Cần nguồn vốn khủng cho năng lượng xanh

Quá trình chuyển đổi xanh của hệ thống điện sẽ cần rất nhiều vốn, có thể lên đến 167 tỷ USD vào năm 2050 trong kịch bản đưa mức phát thải ròng về 0.

Nguồn tín dụng cho năng lượng xanh, năng lượng tái tạo chỉ chiếm 2% trong cơ cấu tín dụng của nền kinh tế.

Nhu cầu vốn lớn

Theo Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2021 (EOR21) - sản phẩm hợp tác giữa Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) và Cục Năng lượng Đan Mạch với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Đan Mạch - vừa được công bố cuối tuần trước, nhằm đạt phát thải carbon 0% vào năm 2050 theo cam kết tại COP26, quá trình chuyển đổi xanh của hệ thống điện tại Việt Nam có thể cần nguồn vốn lên đến 167 tỷ USD, tương đương 11% GDP dự kiến năm 2050.

Đưa ra các kịch bản phát triển của hệ thống năng lượng Việt Nam, Báo cáo trên cho biết, hoàn toàn khả thi để có được một hệ thống năng lượng có mức phát thải ròng bằng 0 với chi phí tăng thêm chỉ 10% so với kịch bản cơ sở nếu thực hiện đúng cách.

Nhằm tránh chi phí quá cao, Việt Nam cần hành động sớm để mức phát thải đạt đỉnh không muộn hơn năm 2035. Theo đó, nguồn điện từ năng lượng tái tạo cần phải là nguồn thay thế chính cho nhiên liệu hóa thạch. Hệ thống điện cần đáp ứng 70% nhu cầu năng lượng vào năm 2050. Các nguồn năng lượng tái tạo chính là điện mặt trời (75%) và điện gió (21%).

Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm vào khoảng 7% và nền kinh tế đang phát triển dẫn đến gia tăng đáng kể mức tiêu thụ năng lượng cũng như lượng khí thải carbon. Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam có thể tách rời tiêu thụ năng lượng và phát triển kinh tế, đồng thời chuyển đổi hệ thống năng lượng thành một hệ thống năng lượng xanh và bền vững hơn bằng cách đầu tư vào năng lượng tái tạo và các công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Để thúc đẩy phát triển ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, phải có những chính sách mang tính đột phá để khuyến khích phát triển bền vững, thực hiện những cam kết của Việt Nam tại COP26, cũng như chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Thực tế tại Việt Nam, vốn cho đầu tư năng lượng vẫn là một bài toán khó và nguồn tín dụng cho năng lượng xanh, năng lượng tái tạo còn hết sức khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 2% trong cơ cấu tín dụng của nền kinh tế.

Với nhu cầu vốn lớn cho các dự án năng lượng xanh, các chuyên gia năng lượng Đan Mạch lưu ý, Việt Nam cần tiếp cận các giải pháp tài chính có chi phí thấp. Việt Nam cũng cần có các biện pháp giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư, từ đó giúp giảm giá điện cho người dùng cuối.

Giảm phụ thuộc nhiên liệu nhập khẩu

Theo nhận định của ông Kristoffer Böttzauw, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA), việc tập trung đầu tư hướng tới đạt được mức phát thải ròng bằng 0 sẽ giúp Việt Nam không phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu.

“Mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu của Việt Nam dự kiến tăng cao trong thập kỷ tới. Đến năm 2050, tỷ trọng nhiên liệu nhập khẩu có thể lên đến 70% tổng cung năng lượng trong kịch bản cơ sở, tương đương chi phí 53 tỷ USD”, ông Kristoffer Böttzauw nói.

Phân tích cho thấy, khi giá LNG tăng 20%, sẽ dẫn đến giảm 50% nhu cầu LNG của ngành điện. Trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới biến động mạnh và khó kiểm soát như hiện nay, việc giảm nhập khẩu nhiên liệu đồng nghĩa với giảm thiểu rủi ro cho hệ thống năng lượng quốc gia.

Báo cáo cũng khuyến nghị, Việt Nam cần ngừng quy hoạch xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới và cải tạo các nhà máy đang vận hành để tăng mức độ linh hoạt và hỗ trợ tích hợp hiệu quả hơn các nguồn năng lượng tái tạo. Ngoài ra, cần hạn chế xây mới các nhà máy nhiệt điện khí và LNG do công suất 25 GW theo quy hoạch hiện tại đã là quá đủ để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đối với hệ thống truyền tải điện, các chuyên gia năng lượng khuyến nghị, nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo tốt nhất nằm ở các khu vực phía Nam. Trong khi đó, các trung tâm phụ tải lại nằm xung quanh Hà Nội và TP.HCM. Vì vậy, để đạt các cam kết về phát thải, Việt Nam cần phát triển toàn diện hệ thống truyền tải.

Công suất truyền tải liên vùng tăng thêm 12 GW vào năm 2030 là cần thiết trong tất cả các kịch bản, tương ứng khoảng 40% công suất truyền tải vào năm 2020. Ngoài ra, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tổng công suất truyền tải liên vùng cần có của hệ thống khoảng 160 GW, gấp 5-6 lần công suất năm 2020. Các đường dây truyền tải cần có bao gồm đường dây truyền tải cao áp một chiều (HVDC) từ Trung Trung bộ và Nam Trung bộ đến Bắc bộ, với khả năng truyền tải công suất lần lượt là 39 GW và 18 GW.

Việt Nam cũng được khuyến nghị sớm hành động chuyển đổi nhiên liệu và điện khí hóa lĩnh vực giao thông - vận tải, nhằm mang lại lợi ích kép vừa giảm ô nhiễm không khí, vừa giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

https://baodautu.vn/can-nguon-von-khung-cho-nang-luong-xanh-d167247.html