Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý vận hành Nhà
máy Lọc dầu Dung Quất không ngừng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ
thuật, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến vào
quá trình sản xuất, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao và giúp BSR phát
triển bền vững.
Lao động sáng tạo, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu ứng dụng
khoa học và công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) là những
hoạt động then chốt, bản lề của BSR ngay từ những ngày đầu tiếp nhận
bàn giao Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, với mục tiêu nhanh chóng nắm bắt
toàn bộ nguyên lý hoạt động, quy trình sản xuất và khắc phục các
điểm tồn tại kỹ thuật lớn của Nhà máy trong giai đoạn thiết
kế - xây dựng, tiến tới làm chủ hoàn toàn quy trình sản xuất, đảm
bảo Nhà máy luôn vận hành an toàn, ổn định và liên tục.
Qua
15 năm hình thành và phát triển, đến nay, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
luôn vận hành ổn định, hiệu quả, cung cấp trên 30% nhu cầu xăng dầu
trong nước và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam.
Đến
thời điểm hiện tại, BSR đã chế biến được hơn 94 triệu tấn dầu thô, sản
xuất và xuất bán ra thị trường hơn 86 triệu tấn sản phẩm, doanh thu đạt
hơn 1,4 triệu tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 44 nghìn tỷ đồng và nộp
ngân sách nhà nước hơn 207 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 9 tỷ USD) -
gấp gần 3 lần tổng mức đầu tư dự án.
 |
Người lao động BSR đã làm chủ khoa học công nghệ lọc hóa dầu. |
Trong
quá trình phát triển, BSR đã nhiều lần đối diện với các khó khăn,
thách thức mang tính "sống còn" đối với Công ty, đặc biệt phải kể đến
là sự thay đổi lớn về nguyên liệu dầu Bạch Hổ so với thiết kế ban đầu
(chất lượng cũng như sản lượng cung ứng), các diễn biến bất thường của
thị trường dầu thô trên thế giới, áp lực cạnh tranh rất lớn trong thị
trường cung ứng xăng dầu nội địa khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc và
khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động thương mại.
Để
vượt qua những điều đó, BSR đã xác định nghiên cứu, ứng dụng khoa học và
công nghệ vào hoạt động SXKD của Công ty là một trong những giải pháp
mang tính chiến lược và lâu dài với mục tiêu hợp lý hóa nguồn dầu thô
chế biến; tối ưu hóa công suất; đảm bảo sản xuất an toàn, ổn định; giảm
chi phí vận hành và đảm bảo yếu tố môi trường; tối ưu hóa cơ cấu, nâng
cấp và đa dạng hóa sản phẩm để vừa đáp ứng nhanh và phù hợp với yêu cầu
của thị trường vừa đem lại lợi nhuận chế biến cao nhất trong từng thời
điểm từ đó nâng cao hiệu quả SXKD tổng thể cho toàn Công ty.
Kết
quả nổi bật nhất trong công tác nghiên cứu khoa học tại BSR thời gian
qua là cụm công trình ứng dụng khoa học và công nghệ “Các giải pháp ứng
dụng khoa học công nghệ tối ưu hóa quá trình sản xuất của Nhà máy Lọc
dầu Dung Quất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh
của BSR” đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa
học và Công nghệ vì đã góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội
và bảo vệ Tổ quốc. Đây là một cụm công trình gồm hàng trăm sáng kiến,
giải pháp kỹ thuật đã được đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, công nhân lành
nghề, là nguồn nhân lực khoa học công nghệ nòng cốt của BSR thực hiện
trong trong những năm vừa qua, với lợi ích mang lại cho Công ty ước tính
khoảng 4.270 tỷ đồng.
Trong năm 2022 và những tháng đầu năm
2023, BSR không ngừng đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sáng tạo, đổi
mới phát triển với nhiều thành tích nổi bật, cụ thể: Chế biến thử
nghiệm thành công 4 loại dầu thô, nguyên liệu mới, trong đó có Residue
và VGO góp phần tăng công suất phân xưởng RFCC lên thêm gần 10%; Nghiên
cứu sản xuất, xuất bán thành công 4 loại nguyên liệu mới với 3 sản phẩm
nhiên liệu đặc chủng quốc phòng ADO-L62, JetA1K, xăng A83 và 1 sản phẩm
hạt nhựa mới BOPP có giá trị cao.
Trong quý 2/2023, BSR dự
kiến xuất bán 2 sản mới là RFCC Naphtha và FRN. Triển khai áp dụng thành
công 343 cải tiến, 12 sáng kiến và hàng loạt giải pháp kỹ thuật với
hiệu quả mang lại cho Công ty gần 300 tỷ đồng.
BSR tham gia
tích cực chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo” do
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động và dẫn đầu các đơn vị trong
Tập đoàn Dầu khí Việt nam. BSR cũng đạt danh hiệu Top 10 doanh nghiệp
khoa học và công nghệ của Việt Nam...
Trong tương lai ngành
công nghiệp lọc hóa dầu sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức như: Chuyển
dịch năng lượng, chuyển đổi số, biến động của thị trường, lạm phát, đứt
gãy chuỗi cung ứng, chiến tranh...
Ông Lê Hải Tuấn - Trưởng
ban NCPT BSR cho biết: BSR đã nhận diện được các khó khăn, cũng như tận
dụng các cơ hội để duy trì sản xuất ổn định và phát triển bền vững trong
tương lai. BSR đã và đang xây dựng các đề án, chương trình nghiên cứu
ứng dụng khoa học công nghệ dài hạn; thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ phát
triển khoa học công nghệ, làm việc với các nhà cung cấp bản quyền công
nghệ, các đơn vị tư vấn để nghiên cứu, tối ưu hóa công nghệ, nâng cấp
chất lượng, đa dạng hóa nguyên liệu, phát triển thêm các sản phẩm mới
nhằm nâng cao hiệu quả của Công ty./.
MẠNH THỊNH (BSR)
Nguồn:https://nangluongvietnam.vn/nghien-cuu-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-giup-bsr-phat-trien-ben-vung-30787.html