Khai thác "mỏ vàng" điện gió Việt Nam (kinhtemoitruong.vn)